Vì sao không chủ động cứu nạn sớm tàu chìm?

Đại diện các thân nhân thủy thủ mất tích lên làm việc với Vinalines và MRCC Việt Nam
Đại diện các thân nhân thủy thủ mất tích lên làm việc với Vinalines và MRCC Việt Nam
TP - Dù đã hứa với người nhà 22 thuỷ thủ đoàn tàu Vinalines Queen sẽ thuê tàu biển tìm kiếm, nhưng đến chiều qua (2-1), Cty Vận tải biển Vinalines vẫn chưa thực hiện.

> Khi tàu lật úp

Đại diện các thân nhân thủy thủ mất tích lên làm việc với Vinalines và MRCC Việt Nam
Đại diện các thân nhân thủy thủ mất tích lên làm việc với Vinalines và MRCC Việt Nam.

Chậm thuê tàu tìm kiếm

Trước đó, bức xúc trước cách thức triển khai của đơn vị chủ quản, thân nhân đã kéo lên trụ sở chất vấn. Nhiều người nhà các thuỷ thủ mất tích từng công tác lâu năm trong ngành hàng hải nên có nhiều kinh nghiệm. Họ thấy bức xúc trước cách Cty Vận tải biển Vinalines chỉ dựa hoàn toàn vào máy bay tìm kiếm trên cao, mà không có phương án dùng tàu biển tìm trực tiếp.

Đến chiều ngày 1-1, phía công ty đã đồng ý với đại diện một số thân nhân thuỷ thủ sẽ thuê tàu để tìm kiếm. Tuy nhiên, chiều 2-1, Giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam (MRCC Việt Nam) Nguyễn Anh Vũ cho biết: “Vẫn chưa có tin tức gì khả quan dù đơn vị đã tích cực. Càng về sau, tìm kiếm càng khó”. Cho tới cuối chiều ngày 2-1, theo ông Vũ, Cty Vận tải biển Vinalines vẫn chưa thuê được tàu để tìm kiếm những thủy thủ mất tích.

Có nhiều thông tin cho rằng, cần xem xét lại trách nhiệm của phía công ty quản lý tàu Vinalines Queen. Ngay từ thông tin đầu tiên tàu mất liên lạc, Cty Vận tải biển Vinalines đều giữ quan điểm tàu lạc vào hoang đảo hoặc rơi vào vùng bị phá sóng.

Thay vì thông tin rộng rãi và có biện pháp tìm kiếm quyết liệt từ đầu, như thuê máy bay tầm thấp hoặc thuyền cứu nạn. Với thông tin do Cty Vận tải biển Vinalines cung cấp ban đầu có thể trấn an dư luận và thân nhân người mất tích, nhưng cũng vô tình làm giảm cấp độ tìm kiếm.

Trong buổi làm việc giữa người nhà các thuỷ thủ mất tích với công ty, vấn đề này cũng được đưa ra. Ngay cả MRCC Việt Nam cũng có lúc cho biết họ bị áp lực bởi phía sở hữu tàu có quan điểm khác. Dù thế, MRCC Việt Nam vẫn thông báo tình huống ở mức độ khẩn nguy cao khi tìm kiếm sự trợ giúp từ các lực lượng tìm kiếm cứu nạn quốc tế. Trong bối cảnh đó, gần như dựa hoàn toàn vào các lực lượng tìm kiếm của các tổ chức gần nơi tàu đắm.

Cần làm rõ việc tàu không phát tín hiệu

Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết: “Về lý thuyết, quá trình tìm kiếm nên phối hợp giữa máy bay trên không và tàu thuyền dưới nước để đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, những ngày tàu đã chìm, sóng gió rất to khiến tàu thuyền khó tiếp cận”.

Chỉ đến khi nhận được tin thuỷ thủ Đậu Ngọc Hùng được cứu sống sót, phía công ty sở hữu tàu mới có một loạt động thái tích cực như cử đoàn công tác sang Phillipines, treo thưởng cho các tàu biển cứu thủy thủ còn sống hay đã chết... Chưa kể, tàu Vinalines Queen có giá trị gần 50 triệu USD, được đánh giá hiện đại và lớn nhất Việt Nam nhưng khi bị đắm các thiết bị báo tin vô tác dụng.

Đây là một câu hỏi lớn bởi vì thông tin từ phía Cty Vận tải biển Vinalines cho biết, con tàu này kiểm định lần cuối từ tháng 1-2011 (6 năm tuổi). Đại diện MRCC Việt Nam (giấu tên) cũng cho biết: “Ngay từ đầu, chúng tôi dự đoán thiết bị thông tin hỏng, khả năng do lỗi kỹ thuật hoặc do con người vận hành”. Đây là yếu tố mà cơ quan chức năng cần xem xét đánh giá tìm hiểu nguyên nhân tàu đắm.

Trong cuộc gặp giữa đại diện gia đình các thủy thủ mất tích với phía Vinalines và MRCC Việt Nam, ông Lê Bá Hợp (nguyên là Phó Tổng GĐ Cty Bảo đảm An toàn Hàng hải Việt Nam)-anh trai của máy trưởng Lê Bá Trúc, từng có nhiều kinh nghiệm hàng hải phân tích: “Công tác tìm kiếm vừa qua chưa thích hợp và chưa đủ. Khu vực tàu Vinalines Queen bị nạn có rất nhiều đảo san hô do đó vẫn có thể các thuyền viên mắc kẹt ở đó”. Ông Hợp cũng nói: “Quá trình tìm kiếm có nhiều khiếm khuyết. Ngày đầu tiên lẽ ra phải có tàu của Đài Loan hoặc Philippines ra thì sẽ cứu được. Tôi hỏi mấy ngày hôm trước máy bay các anh bay ở đâu? Bây giờ là quá muộn nhưng chưa phải là tuyệt vọng”.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.