Vì sao giá hàng hoá, dịch vụ ở Hà Nội đắt đỏ ?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tổng cục Thống kê mới đây đã chỉ ra, giá cả hàng hoá, dịch vụ sinh hoạt ở thành phố Hà Nội trở nên đắt đỏ nhất cả nước. Thậm chí liên tục nhiều năm liền, Hà Nội đã giữ vị trí “quán quân” này.

Sống tại thành phố đắt đỏ nhất cả nước, nhiều người trẻ, gia đình trẻ chưa ổn định tài chính đang than gặp cảnh khó khăn trong chi tiêu, khó tích lũy và rất nan giải khi nghĩ tới chuyện an cư lạc nghiệp.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến chỉ số giá sinh hoạt của Hà Nội cao nhất cả nước đến từ cả giấc mơ an cư ở Thủ đô của nhiều người trẻ ngày một tăng cũng như hệ lụy từ hệ thống phân phối “ăn dày”, đẩy giá.

Chi tiêu không “dễ thở”

Theo báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 mới công bố của Tổng cục Thống kê, giá cả hàng hoá, dịch vụ sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước, theo sau là TPHCM, Quảng Ninh... . Sức nóng của mặt bằng giá được kích bởi mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với địa phương khác.

Kể từ khi chỉ số SCOLI được công bố, Hà Nội luôn nằm trong nhóm địa phương “đắt đỏ” nhất cả nước. Hà Nội cũng được chọn là gốc để so sánh giá hàng hoá, dịch vụ của 62 địa phương còn lại nên chỉ số SCOLI của thành phố luôn ở mức 100%. Hà Nội cũng luôn nằm trong nhóm địa phương có thu nhập bình quân cao nhất cả nước.

Đến quý III/2023, theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân lao động tại Hà Nội đạt 9,9 triệu đồng, cao hơn TPHCM (9,3 triệu đồng). Trong khi đó, giá sinh hoạt tại TPHCM bằng 98,4% Hà Nội.

Vì sao giá hàng hoá, dịch vụ ở Hà Nội đắt đỏ ? ảnh 1

Giá hàng hoá, dịch vụ sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước. Ảnh: Như Ý

Sống tại Hà Nội, chị Thúy Hà (38 tuổi) cho biết, gia đình 4 thành viên không có tháng nào chi tiêu dưới 25 triệu đồng, dù chỉ thi thoảng ăn ngoài, không mua đồ xa xỉ.

“Nhà cửa may mắn có ông bà hỗ trợ, nên gia đình tôi chi tốn nhất cho tiền ăn, học phí cho con, mua sắm đồ thiết yếu, phí dịch vụ, gửi xe... Học phí tiêu tốn khoản kha khá, do tiền học thêm, học trung tâm tiếng Anh 300.000 - 500.000 đồng/buổi, lên tới khoảng 4 triệu đồng/ tháng/ bé.

Nuôi con ở thành phố lớn tốn kém, tiền khám, mua thuốc khi con đau ốm cũng rất cao, gia đình chưa có khoản tích lũy đáng kể dù thu nhập hai vợ chồng khoảng 40 triệu đồng/tháng”, chị Hà cho biết.

Trong khi đó, với người trẻ, việc chi tiêu tại Hà Nội cũng không mấy dễ thở. Sau 4 năm đi làm, chị Thùy Chi (26 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, cũng chưa có khoản tích lũy nào với mức thu nhập hơn 12 triệu đồng/tháng. Chị Chi làm thêm công việc thiết kế, quản trị mạng xã hội để kiếm thêm 3-4 triệu đồng/tháng nhưng thu nhập không đều.

Chị Chi biết, phần tiêu tốn nhất mỗi tháng là tiền thuê nhà, 5,5 triệu đồng cho một phòng khép kín 30m2 tại quận Cầu Giấy ở cùng em gái. Bạn trẻ 26 tuổi ước mơ sở hữu nhà Hà Nội, để bớt chi phí mỗi tháng, tuy nhiên gia đình chưa có điều kiện hỗ trợ Chi mua nhà.

