Giải quyết chủ quan, hậu quả đau lòng
Ngày 7/10, Công an TP Yên Bái cho biết, cháu Bùi Quang Huy, học sinh trường THCS Âu Lâu (TP Yên Bái) tự tử do thắt cổ, không có dấu hiệu tác động của ngoại lực. Công an đang điều tra vụ việc theo nhiều hướng nhưng tập trung làm rõ đối tượng đánh nạn nhân trước đó.
Công an cũng xác định được nhóm đánh, bắt cháu Huy quỳ xin lỗi và người quay clip ghi lại vụ việc, tung lên mạng. Tuy nhiên, để phục vụ công tác điều tra nên danh tính những người này chưa được tiết lộ.
“Qua vụ việc của cháu Huy, có thể thấy các cơ quan pháp luật và những người có trách nhiệm quá chủ quan với những sự việc tương tự nên khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì không thể khắc phục được. Hiện tượng quay clip đánh nhau, chửi bới, xé quần xé áo, làm nhục nhau rồi tung lên mạng khiến nạn nhân cảm thấy xấu hổ, nhục nhã đã xảy ra trước đây. Thế nhưng, ít thấy cơ quan nào đi đến cùng của việc giải quyết, xử lý những người vi phạm có liên quan” - Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nói.
Liên tiếp các vụ học sinh bị đánh, làm nhục
Theo tìm hiểu của PV, sau sự việc của cháu Huy, liên tiếp có nhiều clip khác ghi lại cảnh học sinh bị đánh, bị làm nhục được tung lên mạng. Ngày 4/10, xuất hiện video một nữ sinh bị nhóm 4-5 thiếu nữ túm tóc, tát, đạp thẳng chân vào mặt.
Sở GD&ĐT Thái Bình xác nhận, học sinh bị đánh đang học tại Trường THPT Tây Thụy Anh, còn nhóm nữ sinh hành hung học Trường THPT Diêm Điền, cùng ở Thái Thụy. Nguyên nhân vụ việc được cho là do bạn của nạn nhân có mâu thuẫn từ trước với nhóm học sinh trên, khi em này vào can cũng bị đánh.
Cũng trong hôm qua (7/10), Công an Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết không khởi tố vụ 3 nữ sinh trường THCS Quỳnh Thuận bị nhóm nữ sinh THCS Quỳnh Long (cùng ở huyện Quỳnh Lưu) đánh phải nhập viện. Do mâu thuẫn nên 3 nạn nhân bị nhóm nữ sinh kia hành hung nhiều lần, đe dọa không được nói với ai. Trong clip xuất hiện ngày 4/10, các nạn nhân bị bắt quỳ xuống để nhóm nữ sinh kia giẫm đạp, dùng dép đánh vào mặt...
Người tung clip có thể bị xử lý
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, trong các vụ việc trên, người tung clip nếu nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Cụ thể, với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
“Lẽ ra khi xuất hiện những clip kiểu như vậy, cơ quan chức năng truy tìm người tung clip cũng như những người thực hiện hành vi trong clip, xử lý họ bằng các chế tài theo quy định của pháp luật mới có tác dụng răn đe và phòng ngừa. Nếu làm triệt để, chắc chắc sẽ hạn chế được các câu chuyện đau lòng như trường hợp em Bùi Quang Huy”.
Luật sư Giang Hồng Thanh
Với cái chết của cháu Bùi Quang Huy, ông Thanh cho rằng, những hình ảnh trong clip thể hiện có 2 nam thanh niên đánh và bắt Huy quỳ gối nơi đông người. Hành vi này có dấu hiệu của tội làm nhục người khác, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, theo thông tin trên báo chí, 2 nam thanh niên đã đập vỡ điện thoại của Huy, có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Việc 2 nam thanh niên đấm đá, dùng gậy, tuýp sắt đánh khiến Huy bị chấn thương phần mềm và não (nếu đúng) là có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, do cháu Huy đã tử vong, nếu không có giám định thương tích từ trước sẽ rất khó xử lý hình sự.
Trả lời câu hỏi về việc cơ quan công an có thể “phạt nguội” trong các trường hợp trên không, ông Thanh cho biết, có nhiều căn cứ để xử lý, giải quyết hành vi vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như căn cứ vào tố giác của công dân, vào tin báo của cơ quan, tổ chức…
Như vậy, nếu cơ quan công an phát hiện hành vi vi phạm pháp luật dựa vào những căn cứ nêu trên thì hoàn toàn có quyền tự mình xử lý. Tuy nhiên, đối với hành vi cố ý gây thương tích và làm nhục người khác, việc xử lý thường phải căn cứ vào trình báo của nạn nhân.