Công nhân Công ty Cà phê Đăk Đoa tập trung yêu cầu làm rõ những bất hợp lý của khoán mới. |
Nhiều hộ bần cùng
Những năm qua, giá cà phê liên tục tăng, với nhiều hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên, đây là cơ hội đổi đời, cuộc sống cải thiện rõ rệt. Thế nhưng nhiều công nhân trồng cà phê trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam ngày càng bần cùng do nợ tiếp nợ, vì trót nhận khoán vườn cây cà phê.
Hơn 5 năm nhận khoán với Công ty cà phê Đăk Đoa, gia đình chị Lê Thị Hương, công nhân đội sản xuất số 2 luôn sống trong túng thiếu, khó khăn.
Gặp chúng tôi tại lô cà phê cằn cỗi, đang bị rụng lá của mình, chị Hương nói: “Tôi nhận khoán 8,9 sào của Công ty cà phê Đắk Đoa từ năm 2007 đến nay, lô của tôi cà phê cằn cỗi, năng suất thấp, sâu bệnh rất nhiều nhưng cũng đành chấp nhận vì mình đã ký kết rồi. Năm nào thu hoạch cũng nộp hết sản lượng về công ty nhưng đến nay, tôi đã nợ đến 16 tấn cà phê quả tươi, có bán nhà cũng không đủ trả”.
Chị Hương cho biết, nhiều hộ trảm lại nợ liên miên đã trả lại vườn cây cho Công ty năm nay cũng bỏ hoang hóa không ai dám nhận chăm sóc.
Ông Nguyễn Kim Liệu công nhân Đội 4-Công ty Cà phê Đăk Đoa năm nay đã 62 tuổi, nhận khoán 9,7 ha cà phê nợ hơn 9 tấn cà phê nên ông phải tiếp tục lao động trả nợ mà không được nghỉ hưu. Càng làm càng nợ thế này không biết đến đời con, đời cháu ông có thể trả hết nợ không.
Theo Công ty Cà phê Đăk Đoa với tỉnh Gia Lai thì, khi thực hiện phương án khoán mới, doanh nghiệp (DN) chỉ có 12 trong tổng số hơn 350 lao động nhận khoán 320 ha cà phê kinh doanh còn nợ sản lượng. Song phản ánh của công nhân, tổng số hộ thiếu sản ở công ty này đến năm 2011 là 157 lao động với hơn 500 tấn
cà phê.
Giao khoán: Trăm dâu đổ đầu công nhân
Tại Công ty Cà phê Đăk Đoa, theo phương án khoán mới 2011-2015 đang bị công nhân phản đối, nhiều người không chấp nhận ký hợp đồng nhận khoán bởi việc xây dựng phương án khoán không có sự bàn bạc trước với công nhân. DN xây dựng phương án, sau đó Tổng Công ty Cà phê VN phê duyệt rồi bổ xuống yêu cầu dân ký kết hợp đồng.
Theo phương án này, tổng chi phí cho 1 ha cà phê là 80 triệu đồng/năm tương đương với 11,3 tấn cà phê quả tươi. Người lao động được chia 35,5% giá trị bao gồm: Công lao động chăm sóc, thu hoạch, công cụ sản xuất; doanh nghiệp hưởng 64,5% gồm khấu hao tài sản, trả nợ vốn vay, đóng bảo hiểm, chi phí quản lý…
Nhiều công nhân bất bình bởi chi phí quản lý doanh nghiệp hằng năm ở Cty cổ phần Đăk Đoa rất lớn, lên đến hơn 4,7 tỷ đồng. Ngoài những khoản chi hàng tỷ đồng cho xăng xe, công tác phí, tiếp khách, hội họp, văn phòng phẩm, điện thoại… có khoản chi không rõ như “chi phí bằng tiền khác”: 610 triệu đồng; khấu hao tài sản phục vụ quản lý 166 triệu đồng... vượt xa so với chi tiêu ở Cty khác cũng trồng cà phê.
Ông Phùng Ngọc Mỹ-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, Tổng Công ty Cà phê VN nên nhanh chóng đối thoại với công nhân đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên, tránh gây mất trật tự trị an nông thôn.