Vì sao BOT Pháp Vân - Ninh Bình chây ì phí không dừng

 Đã quá hạn 1 năm với 3 lần “chống lệnh” nhưng BOT Pháp Vân-Ninh Bình vẫn mịt mù ngày thu phí ETC Ảnh: A.Trọng
Đã quá hạn 1 năm với 3 lần “chống lệnh” nhưng BOT Pháp Vân-Ninh Bình vẫn mịt mù ngày thu phí ETC Ảnh: A.Trọng
TP - Đã 3 lần chây ì thu phí không dừng (ETC) và quá thời gian theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình vẫn mịt mù ngày thu phí ETC. Cơ quan chủ quản được giao quản lý lĩnh vực này “than khó”. 

Sau lần lỡ hẹn thu phí ETC dịp Tết Dương lịch 2020, ngày 9/1, cả Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và Bộ GTVT (cơ quan được giao quản lý về mặt nhà nước thu phí ETC) cho biết, đang tiếp tục chỉ đạo và ra các văn bản yêu cầu đối với các đơn vị liên quan...

Cụ thể, với nhà đầu tư các trạm thu phí tuyến Pháp Vân - Ninh Bình là Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn 30 km Pháp Vân - Cầu Giẽ), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC (đoạn 50 km Cầu Giẽ - Ninh Bình) và đơn vị triển khai dịch vụ thu phí ETC là Công ty TNHH thu phí tự động VETC (Cty VETC), Tổng cục ĐBVN cho hay, đang yêu cầu các đơn vị này làm việc, đàm phán để đi đến thống nhất triển ETC một cách sớm nhất.

PV Tiền Phong đặt câu hỏi về thời gian “sớm nhất” ở đây là bao giờ thì lãnh đạo Tổng cục ĐBVN không khẳng định. Trong khi đó, tuyến QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (cao tốc BOT) và 38 dự án BOT khác trên cả nước đã triển khai thu phí ETC thời gian qua. Việc cao tốc BOT Pháp Vân - Ninh Bình chậm thu phí không dừng đang khiến cho ùn tắc giao thông kéo dài tại các trạm thu phí thường xuyên diễn ra, nhất là vào các dịp lễ Tết. Cục CSGT, Bộ Công an, cho biết, có năm ùn tắc tại đoạn qua trạm thu phí này lên đến hơn 10 km.

Lý giải cho việc chậm trễ thu phí ETC tại tuyến Pháp Vân - Ninh Bình, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN cho rằng, là do phía Tổng công ty VEC chưa thống nhất khoảng chi phí 2,7% mà nhà đầu tư phải trích cho nhà cung cấp dịch vụ TEC.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong về sự việc trên, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Chủ tịch HĐTV Cty VETC lại nói rằng: Tính đến ngày 8/1/2020, đơn vị đã thống nhất với Tổng Cty VEC về khoản trích chi phí. Theo đó, hai bên đã tìm được tiếng nói chung để triển khai dịch vụ ETC trên tuyến với tỷ lệ trích 2,7%.

Cùng với đó, việc triển khai thu phí ETC có thể tiến hành bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, ông Dưỡng cũng nêu khó khăn là hiện phía VEC yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cần có các thủ tục “dạng quyết định” để đảm bảo việc thực hiện trên.

Cho ý kiến về yêu cầu của VEC, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN cho hay việc ra quyết định với nội dung trên để triển khai dịch vụ ETC đang gặp khó khăn về cơ quan chủ quản do VEC vừa được chuyển từ Bộ GTVT về Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Điều này dẫn đến việc phân cấp ủy quyền giữa Bộ GTVT và Ủy ban quản lý vốn nhà nước chưa rõ ràng.

Như vậy, việc chậm thu phí không dừng trên tuyến cao tốc này do nhà đầu tư hay quản lý nhà nước còn thiếu quyết liệt?

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.