Góp ý cho Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, một số đại biểu Quốc hội đề nghị đề nghị bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành chi cho BHXH Việt Nam; bổ sung thêm quy định về nguồn do ngân sách nhà nước đóng để phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH.
Chưa thêm chức năng thanh tra chi cho cơ quan BHXH. |
Giải trình các đề xuất trên, Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan soạn thảo dự luật) dẫn Nghị quyết 28-NQ/TW nêu rõ, chủ trương phân định rõ quản lý nhà nước với quản trị bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH.
Cơ quan BHXH có vị trí tổ chức thực hiện chính sách, không phải cơ quan quản lý nhà nước, nên không có chức năng thanh tra. Luật BHXH năm 2014 chỉ giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT, trong bối cảnh đặc biệt, rất cấp bách. Đây là giải pháp có tính chất tình thế, nhằm hỗ trợ công tác thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước (với nhân lực hạn chế), nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Cơ quan BHXH có chức năng giải quyết, chi trả các chế độ BHXH cho người lao động, nhận, thẩm tra, xét duyệt hồ sơ và ban hành quyết định hưởng các chế độ. Do vậy, nếu thêm chức năng thanh tra chi BHXH sẽ dẫn đến việc cơ quan BHXH vừa thực hiện chi trả vừa thực hiện thanh tra chính các nội dung do mình xét duyệt và giải quyết. Để hiệu quả hơn, cơ quan BHXH cần tập trung triển khai tốt hơn chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH đang được giao.
Về đề nghị bổ sung quy định nguồn do ngân sách nhà nước đóng, để phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, tại dự luật đã quy định trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Tuy nhiên, để thể hiện rõ hơn về nguồn chi trả với trợ cấp hưu trí xã hội, cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện nội dung này tại phần quy định về trợ cấp hưu trí xã hội.