Vì sao Hạ tầng bỏ hoang?

Vì sao Hạ tầng bỏ hoang?
TP - Hàng chục nhà chờ xe buýt, điểm bán vé của dự án Làng Văn hoá  - Du lịch các dân tộc Việt Nam xây xong cả chục năm vẫn bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường nội bộ, vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật chìm trong cỏ dại...

> Không để người dân bị thu hồi đất thiệt thòi
>  Mơ hồ như... định giá đất

Hạ tầng bỏ hoang

Đến Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng VHDL) những ngày này nhiều người không khỏi chạnh lòng. Từ đại lộ Thăng Long kéo dài rẽ phải vào lối cổng A một đàn bò cả chục con nhởn nhơ gặm cỏ ngay trên tuyến vỉa hè lối vào dự án.

Nhiều tuyến đường trải nhựa, vỉa hè rộng lát gạch giờ đây nhiều đoạn bị che kín bởi cỏ dại. Cỏ trùm lên vỉa hè, quấn vào chân hàng cột đèn khiến cho quang cảnh càng thêm hoang vắng, trơ trọi. Xót xa nhất là hệ thống nhà chờ xe buýt hàng chục chiếc xây dựng đã lâu nay đều như phế tích bởi ghế đã gãy vụn, khung cột hoen gỉ, mái nhà chờ sạm đen nghiêng ngả, cong vênh. Do xuống cấp nhanh nên nhiều nhà chờ xe buýt đã bị dỡ bỏ cả khung lẫn mái chất thành đống gần cổng vào.

Cũng ngay khu vực cổng A, hàng chục quầy bán vé xây hình bát giác có mái che, cửa khung kính khá hiện đại cũng chìm trong cỏ dại. Hầu hết mái che đã vỡ từng mảng trơ ra cả khung sắt đen xì. Chỉ riêng hệ thống nhà chờ xe buýt và trạm bán vé ước tính có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, tình trạng xuống cấp còn phải kể tới hệ thống nhà vệ sinh và một số công trình phụ trợ khác...

Thực địa theo hai tuyến đường phía trước mặt và sau lưng khu nhà điều hành của Ban quản lý dự án nằm trên con dốc nhỏ, chúng tôi tiếp tục tận thấy tình trạng xuống cấp tại đây. Cỏ dại mọc tốt như rừng lan ra cả mặt đường nhựa. Hàng chục nắp hố ga đường ống thoát nước bị kẻ gian lấy cắp giăng dọc đường như những cái bẫy đen ngòm.

Nhiều hàng cây xanh trồng đã nhiều năm nhưng không được chăm sóc rơi vào tình trạng “gật gù”, xơ xác lẫn vào cỏ dại, dây leo. Mặc dù đã khoảng 3 giờ chiều nhưng tại đây hàng chục đèn đường vẫn sáng!

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Làng VHDL xác nhận tình trạng xuống cấp tại một số hạng mục công trình như nhà chờ xe buýt, hàng chục nhà bán vé gần khu vực cổng A do xây dựng từ năm 2001 đến nay. Ban Quản lý dự án cho hay, tương lai sẽ phải nâng cấp hoặc xây dựng lại những hạng mục này do không còn phù hợp cả về thiết kế và vị trí!

Làng dân tộc chờ... người dân tộc

Khung cảnh hoang tàn tại khu nhà văn hóa dân tộc Ê Đê. ảnh: Minh Tuấn
Khung cảnh hoang tàn tại khu nhà văn hóa dân tộc Ê Đê.
ảnh: Minh Tuấn.
 

Là dự án về văn hoá-du lịch thuộc hàng lớn nhất cả nước về quy mô và giá trị đầu tư nhưng sau chục năm triển khai đầu tư xây dựng vẫn khiến cho người vào thăm cảm giác trống vắng, thiếu bóng người. Bản sắc của Làng VHDL, bên cạnh việc tái hiện các công trình văn hoá, không gian văn hoá của 54 dân tộc, được xác định là phải do chính người của 54 dân tộc tự tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch trong chính căn nhà của dân tộc mình.

Du khách đến với Làng VHDL vừa được tận thấy sinh hoạt thường ngày của người dân nhiều dân tộc, vừa được nghe người dân tộc tự giới thiệu về văn hoá, phong tục tập quán của dân tộc mình. Ấy vậy mà sau cả chục năm triển khai, đến nay dù nhiều khu làng dân tộc đã cơ bản xây dựng xong nhưng dường như bị bỏ không!