“Một số bạn học của mình trở về quê sau khi tốt nghiệp, mức lương chưa tới 10 triệu đồng/tháng nhưng cuộc sống rất đủ đầy. Nhiều người đã tự tin lập gia đình, trong khi mình bám trụ lại Hà Nội thì thấy còn nhiều khó khăn”, chị Chi bộc bạch.

“Tại Hà Nội, nhiều bà nội trợ than cầm 500.000 đồng đi chợ mà tiền “tan chảy” nhanh như viên đá. Lương chưa tăng nhưng giá hàng hóa đã rục rịch đi lên. Sắp tới, giá điện tiếp tục tăng. Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) ở 6 tỉnh, thành phố cho thấy, 75% công nhân có mức lương không đủ sống”, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho hay.

Dù kinh tế khó khăn, nhưng thống kê năm 2023 từ nền tảng iPos.vn cho thấy, người Việt có xu hướng ăn ngoài thường xuyên hơn. Đối với tiêu dùng ăn ngoài, mức chi cho tiêu dùng của người Việt gia tăng từ 5-10%. Thậm chí, có tới 14,9% thực khách sẵn sàng chi tiêu bữa tối hằng ngày với mức trên 100.000 đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2022.

Hệ thống phân phối “ăn dày”, giá nhà leo thang

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, chỉ số giá sinh hoạt của Hà Nội cao nhất cả nước có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. (Số liệu thống kê mới đại diện 60% thực tế cuộc sống, khảo sát giá cả ở nước ta rất khó có được số đúng, vì nhiều nơi không thực hiện niêm yết giá - PV).

Về lý do khách quan, ông Phú nhận định, 70% hàng hóa cung cấp cho Hà Nội là từ phía Nam nên phải chịu chi phí vận chuyển. Ngoài ra, Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước, dịch vụ phát triển, cũng kích thích giá cả đắt đỏ hơn.

Phân tích phần chủ quan, ông Phú chỉ ra, giá sinh hoạt tại Hà Nội đắt đỏ cũng có nguyên nhân từ hệ thống phân phối yếu, trung gian “ăn dày” đẩy giá hàng hóa lên cao. “Lợn hơi hiện chỉ khoảng 60.000 đồng/kg, nhưng lợn thành phẩm trong siêu thị vẫn trên 200.000 đồng/kg.

Một kg thịt lợn từ trang trại bán lẻ tăng giá lên tới 70% do các khâu trung gian. Một số siêu thị chiết khấu cao, thậm chí còn cao hơn cả lợi nhuận người sản xuất, tất cả cấu thành nên giá”, ông Phú chỉ ra.

Về phía chợ truyền thống, việc quản lý giá cũng khó triển khai, do hàng hóa không niêm yết giá, mua bán không hóa đơn, khó quản lý. Giá cả luôn trong tình trạng lên nhanh, xuống chậm, đã lên thì rất hiếm khi điều chỉnh.

Để điều tiết giá cả hàng hoá hợp lý, chuyên gia Vũ Vinh Phú, cho rằng trước tiên, đảm bảo cung cầu hàng hoá, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm các khâu trung gian. Đây là “nút thắt” tồn tại quá lâu, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá.

“Cần tính đến việc lập sàn giao dịch hàng hóa ở các chợ đầu mối vùng. Nhiều quốc gia có sàn giao dịch công khai, luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị”, ông Phú cho biết.

Bên cạnh giá cả sinh hoạt, dịch vụ, thì giá nhà tại Thủ đô cũng không ngừng leo thang, Ước mơ “an cư lạc nghiệp” của nhiều người trở nên xa vời hơn. Theo nghiên cứu về thị trường bất động sản của NetCredit - nền tảng thuộc Enova International (công ty công nghệ có giá trị vốn hóa hơn 1,5 tỷ USD tại Mỹ), Hà Nội tiếp tục lọt vào nhóm các thủ đô mà người dân khó mua nhà ở nhất thế giới.

Còn theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội đạt 150 triệu đồng/người. So với năm 2019 thì mức tăng trưởng trung bình thu nhập là 6%/năm.

Trong khi đó, trên thị trường sơ cấp, mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới tại Hà Nội đạt khoảng gần 51 triệu đồng/m2, tăng 14% mỗi năm. Như vậy, việc tăng giá nhà đang cao hơn gấp đôi mức tăng thu nhập trung bình của người dân Thủ đô.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.