Vì sao đoàn người liều lĩnh dắt xe ngược chiều trước mặt CSGT?

Hàng trăm người dắt xe trên vỉa hè để tránh ách tắc giao thông. Ảnh: M.Đ
Hàng trăm người dắt xe trên vỉa hè để tránh ách tắc giao thông. Ảnh: M.Đ
TPO - Thời gian gần đây, cảnh hàng nghìn người dân phải dắt xe ngược chiều trên vỉa hè để tránh tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến đường Tố Hữu (thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm và Hà Đông, Hà Nội) trở nên rất "quen thuộc".

Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, từ khi đưa tuyến buýt BRT vào khai thác, tuyến đường Tố Hữu và Lê Văn Lương luôn nằm trong tình trạng ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm.

Cụ thể thời gian ách tắc thường diễn ra hàng ngày từ 6h30 đến 8h30 chiều vào trung tâm Hà Nội và từ 16h30 đến 19h đối với chiều từ trung tâm Hà Nội hướng ra ngoại thành trên tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương.

Vì sao đoàn người liều lĩnh dắt xe ngược chiều trước mặt CSGT? ảnh 1 Giao thông trên tuyến đường Tố Hữu luôn trong tình trạng quá tải vào giờ cao điểm. Ảnh: M.Đ

Việc ách tắc giao thông một chiều đã khiến người dân lưu thông hướng vào trung tâm Hà Nội phải dắt xe ngược chiều hàng km trên vỉa hè nhằm tránh áp lực giao thông dưới lòng đường hướng vào trung tâm Hà Nội vào buổi sáng và hướng ngược lại vào buổi chiều tối.

Anh Nguyễn Văn Dương, người dân sinh sống tại khu vực đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông cho biết, cách đây chừng 1 tháng, khi chưa có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên vỉa hè tại tuyến đường này, người dân thường điều khiển xe máy ngược chiều trên vỉa hè. Tuy nhiên khi xuất hiện lực lượng CSGT, người dân quay sang dắt xe trên vỉa hè nhằm tránh bị lực lượng CSGT xử phạt.

Vì sao đoàn người liều lĩnh dắt xe ngược chiều trước mặt CSGT? ảnh 2  Dắt xe ngược chiều hàng km trên vỉa hè để giải quyết áp lực giao thông. Ảnh: M.Đ
Chị Trần Thu Trang, người dân ở Vạn Phúc, Hà Đông chia sẻ, với tình trạng giao thông như hiện nay, dắt xe trên vỉa hè còn nhanh hơn nhiều so với điều khiển xe dưới lòng đường phải nhích từng cm. Có ngày ách tắc kéo dài phải dắt xe tới 2km mới cho xe xuống lòng đường để lưu thông.

Ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, hàng trăm người nườm nượp dắt xe, bên cạnh đó cũng có một số người sốt ruột đã điều khiển xe máy chạy ngược chiều trên vỉa hè trước mặt lực lượng CSGT và bị xử phạt.

Vì sao đoàn người liều lĩnh dắt xe ngược chiều trước mặt CSGT? ảnh 3 Chấp nhận dắt xe trên vỉa hè gồ ghề.

Anh Trần Văn Ước ở Mộ Lao (Hà Đông) cho rằng, áp lực tuyến đường Tố Hữu rất cao, trong khi 50% diện tích mặt đường lại dành riêng cho buýt BRT đã gây áp lực cả cho người dân và lực lượng CSGT. Quan sát thường ngày ta thấy, người dân thì chen chúc nhau, thậm chí phải leo lên cả vỉa hè để lưu thông, trong khi đó phần đường dành cho buýt BRT lại để không. 

Vì sao đoàn người liều lĩnh dắt xe ngược chiều trước mặt CSGT? ảnh 4 Vắng CSGT, người dân lập tức điều khiển xe máy trên vỉa hè. Ảnh: MĐ

Đầu năm 2018, chia sẻ với Tiền Phong, một lãnh đạo Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cũng cho rằng, người dân và lực lượng CSGT đang phải gánh vác áp lực giao thông sinh ra từ tuyến buýt BRT. Theo vị lãnh đạo này, buýt BRT hướng tới phát triển giao thông công cộng ở những nước văn minh chứ không phải giải pháp giải quyết áp lực từ giao thông như ở ta, vị lãnh đạo nói.

Vì sao đoàn người liều lĩnh dắt xe ngược chiều trước mặt CSGT? ảnh 5 Một người dân bị xử phạt khi điều khiển xe trên vỉa hè. Ảnh: M.Đ

Liên quan đến sự việc trên, lãnh đạo Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT) cho biết, do đoạn đường Tố Hữu (qua địa bàn 2 quận Nam Từ Liêm và quận Hà Đông, TP Hà Nội) hay xảy ra tắc đường nên nhiều người thường xuyên đi ngược chiều để qua đoạn đường này.

Vị lãnh đạo Đội CSGT số 7 cho biết thêm, đơn vị này đã nắm được thông tin người dân thường xuyên đi ngược chiều qua đoạn đường khoảng 200m nên bố trí cán bộ để xử lý.

Vì sao đoàn người liều lĩnh dắt xe ngược chiều trước mặt CSGT? ảnh 6 Người dân nườm nượp dắt xe trên vỉa hè. Ảnh: M.Đ

Theo khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.