2,5 tỷ đồng/mét đường
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, hiện các dự án trọng điểm về giao thông của Hà Nội như dự án đường vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái), vành đai 2 (Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), nút giao Bắc Thăng Long - Vân Trì... được yêu cầu hoàn thành trong năm 2015 nhưng rất khó đạt tiến độ đề ra. Cụ thể, dự án đường vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) với số vốn gần 1.140 tỷ đồng hiện chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang bị vướng; dự án đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) với tổng số vốn 2.560 tỷ đang gặp khó khăn về nhà tái định cư và GPMB.
Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, trong tháng 6/2015, chủ đầu tư sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự án đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ). Đoạn đường này với chiều dài 697m, rộng 50m, dự kiến xây dựng trong 3 năm từ 2015 đến 2018. Tổng mức đầu tư, theo một lãnh đạo Ban, khoảng 1.767 tỷ đồng. Như vậy, mỗi mét dài tuyến đường có mức đầu tư 2,5 tỷ đồng, xác lập một kỷ lục mới về số khủng (hơn khoảng 1 tỷ đồng so với đoạn từ Kim Liên - Hoàng Cầu đã thông xe trước đó - PV).
Dự án vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) với 2.560 tỷ đồng nhưng chưa biết bao giờ xong. Ảnh: Như Ý.
Vốn khủng là do quản lý?
Lý giải về các dự án trọng điểm về giao thông của Hà Nội thường lập kỷ lục về số vốn khủng, lãnh đạo Ban Quản lý dự án trọng điểm cho rằng, việc triển khai thực hiện các dự án này rất khó khăn. Đơn cử để triển khai tuyến đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ) sẽ phải thu hồi đất của 461 chủ sử dụng, tái định cư 504 căn hộ. Trong tổng mức đầu tư 1.767 tỷ đồng, riêng chi phí GPMB hết 1.587 tỷ đồng, còn chi phí xây lắp là 170 tỷ đồng.
“Nguyên nhân khiến các tuyến đường ở Hà Nội đắt đỏ là tiền GPMB cao, có dự án chiếm tới 80% đến 90% tổng chi phí. Cùng giá xây dựng như nhau nhưng khi đi qua khu dân cư đông đúc trong nội đô nên chi phí GPMB bằng rất lớn”, một vị cán bộ cho biết.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, chi phí phục vụ công tác GPMB thực chất là thanh toán tiền đền bù đất cho người dân, còn số tiền thực hiện thi công có tỷ lệ không lớn. Ngoài ra, để đảm bảo đủ vốn thực hiện dự án, trượt giá cũng là một khả năng được tính đến nhưng nếu tính toán kỹ, nhiều dự án không những không đội vốn mà còn tiết kiệm được nhiều chi phí.
“Các dự án giao thông khi thực hiện vướng nhất là công tác GPMB. Chẳng hạn, đường vành đai 1 liên quan đến hàng trăm hộ dân nhưng mỗi hộ dân đều có phương án đền bù khác nhau. Với kinh nghiệm thực hiện các dự án trước đó, chúng tôi có thể khẳng định dự án đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ-Giảng Võ chắc chắn sẽ không đội vốn”, một lãnh đạo Ban cho biết.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc các dự án giao thông của Hà Nội có số vốn khủng là do công tác quản lý. “Tôi thấy công tác quản lý thiếu chặt chẽ, đơn cử như khâu quản lý xây dựng hai bên đường. Quy định khu vực trong phạm vi dự án người dân chỉ được xây dựng nhà tạm, thế nhưng thực tế vẫn để có rất nhiều trường hợp xây dựng nhà kiên cố 3 đến 4 tầng nên khi đền bù rất phức tạp kéo dài và chi phí sẽ rất cao”, Ông Nghiêm nói.
Những kỷ lục các tuyến đường đắt nhất ở Hà Nội
Tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa) có chiều dài 550 m với tổng mức đầu tư 642 tỉ đồng, được coi là “con đường đắt nhất hành tinh”. Đầu năm 2014, Hà Nội thông xe đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (thuộc tuyến đường Vành đai 1) dài 500m sau 5 năm khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Trung bình mỗi mét chiều dài tuyến đường tốn hơn 1 tỷ đồng. Tháng 2/2015, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Cầu Giấy) với tổng mức đầu tư 696 tỷ đồng hoàn thành. Tuyến đường dài 565 m có chi phí 1,2 tỷ đồng/m. Tuyến đường Trần Phú kéo dài dài 450 m khánh thành tháng 2/2015, với tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng có chi phí trung bình 0,5 tỷ đồng/m.