Ban Quản lý Làng VHDL cho hay, việc đưa đại diện của 54 dân tộc về tham gia các hoạt động của Làng đang là thách thức rất lớn do thiếu kinh phí. Về nguyên tắc, lẽ ra lúc nào cũng phải có đồng bào các dân tộc hoạt động, sinh sống hằng ngày tại Làng hoặc ít ra phải có 5-7 dân tộc luân phiên nhau, nhưng nay chỉ có thể đưa về Làng theo kỳ cuộc 6 lượt mỗi năm với khoảng 100 đồng bào/lượt.

Từ khu nhà điều hành của Ban quản lý, chúng tôi đi sâu vào khu các làng dân tộc, nơi tái hiện các không gian văn hoá của 54 dân tộc. Nhiều nơi vẫn đang là công trường bề bộn. Tại khu nhà của dân tộc Ê Đê, cỏ hoang phủ cả lên 2 hàng ghế được đầu tư khá hoành tráng với cột bê tông mái cách điệu bằng gỗ tấm lớn. Tại một số khu nhà khác có mái lợp bằng rơm rạ do lâu ngày đã xuống cấp trơ ra cả lớp cột tre buộc bên trong...

Trông chờ xã hội hóa

Hàng chục nhà bán vé xuống cấp nghiêm trọng. ảnh: Minh Tuấn
Hàng chục nhà bán vé xuống cấp nghiêm trọng. ảnh: Minh Tuấn.
 

Ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng VHDL cho biết, nhằm phát huy giá trị các hạng mục đã đầu tư, Ban quản lý đã thực hiện phương châm vừa xây dựng, vừa khai thác.

Do kinh phí cấp từ ngân sách chỉ đạt 30% kế hoạch dẫn đến việc đầu tư xây dựng nhiều hạng mục bị chậm tiến độ. Bên cạnh việc điều chỉnh lại quy mô của nhiều hạng mục công trình cho phù hợp với tình hình mới, Ban quản lý Làng VHDL tập trung xã hội hoá mạnh với mục tiêu huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách cho khoảng 30% các hạng mục công trình và nhiều dịch vụ khác.

Phần kêu gọi xã hội hoá là các công trình dịch vụ, các hoạt động dịch vụ, công trình tâm linh, các khu bố trí cho hoạt động thể thao dân tộc - vui chơi giải trí, nơi biểu diễn quy mô nhỏ để các đoàn đến có thể tổ chức các hoạt động. Ngoài ra còn có dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, phương tiện vận chuyển cũng sẽ xã hội hoá....Dự kiến trong quý III/2013 sẽ phê duyệt Đề án để chuẩn bị cho đến đầu năm 2014 sẽ tổ chức bán vé.

Ban quản lý cũng đang xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương: “Tôi đặt nhiều kỳ vọng vì thực tế thì nhiều tỉnh rất muốn giới thiệu văn hoá của mình tại Làng”-đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Làng VHDL nói. Ví như tỉnh An Giang đang chuẩn bị đưa bò và nghệ nhân ra tổ chức đua bò Bảy Núi. Thành phố Cần Thơ sẽ giới thiệu chợ nổi Nam Bộ. Theo Ban Quản lý, hiện nay đã có một số nhà đầu tư đến tiếp xúc tìm cơ hội và hy vọng ngay trong năm nay sẽ triển khai được.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả khảo sát thực hiện kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội khoá XII đối với dự án Làng VHDL kiến nghị, hiện tại nước hồ Đồng Mô - Ngải Sơn vẫn đang thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu cho một số xã liền kề nên mức nước hồ không ổn định, ảnh hưởng đến cảnh quan chung và thu hút đầu tư vào dự án.

“Khó khăn lớn nhất đối với việc triển khai dự án có quy mô lớn, tính đặc thù cao là khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế rất hạn chế”-báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội khẳng định.

Làng VHDL có tổng diện tích 1.544ha thuộc các huyện Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây (Hà Nội) có mục tiêu là nơi hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch mang tính quốc gia; nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc. 7 khu chức năng gồm: Trung tâm văn hoá giải trí 125 ha, khu các Làng dân tộc 198ha, khu di sản văn hoá thế giới 46,5ha, khu dịch vụ du lịch tổng hợp 138ha, khu công viên bến thuyền 341,5ha, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô 600ha... (Trích Quyết định 1689 ngày 15/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ)
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG