Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia sau kỳ họp diễn ra vào ngày 12-1-2024, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) tăng 6% so với mức hiện hành, áp dụng từ ngày 1-7-2024.
Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: vùng I là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng. Mức LTT nêu trên tăng từ 200.000 - 280.000 đồng, cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024; dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.
Công nhân thấp thỏm lo lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng |
Hay tin, chi Trần Thị Hạnh (quê Nam Định), công nhân Công ty CP Sản xuất giày Khải Hoàn (huyện Bình Chánh, TP HCM) vừa phấn khởi cũng không kém phần lo lắng. Điều khiến những lao động như chị lo lắng là cứ mỗi lần tăng lương thì giá cả lại tăng theo, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Vợ chồng chị làm công nhân hơn 10 năm, tổng thu nhập hằng tháng khoảng 12-13 triệu đồng. Bao nhiêu khoản chi tiêu đều trông chờ vào đó. Chị Hạnh cho biết ưu tiên là lo học phí của các con và tiền gửi về quê phụng dưỡng cha mẹ hai bên. Cũng vì thế bữa ăn hằng ngày của gia đình chị vô cùng đạm bạc. Chỉ vào những dịp đặc biệt mới dám tiêu pha rộng rãi.
"Tăng lương để bù trượt giá, đảm bảo mức sống cho người lao động, nhưng khi lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng, nếu nhà nước không có chính sách kiểm soát thì cuộc sống của người lao động vốn khó, lại càng thêm khó" - chị Hạnh bày tỏ
Thu nhập thấp, bữa cơm thường ngày của người lao động vô cùng đạm bạc, chỉ những dịp đặc biệt mới dám tiêu pha rộng rãi |
Tương tự, với đồng lương công nhân, chị Trần Thị Kim Tân (quê Bến Tre), làm việc tại Công ty TNHH Gonze (KCX Tân Thuận) mỗi ngày đều phải căn ke chi tiêu sao cho tiết kiệm nhất để không phải vay mượn. Chị Tân làm công nhân 10 năm cho một doanh nghiệp ở quận 12, thu nhập ở mức 8-9 triệu đồng/tháng, nếu có tăng ca. Tuy nhiên năm 2018, công ty giải thể do khó khăn, mất việc ở tuổi 33, chị phải trầy trật lắm mới xin vào được công ty hiện tại và làm việc tại đây đến nay được 5 năm.
Chồng chị Tân làm nghề tự do, thu nhập chẳng đáng là bao. Vì vậy, nguồn thu chính của gia đình là khoản lương của chị Tân, nhưng 2 năm nay, không được tăng lương trong khi tiền điện, thực phẩm tăng cao so với trước khiến gia đình càng thêm thiếu thốn. Chị cho biết với 6 triệu đồng, mỗi tháng chị phải trả gần 3 triệu tiền nhà, điện, nước. Số còn lại để lo các khoản tiền ăn, tiền xăng, hiếu hỉ đám tiệc...
Thịt lợn, cá biển, khô, trứng... là những món ăn được người lao động ưu tiên lựa chọn vì giá cả phải chăng |
Để tiết kiệm, 2 vợ chồng chị phải nhịn ăn sáng, nhà cửa cũng không sắm sửa gì. Bữa tối chị không dám chi vượt quá 50.000 đồng tiền thức ăn/ngày trừ những hôm nhà hết gạo, đường, mắm, muối... phải mua thêm.
"Một số thứ như cá khô, tôm khô tôi cũng phải nhờ cha mẹ dưới quê gửi lên. Nghe nói tăng lương ai cũng mừng, chỉ hy vọng vật giá đừng leo thang để chúng tôi đỡ khổ" - chị thở dài.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 200.000 đồng - 280.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024 để cải thiện cho người lao động; dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025 (tính trước một phần CPI của năm 2025 vào mức sống tối thiểu để người lao động được hưởng ngay từ giữa năm 2024). Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 100% thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.