Năm nay, Bộ NN&PTNT được giao 9.852 tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9, giải ngân vốn đầu tư công các dự án của ngành nông nghiệp đạt 4.953 tỷ đồng, đạt 50,3% kế hoạch. Tổng cộng toàn ngành có 285 dự án, dự án thành phần, trong đó có 75 dự án đang thi công; 155 dự án đã phê duyệt và 41 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục có liên quan để xem xét phê duyệt.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng công trình cho biết, để đảm bảo tiến độ giải ngân, từ đầu năm đến nay, bộ đã đưa ra nhiều giải pháp để đốc thúc việc triển khai. Trong đó, ngành nông nghiệp phân nhóm vấn đề đối với các dự án để tháo gỡ, như nhóm dự án vướng mắc về chính sách, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hay vướng mắc về các thủ tục đầu tư…
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng công trình, tín hiệu tích cực đối với đầu tư công của ngành là các dự án nhóm A chậm tiến độ từ giai đoạn trước, đến thời điểm này cơ bản đã được tháo gỡ.
Dự án Bản Mồng (Nghệ An) chậm tiến độ, kéo dài vừa được Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. |
Theo đó, dự án Cánh Tạng (Hòa Bình) đã giải quyết xong phần thủ tục và triển khai bước tiếp theo để dự kiến hoàn thành năm 2026. Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng (Đắk Lắk) kéo dài hơn chục năm do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng đến nay được giải quyết cơ bản, dự án cuối năm nay hoàn thành. Dự án Bản Mồng (Nghệ An) sau khoảng 2 năm loay hoay xác định thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ NN&PTNT vừa trình Thủ tướng phê duyệt, hi vọng tháng 10 sẽ thông dự án này. Nếu được phê duyệt dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2025 sau gần 15 năm thực hiện.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Bộ NN&PTNT liên tục thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch vốn. Trong đó, Bộ này đã 9 lần tăng hoặc giảm vốn kế hoạch cho các dự án đầu tư của ngành.
Nói về việc này, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng công trình cho hay, đối với kế hoạch vốn năm 2023, Bộ yêu cầu các chủ đầu tư đã phải lập kế hoạch vốn trong năm theo từng tháng nào, từng quý từ cuối năm ngoái để trình Thủ tướng phê duyệt.
Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng Sông Hồng cũng được điều chỉnh tăng vốn kế hoạch. Ảnh: TTXVN. |
Trong quá trình thực hiện, có những dự án thực hiện tốt, đẩy nhanh tiến độ hơn dự kiến, nhưng có những dự án phát sinh vướng mắc triển khai chậm.
“Việc điều chỉnh vốn linh hoạt để tạo điều kiện cho các dự án có tiến độ tốt thực hiện. Đây là giải pháp bám sát tình hình triển khai thực tế giúp Bộ NN&PTNT đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua”, lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng công trình chia sẻ.
Chẳng hạn, dự án Kè chống sạt lở sông Cổ Chiến (Trà Vinh) ban đầu bố trí 80 tỷ đồng, nhưng sau đó phải điều chỉnh đã giải ngân gần 150 tỷ. Dự án công trình kiểm soát nguồn nước Nam Sông Hậu (Sóc Trăng) được tăng vốn kế hoạch sớm để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, đối với dự án đã phê duyệt, Cục tập trung tối đa đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, sớm tổ chức đấu thầu, khởi công dự án trong năm nay.
Đặc biệt, hiện Bộ NN&PTNT đề nghị các chủ đầu tư “mạnh tay” chấn chỉnh các nhà thầu không đủ năng lực, có các biện pháp xử lý đối với nhà thầu vi phạm chất lượng, tiến độ.