Vi phạm đất công, 'trảm' ngay chủ tịch phường, xã

Hàng loạt biệt thự xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Minh Tuấn
Hàng loạt biệt thự xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Minh Tuấn
TP - Sáng qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công. Theo đó, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã được ra quyết định tạm dừng công tác điều hành của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành Tài nguyên môi trường (TNMT) Hà Nội vào sáng qua, Phó giám đốc Sở TNMT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, Chỉ thị 04 của Chủ tịch UBND thành phố ban hành ngày 14/1 về quản lý đất nông nghiệp và đất công đã thể hiện quyết tâm cao của thành phố trong xử lý những vi phạm trong quản lý và sử dụng đất.

Địa phương nào để xảy ra vi phạm không xử lý, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thậm chí, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Một trong những hạn chế lớn của Hà Nội năm 2013 đó là tiến độ giao đất dịch vụ quá chậm và chỉ đạt 20% kế hoạch.

Theo Sở TNMT, tổng nhu cầu đất dịch vụ phải giao là 831, 67 ha (bao gồm cả đất xây dựng hạ tầng) với tổng số hộ có nhu cầu đất dịch vụ lên tới 78.500 hộ. Trong khi đó, tổng diện tích đất dịch vụ đã có quyết định thu hồi là 508,11 ha, đạt khoảng 60% và đến nay số hộ được giao đất dịch vụ mới chỉ vỏn vẹn là 15.545 hộ (67,72 ha), đạt khoảng 20% so với yêu cầu.

Bên cạnh đó, tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng mới đạt 95% kế hoạch giao năm 2013. Một số lĩnh vực quản lý ngành phân cấp cho quận, huyện thực hiện nhưng việc kiểm tra thiếu quyết liệt, kết quả thấp...

Khu nhà xã hội phải có trường học

Ngày 14/1, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đến thăm nhà xã hội khu Đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng GĐ Tổng Cty Viglacera cho biết, Đô thị (KĐT) Đặng Xá chia làm 2 khu: Đặng Xá I đã đưa vào sử dụng 946 căn hộ nhà xã hội; Đặng Xá II đang bàn giao 1.100 nhà xã hội. Tuy nhiên, hiện nay toàn KĐT chỉ có một trường mầm non do chủ đầu tư xây dựng và vận hành. “Xin thành phố cho lập trường công tại KĐT để con em cư dân học tập và sinh hoạt, không phải đi xa”, ông Tuấn nói.

Trước kiến nghị của chủ đầu tư, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thành phố nên giao cho chủ đầu tư hoàn thành bàn giao cho huyện để bố trí giáo viên, kinh phí vận hành trường.

Sau khi nghe Bộ Xây dựng và chủ đầu tư đề xuất, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, chủ đầu tư nên xem xét giá xây dựng trường học tại KĐT là bao nhiêu. “Nếu xây trường học, chủ đầu tư được phép tính vào giá bán mỗi mét vuông căn hộ. Tuy nhiên, giá xây dựng bị đội lên không quá 100.000 - 200.000 đồng/m2”, ông Nghị cho biết.

Theo báo cáo của Tổng Cty Viglacera, 1.100 căn Đặng Xá II đang bàn giao với nhóm đối tượng gồm: 25% công an, bộ đội; 30% công chức, viên chức; 45% người thu nhập thấp và lao động tự do.

Ngọc Mai

MỚI - NÓNG