Công trình thuộc dãy LK37 được mở rộng quy mô xây dựng mà cơ quan chức năng không nắm được |
Chưa cưỡng chế được công trình nào!
Điều này có nguyên nhân từ cách quản lý của các cơ quan chức năng. Trong suốt quá trình làm việc với UBND xã Vân Canh và Đội quản lý trật tự xây dựng huyện Hoài Đức và cán bộ có trách nhiệm tại đây, PV Tiền Phong nhiều lần “đề nghị cho biết cơ quan chức năng đã xử lý, lập biên bản, cưỡng chế được bao nhiêu trường hợp”. Câu trả lời chúng tôi nhận được là: Chưa có thống kê, chủ đầu tư không hợp tác, vi phạm kéo dài nhiều năm và không đưa ra được bất cứ hồ sơ xử lý, cưỡng chế vi phạm nào.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức giải thích, khu đô thị Vân Canh đang chờ điều chỉnh quy hoạch. Huyện đã yêu cầu Tổng Cty HUD cung cấp bản vẽ quy hoạch 1/500 để quản lý. Các trường hợp vi phạm xây dựng trước đây, huyện đang yêu cầu Tổng Cty HUD phải tự xử lý.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, hành lang pháp lý về quản lý trật tự xây dựng đã khá rõ ràng, không thể đùn đẩy lẫn nhau. Theo Quyết định 04, thành phố giao UBND quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý toàn diện. Khi vi phạm trật tự xây dựng xảy ra, với các khu đô thị chưa bàn giao cho chính quyền quản lý thì chủ đầu tư là đơn vị phải quản lý việc cải tạo xây dựng của người dân theo quy hoạch được duyệt. Trường hợp phát hiện vi phạm thì phải báo cho chính quyền để xử lý.
“Nếu xảy ra vi phạm, trách nhiệm cao nhất về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện. Chủ tịch quận, huyện có thẩm quyền ra quyết định xử lý cả chủ đầu tư và người dân nếu xảy ra vi phạm. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo lên cơ quan cấp trên”, ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định.
HĐND Hà Nội sẽ giám sát vi phạm xây dựng tại Vân Canh
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội khẳng định, hành lang pháp lý trong quản lý trật tự xây dựng đô thị đã khá đầy đủ. Về mô hình thanh tra xây dựng, thành phố đề xuất Chính phủ có quyết định chính thức để hoạt động hiệu quả hơn. Thành ủy đã có Chỉ thị 13, 14 về quản lý đất đai và trật tự xây dựng, trong đó quy định về xử lý trách nhiệm cán bộ rất nghiêm.
Về trật tự xây dựng, trong các khu đô thị chưa bàn giao, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đến từng căn nhà, phải xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Trách nhiệm của chính quyền là phải giám sát chặt chẽ cả chủ đầu tư và hộ dân. Chỉ thị 14 của Thành ủy đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu.
Chính quyền cơ sở không thể nói là không biết vi phạm, chức năng và quyền hạn đã được quy định rất rõ. “Để xảy ra các hiện tượng như tại khu đô thị Vân Canh, HĐND thành phố sẽ kiểm tra nắm bắt tình hình vi phạm tại đây theo phản ánh của báo Tiền Phong. Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2023, HĐND thành phố sẽ khảo sát về nội dung này và trong năm 2024 sẽ giám sát về quản lý trật tự xây dựng.
Theo ông Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội, về hạ tầng, tiêu thoát nước, giao thông, lấn chiếm lòng đường vỉa hè, đang có những khoảng trống quản lý như thực trạng tại đô thị Vân Canh. Với các khu đô thị chưa bàn giao thì trách nhiệm thuộc chủ đầu tư. Đây là vấn đề cần quy định chặt chẽ hơn theo hướng phải bàn giao từng phần để chính quyền quản lý.