Vì sao Khánh Hòa chưa sáp nhập huyện Khánh Sơn?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài
TPO - Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa lý giải, Khánh Sơn là huyện có vị trí địa lý tách biệt, quan trọng đến vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng; là huyện vùng cao, có địa hình chia cắt với các địa phương còn lại trong tỉnh nên chưa thể sáp nhập trong giai đoạn này.

Bộ Nội vụ vừa tổ chức Hội đồng thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính tại tỉnh Khánh Hòa. Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa Trần Thu Mai, tỉnh Khánh Hòa có 1 đơn vị hành chính cấp huyện là huyện Khánh Sơn có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 50%. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị chưa thực hiện sắp xếp huyện Khánh Sơn trong giai đoạn 2019-2021.

Đối với cấp xã, tỉnh Khánh Hòa có 3 đơn vị trong diện sáp nhập, gồm: xã Diên Bình, Diên Lộc thuộc huyện Diên Khánh; xã Cam Lập thuộc thành phố Cam Ranh. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị chưa thực hiện sắp xếp xã Cam Lập và chỉ sắp xếp 2 xã còn lại, đặt tên mới là xã Bình Lộc.

Cho ý kiến về đề án, các thành viên hội đồng đề nghị tỉnh Khánh Hòa có giải trình cụ thể, thuyết phục hơn lý do chưa thực hiện sắp xếp 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 1 đơn vị cấp xã. Đồng thời, xây dựng phương án bố trí công an chính quy theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.

Lý giải việc chưa sắp xếp, sáp nhập huyện Khánh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài cho biết: Đây là huyện có vị trí địa lý tách biệt, quan trọng đến vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng; là huyện vùng cao, có địa hình chia cắt với các địa phương còn lại trong tỉnh.

Bên cạnh đó, huyện Khánh Sơn có điều kiện kinh tế - xã hội thuộc vùng khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, không có phương án khả thi cho việc sắp xếp huyện Khánh Sơn, không thể sáp nhập với cấp huyện khác giáp ranh, các đơn vị cấp huyện giáp ranh gồm có huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh đều thuộc vùng đồng bằng.

“Nếu thực hiện việc sáp nhập huyện Khánh Sơn với một trong hai đơn vị hành chính cấp huyện nêu trên sẽ gây rất khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, đi lại của người dân khi liên hệ công tác với chính quyền cấp huyện mới sau sáp nhập và ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Nếu phải sắp xếp thì sẽ phải sáp nhập vào thành phố Cam Ranh hoặc sáp nhập vào huyện Cam Lâm, thực hiện một trong hai phương án sáp nhập này đều có khó khăn”, ông Tài cho hay.

Tương tự đối với kiến nghị chưa sắp xếp, sáp nhập xã Cam Lập thuộc thành phố Cam Ranh, lý do vì xã Cam Lập nằm trong đề án xin chủ trương của Trung ương thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Cam Ranh nhằm hoàn thiện, củng cố hệ thống chính trị để phát triển toàn diện huyện Trường Sa. Cam Lập chỉ có thể sáp nhập với xã Cam Thịnh Đông, tuy nhiên, phương án sáp nhập này sẽ gây rất khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc đi lại, liên hệ công tác của Nhân dân.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Vụ Chính quyền địa phương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, bổ sung làm rõ phương án, lộ trình sắp xếp đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư và hoàn thành trong năm 2021.

Đến nay đã có 42/45 tỉnh, thành gửi hồ sơ đề án chi tiết đến Bộ Nội vụ. Còn 3 tỉnh, thành chưa gửi hồ sơ đề án là thành phố Cần Thơ, TP. HCM và tỉnh Kiên Giang. Bộ Nội vụ đã thẩm định, trình Chính phủ 39 đề án; Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề án của 31 tỉnh, thành phố. Sau khi sáp nhập, cả nước sẽ giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 560 cấp xã.

MỚI - NÓNG