Ông Lê Anh Quân, thành viên đoàn Giám sát cho rằng, hiện nay xe buýt đang phải đối diện với nhiều khó khăn, trong đó có hạ tầng quỹ đất không còn nhiều để xe buýt hoạt động, cạnh tranh của các loại hình phương tiện khác... Đây chính là những yếu tố đã làm sản lượng hành khách đi xe buýt tại Hà Nội sau một thời gian tăng trưởng mạnh, đến nay đã bị chùng xuống, thậm chí sụt giảm. Dẫn chứng cho việc này, ông Quân nêu: trong khi hàng năm thành phố vẫn chấp thuận cho mở thêm tuyến, đầu tư thêm phương tiện, tăng trợ giá cho xe buýt, tuy nhiên so sánh sản lượng phương tiện hành khách đi xe buýt trong hơn 5 năm qua thì đang có sự giảm sút. Đơn cử, nếu năm 2012 với 53 tuyến buýt, Transerco vận chuyển được 414 triệu lượt hành khách, nhưng năm 2017 với 74 tuyến buýt Transerco vận chuyển được 321 triệu lượt hành khách (giảm khoảng 93 triệu lượt khách). Cùng với đó, thời gian di chuyển trên một lượt hành trình của xe buýt cũng đang chậm hơn so với trước đây.
Ông Nguyễn Thanh Bình (Thành viên đoàn giám sát) cũng cho rằng, đánh giá nguyên nhân dẫn đến lượt tuyến tăng, phương tiện tăng nhưng hành khách giảm Transerco chỉ đề cập nhiều đến những yếu tố khách quan, còn chủ quan chưa được rõ nét. Theo ông, ngoài yếu tố khách quan, việc giảm sản lượng hành khách đi xe buýt thời gian qua còn có các nguyên nhân chủ quan, như việc thu hút các đối tượng hành khách cần phải được nghiên cứu, có giải pháp cụ thể; chất lượng dịch vụ phải được thể hiện trên các tiêu chí: giảm thời gian chuyến đi, trong đó có thời gian từ nhà đến các bến chờ xe buýt. Nếu cùng một cự ly, nhưng buýt vẫn đi chậm hơn xe cá nhân thì sẽ không hấp dẫn.
Đường hẹp, tăng xe cũng hết chỗ chạy
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Tổng Giám đốc Transerco cho rằng, thực trạng của phát triển VTHKCC bằng xe buýt trong những năm qua cơ bản đúng với các ý kiến đại biểu nêu ra.
Đề cập đến câu chuyện buýt sụt giảm sản lượng những năm gần đây, ông Trung cho rằng, ngoài các yếu tố khách quan thì cũng có một số yếu tố chủ quan. Cụ thể, bắt đầu tư năm 2013 Transerco thực hiện cổ phần hóa nhiều xí nghiệp, đơn vị trực thuộc làm sản lượng khách của Transerco cũng bị phân tán; các tuyến mới mở sau này chủ yếu chạy ra ngoại thành, khu vực mới nên lượng khách ít, trong khi chi phí đi lại cao; giá xăng trước thời điểm 2014 lên đến trên 25.000 đồng/lít, mấy năm gần đây chỉ dưới 20.000 đồng/lít cũng làm người dân có nhiều loại hình phương tiện để lựa chọn.
Nhằm thúc đẩy buýt phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Công Nhật, Phó tổng giám đốc Transerco cho rằng, ngoài phương tiện mới, hiện đại và chất lượng dịch vụ tốt chưa đủ, yếu tố quyết định ngay đến việc này là hạ tầng. Theo ông Nhật, sau hơn 10 năm phát triển, hầu hết các tuyến đường buýt có thể hoạt động được đã được triển khai tuyến, vậy nhưng trong theo kế hoạch thành phố giao và Đề án phát triển buýt từ nay đến cuối năm 2018 Transerco sẽ mở thêm hơn 10 tuyến buýt mới, các năm tiếp theo mở thêm hàng chục tuyến nữa. Đây là cả bài toán không dễ giải. Nếu không có các bước đột phá về hạ tầng, cụ thể là đường cho xe buýt hoạt động thì có tăng xe cũng không có đường để buýt hoạt động. Cùng với đó là trên các tuyến đường đã có xe buýt hoạt động, để kéo hành khách trở lại với xe buýt phải làm sao xe buýt đi nhanh hoặc bằng xe cá nhân. Để thưc hiện được việc này, cùng với việc nâng cao đoàn phương tiện, thành phố và các sở ngành cũng phải quyết liệt trong việc tạo làn đường ưu tiên cho xe buýt.