Công an vẫn đang điều tra làm rõ vụ việc. Cùng thời điểm tại Bradfold- Anh, việc đau lòng tương tự xảy ra. Asad Khan, 11 tuổi bị các học sinh lớn bắt nạt. Bày tỏ ý muốn chuyển trường với mẹ xong, Asad cũng tự giải quyết bằng cách treo cổ.
Cái chết của Asad khiến cả cộng đồng vào cuộc. Công an lập một hòm email để những người thân quen của cậu bé cung cấp thêm thông tin phục vụ điều tra. Hàng nghìn người dự đám tang Asad, nhiều người mặc áo in dòng chữ “Hãy yên nghỉ nhé chàng trai bé nhỏ”. Người dân còn làm đơn kiến nghị lập bản quy định mức hình phạt dành cho những hành vi bắt nạt tại trường học, hơn 15.000 người ký tên.
Có lẽ cái chết của Asad có liên quan đến kỳ thị chủng tộc nên được cộng đồng chú ý. Nhưng cũng không thể để cái chết của Huy rơi vào quên lãng. Bạo lực học đường ở Việt Nam thời có mạng như càng gia tăng. Vẻ như các cô/cậu học sinh hiếu chiến ý thức mình chưa phải chịu trách nhiệm pháp luật nên mặc sức tung hoành, còn khoái trá quay hình “báo công”.
Những clip này đang tiếp tục lan rộng qua mạng, lại thêm báo chí tiếp tay đưa chúng vào thực đơn giải trí hàng ngày cho xã hội đói khát tình thương. Làn sóng bạo lực bệnh hoạn này ngày càng mạnh mẽ khi không có một con đập đủ lớn chặn nó lại.
Tỷ như một chiến dịch truyền thông tại các trường học về cách xử lý bạo lực học đường, mở đường dây chủ động tư vấn cho các bên liên quan, thậm chí mở trại “phục hồi nhân phẩm” cho các đối tượng có dấu hiệu phát triển nhân cách méo mó.
Những người lớn đã ra tay đánh đập, hạ nhục một cậu học trò phải chăng chính là sản phẩm đầu ra của một dây chuyền giáo dục chạy theo điểm số, bỏ qua nhân cách.
Đáng lưu ý là nạn quay clip thay vì đưa cơ quan điều tra thì tung ngay lên mạng đang là cơn bệnh phổ biến ở Việt Nam. Nó thể hiện sự bất lực trong giải quyết tình huống, trong mọi vấn đề chỉ biết “cúng” Facebook.