Thanh niên 19 tuổi, không bị tiết lộ danh tính vì chưa đủ tuổi theo quy định của luật pháp Nhật Bản, bị buộc tội vì giấu một chai bia Taedonggang trong hành lý trên chuyến bay từ Thượng Hải đến sân bay Saga của Nhật Bản vào tháng 10 năm ngoái.
Theo tài liệu vừa được trình lên văn phòng công tố Fukuoka, thanh niên này không khai báo chai bia khi làm thủ tục bay và cũng không được Bộ Thương mại Nhật Bản cấp phép để đưa chai bia này vào Nhật, báo Yomiuri cho biết.
Người thanh niên thất nghiệp sống ở Fukuoka nói với cảnh sát rằng anh ta nghĩ có thể bán chai bia Triều Tiên với giá cao.
Nhật Bản cấm nhập khẩu tất cả các mặt hàng Triều Tiên từ năm 2009 như một phần của nỗ lực trừng phạt Bình Nhưỡng vì đã bắt cóc một số công dân Nhật Bản. Những biện pháp đó được thắt chặt hơn sau các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên.
Người thanh niên nói trên khai rằng anh ta thường xuyên bay qua lại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, mua các loại hàng hóa ở Trung Quốc thường khó tìm hoặc có giá quá đắt đỏ ở Nhật Bản. Sau đó, anh ta bán chúng trên mạng với giá cao gấp nhiều lần.
Những hoạt động này bị đơn vị giám sát hoạt động mạng của cảnh sát tỉnh Fukuoka phát hiện. Cảnh sát cho biết anh ta mua chai bia Triều Tiên với giá 200 yen (khoảng 40 nghìn đồng) ở Trung Quốc, nhưng bán nó với giá 16.000 yen (gần 3,5 triệu đồng) thông qua một trang đấu giá trực tuyến.
Nhưng đó chưa phải giá cao nhất cho mặt hàng này. Được gọi với những từ rất kêu như “đặc sản” hay “bia ma”, bia Taedonggang của Triều Tiên được săn đón nhiều trên các trang đấu giá trực tuyến, và có thể bán với giá 25.000 yen/chai.
Từng là một nguồn thu quan trọng của Triều Tiên, bia Taedonggang một thời được phân phối chính thức ra nước ngoài, chủ yếu ở Trung Quốc và Hàn Quốc, trước khi bị các biện pháp trừng phạt quốc tế chặn tất cả hoạt động vận chuyển. Dẫu vậy, loại bia này vẫn được bán nhiều ở Trung Quốc.
Dù bia Taedonggang rất được người Triều Tiên yêu thích, nhưng nguồn gốc của nó lại xuất phát hoàn toàn từ Anh.
Theo Yasushi Hatta, một cây viết Hàn Quốc chuyên về thực phẩm Triều Tiên, bia Taedonggang ra đời từ năm 2000, khi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il chỉ đạo phải sản xuất được một loại bia có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Nhưng Triều Tiên không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Giải pháp được lựa chọn là: mua lại hoàn toàn một dây chuyền sản xuất bia của nước ngoài.
Sau khi giải tỏa các mối quan ngại quốc tế rằng nhà máy bia này sẽ không bị sử dụng để sản xuất hóa chất phục vụ chế tạo vũ khí, Bình Nhưỡng mua cả dây chuyền làm bia của hãng Ushers of Trowbridge ở Wiltshire, Anh, với giá 1,8 triệu USD.
Dây chuyền bia của Anh được vận chuyển tới lắp đặt ở Bình Nhưỡng, rồi được bổ sung bằng công nghệ kiểm soát lên men tự động hóa của Đức.
Nhà máy này sản xuất 4 loại bia, bao gồm dòng bia nâu và bia lager. Tên bia này được đặt theo tên dòng sông ở vùng tây bắc của bán đảo Triều Tiên.
Các mặt hàng Triều Tiên bị cấm nhập vào Nhật Bản nhưng rất sẵn có ở Trung Quốc nhờ quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Rất nhiều mặt hàng từ Triều Tiên được tìm thấy trên trang đấu giá mà thanh niên 19 tuổi nói trên sử dụng, trong đó có đồng xu vàng 500 won được đúc để kỷ niệm 40 năm độc lập Triều Tiên, được bán với giá 174.000 yen; một huy hiệu hình lá cờ Triều Tiên có chân dung nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành được bán với giá 30.000 yen.
Theo ông Toshio Miyatsuka, giáo sư từng công tác tại ĐH Yamanashi và là người chuyên nghiên cứu về lịch sử kinh tế Triều Tiên hiện đại, du khách từ Nhật Bản sang Triều Tiên tăng mạnh trong 10 năm qua, khi Bình Nhưỡng thúc đẩy các sáng kiến du lịch. Người Nhật sang Triều Tiên thường tìm mua những mặt hàng như trên vì hiếu kỳ, ông Miyatsuka cho biết.