Thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A) cho biết, Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng được phê duyệt đầu tư từ năm 2009. UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB); Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ea Kar làm đại diện chủ đầu tư ký hợp đồng với đơn vị tư vấn đo đạc toàn bộ khu vực lòng hồ đến cao trình +500m. Tuy nhiên cuối năm 2018, Bộ NN& PTNT quyết định điều chỉnh cao trình mực nước từ +500m xuống +496,5m. Do đó, khi được UBND tỉnh Đắk Lắk giao nhiệm vụ GPMB, Ban A phối hợp Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh biên tập lại bản đồ địa chính theo quy định.
Ngoài ra, Ban A nhận thấy dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng là dự án lớn nhưng chưa có Khung chính sách phù hợp để hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất. Ban A chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, xã xây dựng Khung chính sách cho dự án và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2019. Ban A và Trung tâm phát triển quỹ đất (PTQĐ) bắt tay tổ chức kiểm đếm đất đai, tài sản của người dân khu vực lòng hồ nhưng gặp vướng mắc, không thể lập phương án do: Khối lượng trích lục cần chỉnh lý nhiều; Cây Dó bầu, cây Keo được trồng rất nhiều tại huyện M’đrắk nhưng lại không có trong bảng đơn giá của UBND tỉnh Đắk Lắk; Nhà gỗ của đồng bào Mông không có kết cấu và đơn giá trong bảng đơn giá tài sản, vật kiến trúc để thực hiện đền bù... nên Ban A phải “gõ cửa” các sở ban ngành liên quan xây dựng đơn giá phù hợp.
Tại các huyện cũng gặp khó do thiếu hụt nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho hay, khối việc công việc rất lớn nhưng nhân lực lại rất mỏng. Ông nêu ví dụ thực tế, chỉ 64 hộ dân nhưng có tới hơn 1.700 thửa đất cần kiểm đếm, bình quân mỗi hộ gần 30 thửa đất. Chưa kể, người dân trồng đủ loại hoa màu, mỗi nơi một thửa nên việc kiểm đếm mất rất nhiều công sức, thời gian. Trong khi đó, cán bộ, nhân viên Trung tâm PTQĐ của huyện có 6 người, dù đã linh động điều chuyển lực lượng hỗ trợ nhưng vẫn không đủ. Còn ông Hòa Quang Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện M’đrắk nêu chất lượng thông tin đất rất thấp (thiếu thông tin chủ đất, địa chỉ cụ thể...) khiến việc kiểm đếm gặp nhiều khó khăn trong khi áp lực tiến độ GPMB rất lớn.
Trước những khó khăn trên, Ban A đã phối hợp các đơn vị liên quan tìm cách tháo gỡ. Từ 24/6/2020 đến nay Ban A và Trung tâm phát triển quỹ đất các huyện đã nỗ lực giải ngân được 176,11tỷ/650 tỷ đồng đạt 27,09% kế hoạch năm 2020. Tính cả vốn 2019 chuyển sang: 176,11 tỷ/861 tỷ đồng, đạt 20,45%. Đại diện Ban A thông tin thêm, việc GPMB rất cần sự chung tay, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị để dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nước tưới cho gần 15.000 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 73.000 người trong vùng dự án; Cắt giảm lũ, phòng chống úng cho hạ du, tạo cảnh quan du lịch, nuôi trồng thủy sản…
Qua chuyến khảo sát thực tế cùng với nhiều cuộc làm việc giữa Đoàn công tác của Cục Quản lý công trình xây dựng, Bộ NN&PTNT vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với các đơn vị liên quan, chính quyền các cấp tại địa phương đoàn kết, khẩn trương khắc phục các tồn tại, quyết tâm thực hiện GPMB đúng tiến độ; Giao Ban A chủ trì cập nhật, tổng hợp báo cáo cụ thể hằng tuần về kết quả thực hiện GPMB, khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để lãnh đạo tỉnh xem xét tháo gỡ kịp thời, đồng thời gửi về Bộ NN&PTNT.
Bộ NN&PTNT tiếp tục cho phép chủ đầu tư, UBND các huyện khẩn trương kiểm đếm trước, thu hồi đất sau, đặc biệt là phạm vi GPMB lòng hồ trước mùa mưa lũ; Có giải pháp cụ thể hỗ trợ tăng cường nhân sự phù hợp với khối lượng công việc GPMB tại các trung tâm phát triển quỹ đất, các huyện M’Đrắk, Krông Bông và Ban A; Thống nhất thực hiện công tác xác nhận nguồn gốc giữa các huyện trong vùng dự án trên cơ sở khung chính sách đã được Thủ tướng phê duyệt...; Chủ động lên phương án phòng chống lụt bão; hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn...