Mua vắc xin phải đặt cọc, rủi ro rất cao
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu câu hỏi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tiến độ nghiên cứu vắc xin phòng ngừa dịch COVID-19 và biện pháp căn cơ thời gian tới để hạn chế lây lan dịch bệnh? Khẳng định tinh thần “bên ngoài đang sóng to gió lớn, bên trong phải bao chặt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh với 200.000 người. Tất cả các cơ sở y tế gồm bệnh viện, phòng khám tư nhân, nhà dưỡng lão, trường học, cơ sở giáo dục; cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng…phải đảm bảo an toàn dịch.
Theo Phó Thủ tướng, dịch có thể kéo dài ít nhất đến cuối năm 2021. Trong khi đó, một vắc xin bình thường cần thời gian 5- 10 năm mới có. Hiện thế giới đang cấp tập nghiên cứu sản xuất vắc xin. Hiện có trên 150 ứng viên vắc xin, trong đó chia ra tiền lâm sàng và lâm sàng. “Tức là đầu tiên dùng trong phòng thí nghiệm, thử chuột bạch, linh dương, khỉ, rồi thử trên người. Vòng 1 thử nghiệm số ít, vòng 2 vài trăm người, vòng 3 vài nghìn người”, ông Đam lý giải.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có 4 cơ sở và hiện có 2 đơn vị đi trước, dự kiến cuối năm thử nghiệm vòng 1 trên người. Ông Đam cho rằng, vắc xin trong nước nhanh nhất cuối 2021 đầu 2022 mới sản xuất được. Ngoài ra, mua vắc xin trên thế giới cũng tương đối khó khăn. Đây là vấn đề nóng toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới và liên minh vắc xin toàn cầu đã thành lập chương trình gồm 92 nước và vùng lãnh thổ tham gia, với tham vọng cung cấp vắc xin giá rẻ, khoảng 2 USD một người, hi vọng cung cấp cho 20% số người trên thế giới. Tuy nhiên, chưa công ty nào cam kết bán vắc xin cho liên minh, trong đó có Việt Nam.
“Việt Nam cũng đang làm việc với các đối tác, kể cả Trung Quốc và Nga. Bộ Y tế đã tiếp xúc, làm việc, có những bàn bạc cụ thể, nhưng việc mua vắc xin sớm không hề dễ, vì nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn. Chính phủ muốn mua phải đặt cọc trước và rủi ro rất cao”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh, giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục phòng dịch và chung sống an toàn với dịch. Phó Thủ tướng “tha thiết đề nghị” các bí thư tỉnh ủy, các bộ, ngành không chủ quan, vì ngày hôm nay có nửa triệu ca nhiễm mới.
Trả lại 16,5 triệu USD xây dựng bộ SGK
Chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu: Trước đây, Bộ tham mưu Chính phủ khái toán kinh phí cho chương trình đổi mới giáo dục là 462 tỷ đồng. Vậy hiện nay chúng ta đã chi bao nhiêu tiền từ ngân sách quốc gia được vay từ World Bank để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn một cuốn sách giáo khoa, tài liệu và tổ chức tập huấn?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ phê duyệt dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa tổng thể 80 triệu USD, trong đó 77 triệu USD vay ODA, còn 3 triệu USD đối ứng. Trong cấu phần dành cho biên soạn một bộ sách giáo khoa như thiết kế ban đầu, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội không sử dụng khoản tiền này nữa. Do vậy, Bộ GD&ĐT trả lại 16,5 triệu USD xây dựng bộ sách giáo khoa và để trong tài khoản của World Bank. Bộ GD&ĐT chưa sử dụng số tiền này.
“Tư lệnh ngành” Giáo dục cũng cho biết, đã triển khai xây dựng chương trình và các hoạt động phát triển chương trình tổng thể. Cho đến tháng 12 năm nay cố gắng phấn đấu tiêu được 12 triệu USD, tương đương hơn 240 tỷ đồng. “Chúng tôi rà soát tất cả những chi phí không thiết thực liên quan đến tập huấn, tăng cường không hiệu quả, đặc biệt mùa COVID vừa rồi, chúng tôi xin trả lại Chính phủ. Tổng số tiền chúng tôi trả lại 29,7 triệu USD”, ông Nhạ cho hay. Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định, sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng sách giáo khoa.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc giảm tải cho giáo viên, cho người học ra sao? Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đây là điều được ngành giáo dục quan tâm, giảm tải bằng những quy định và những chỉ đạo rất thiết thực. Ngành giáo dục đã hướng dẫn áp dụng công nghệ thông tin trong hồ sơ sổ sách và trong xây dựng các bài giảng điện tử; tập huấn trực tuyến để giảm thời gian cho thầy, cô.
Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh khi chưa có Hội đồng trường, trở thành nội dung chất vấn, tái chất vấn “nóng” tại nghị trường. Trong khi ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP. HCM) khẳng định việc cách chức này là đúng và có ý kiến của Bộ Nội vụ thì ĐB Lê Thanh Vân bảo lưu quan điểm “việc cách chức trên là trái Luật Giáo dục Đại học” theo quy định tại khoản 1, điều 20 của luật này.
PV