Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói gì về trường hợp ĐH Tôn Đức Thắng?

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói gì về trường hợp ĐH Tôn Đức Thắng?
TPO - Cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của nhà trường vì tự chủ về mặt chuyên môn, học thuật là hồn cốt của giáo dục đại học.

Tại Hội nghị giáo dục trực tuyến toàn quốc tổ chức sáng ngày 31/10, một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến trong bài phát biểu của mình đó là vấn đề tự chủ đại học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, một trong những kết quả rất nổi bật của đổi mới vừa qua, cả thế giới và nhân dân đều đánh giá, chúng ta đã thực hiện tự chủ giáo dục đại học, dù rằng con đường này còn tiếp tục nhưng bước đầu đã rất tốt, đã chứng minh tính đúng đắn và đã được luật hoá trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Theo Phó Thủ tướng, gần nhất có câu chuyện trường ĐH Tôn Đức Thắng, cần phải rất bình tĩnh để nhìn nhận. Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT lập một đoàn công tác do một Thứ trưởng trực tiếp vào làm việc để làm rõ sự tình. Nhưng xu thế chung là chúng ta phải ủng hộ tự chủ theo đúng quy định của pháp luật, theo luật.

Ông Đam khẳng định, tự chủ về mặt chuyên môn, về học thuật là hồn cốt của giáo dục đại học. Đại học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn phải là nơi tạo ra kiến thức, muốn thế thì phải được tự chủ về nhân lực, về bộ máy, về tài chính để phục vụ cho tự chủ về chuyên môn. Còn thế nào là đúng, là sai, thì chiếu theo các quy định của pháp luật. Ngoài luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học còn có nhiều luật khác chi phối, như luật Công chức viên chức, hoặc đảng viên thì được chi phối bởi điều lệ của Đảng. Cho nên để giải quyết câu chuyện liên quan tới trường đại học Tôn Đức Thắng thì phải bình tĩnh nhìn nhận.

Bình tĩnh nhìn nhận bất cập, hạn chế

Cũng theo Phó Thủ tướng, giáo dục luôn luôn có bất cập, phải nhìn nhận rất bình tĩnh và biện chứng đối với những vấn đề như trường lớp, biên chế, chế độ lương cho giáo viên, một số vụ việc tiêu cực, sự cố thi cử… gắn với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói gì về trường hợp ĐH Tôn Đức Thắng? ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 
Phó Thủ tướng nêu 2 ví dụ cho thấy đổi mới giáo dục là một quá trình không thể đổi mới ngay trong 1 năm được. Như lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng kéo dài 6 năm và trong khi thực hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm đòi bỏ kỳ thi này. Đổi mới sách giáo khoa (SGK) cũng phải thực hiện “cuốn chiếu” 5 năm mới xong và lúc chưa hoàn thành, giống như đổi mới thi, bao giờ cũng có điểm này, điểm khác. Năm nay, SGK lớp 1 có những trục trặc nhưng cần bình tĩnh vì 2 điểm quan trọng nhất của đổi mới chương trình, SGK gồm: Chương trình là pháp lệnh còn SGK chỉ là tham khảo; quy tụ nhiều người biên soạn SGK hơn để có SGK tốt hơn. “Bộ GD&ĐT phải nghiêm khắc nhìn vào những điểm chưa tốt về SGK lớp 1 để chấn chỉnh nhưng chủ trương đúng thì phải tiếp tục ủng hộ, cổ vũ”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng nhắc nhở, không để ngành giáo dục rơi vào các thái cực trong nhìn nhận, đánh giá. Trong giáo dục có nhiều thành tựu, chẳng hạn đánh giá theo Pisa, đánh giá theo chỉ số nguồn nhân lực của Ngân hàng thế giới (tức là những đánh giá số đông với giáo dục phổ thông), Việt Nam đã có những bước tiến rất tốt. Với đại học, 5 năm trước trước đây, từ chỗ ngoài 100 nước (nghĩa là không được xếp hạng), chúng ta tiến bộ dần, bây giờ đứng thứ 70. Điều đó cho thấy Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã đi đúng hướng. Nhưng mặt khác, giáo dục năm nào cũng có chuyện nọ chuyện kia, nếu không thận trọng thì chỉ nhìn vào từng vụ việc cụ thể, cái trục trặc sẽ làm mất lòng tin, xóa bỏ đi hết các kết quả khác. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng cũng cần tránh tư duy lạc quan tếu. Ví dụ đánh giá Pisa, có một số chỉ số mới chỉ đứng thứ mười mấy thôi, đã tưởng nhất thế giới. Cho nên cần bình tĩnh lại để có lòng tin phấn đấu. “Tôi nói thế để cho thấy chúng ta đã vượt lên được khó khăn để đạt được sự tiến bộ toàn diện ở nhiều mặt. Những điều đó, không vì một số điểm chúng ta chưa hài lòng, một số khiếm khuyết gần như là đương nhiên trong quá trình đổi mới, mà chúng ta làm mất đi lòng tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục. Xã hội kỳ vọng vào giáo dục rất cao, chúng ta phải luôn nỗ lực”, ông Đam nói.
MỚI - NÓNG
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
TPO - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay có thể đạt mức tăng 7% như mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý một số rủi ro trong quý IV về cơ cấu tăng trưởng, nhu cầu thị trường thấp...