‘Vị đắng’ của nhà giá rẻ

‘Vị đắng’ của nhà giá rẻ
Nhà đang xây bị kêu vì giá quá cao, dọn đến ở thì thất vọng vì chất lượng kém… nhiều dự án nhà giá rẻ, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Hà Nội đang lâm vào cảnh bế tắc khi mà cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà dường như đang cảm nhận được “vị đắng” tại các dự án.

‘Vị đắng’ của nhà giá rẻ

> Đất thổ cư diện tích nhỏ ăn khách
> Săn nhà đất giá 'bèo' ngoại ô Sài Gòn

Nhà đang xây bị kêu vì giá quá cao, dọn đến ở thì thất vọng vì chất lượng kém… nhiều dự án nhà giá rẻ, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Hà Nội đang lâm vào cảnh bế tắc khi mà cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà dường như đang cảm nhận được “vị đắng” tại các dự án.

Những dự án nhà giá rẻ, nhà cho người thu nhập thấp dường như đang gặp bế tắc khi bị khách hàng quay lưng
Những dự án nhà giá rẻ, nhà cho người thu nhập thấp dường như đang gặp bế tắc khi bị khách hàng quay lưng.

Chủ - khách cùng kêu

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến thời điểm này, trên địa bàn Thành phố có 6 dự án nhà thu nhập thấp (Kiến Hưng - Hà Đông, Sài Đồng - Long Biên; Đặng Xá - Gia Lâm, Đại Mỗ - Từ Liêm và CT1 Khu dân cư Ngô Thì Nhậm - Hà Đông) với tổng số 3.750 căn hộ đã và đang được chào bán trên thị trường. Tuy nhiên cho đến giờ, chỉ có duy nhất trên 300 căn hộ thuộc dự án CT1 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông đã bán hết ngay từ đợt đầu.

Các dự án còn lại với mức giá từ 10-13 triệu đồng/m2 thì dù công bố mở bán gần 1 năm nay, song tốc độ bán hàng và nhận hồ sơ đăng ký mua nhà vẫn chậm, thanh khoản yếu ớt. Dự án ít cũng đang tồn đọng khoảng 20% căn hộ chưa bán được, nhiều cũng phải lên tới 30-40%.

Ngay cả những người đã nộp hồ sơ, đủ điều kiện được mua nhà thu nhập thấp và thậm chí đã đóng tiền đợt đầu vẫn quyết định rút hồ sơ, thanh lý hợp đồng vì giá nhà quá cao kèm những điều kiện khắt khe sau khi nhận nhà về ở.

Thế nhưng, với những người đã mua được nhà - người chủ căn hộ thực sự, thì nỗi thất vọng dường như còn gấp bội phần, bởi nhận bàn giao nhà, dọn về ở chưa được nửa tháng thì nhà đã bị thấm dột, các hạng mục liên quan, lan can bảo vệ đã có dấu hiệu rỉ sét, hư hỏng. Đó là trường hợp tại dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá (Gia Lâm) do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư.

Một số hộ dân nhận bàn giao nhà từ chủ đầu tư hôm 29/7 vừa qua cho hay, dù là nhà mới song nhiều bức tường bên trong tòa nhà đã có biểu hiện thấm, mốc, gây mất mĩ quan và an toàn đến sinh hoạt của các cư dân tại đây. Đại diện chủ đầu tư bước đầu đã nhận trách nhiệm về những sự cố trên, song đến nay việc khắc phục dường như vẫn chỉ là ậm ờ cho qua chuyện.

Tại các dự án nhà ở thương mại bán tự do trên thị trường, sau một thời gian gây sốt nóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân bởi mức giá “khá mềm”, từ 14 - 17 triệu đồng/m2, thì đến nay những dự án này cũng đang có dấu hiệu bị khách hàng thờ ơ, tẩy chay với những lời rao bán cắt lỗ xuất hiện ngày một nhiều trên các trang mạng và các sàn giao dịch bất động sản.

Đơn cử như dự án Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty Xây dựng tư nhân Số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư. Đây là dự án đã gây “sốc” trên thị trường bất động sản hơn 2 tháng trước khi giá bán được chủ đầu tư công bố từ 14 - 14,7 triệu đồng/m2, và diện tích cũng chỉ trên dưới 50m2/căn hộ. Vào thời điểm mở bán, hàng nghìn người dân Hà Nội đã phải chen lấn, xô đẩy mới mong có được một suất đăng ký mua căn hộ tại dự án này.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 tháng, tình trạng bán cắt lỗ của không ít nhà đầu tư trót “ôm” căn hộ tại dự án này đã cho thấy sự thất vọng của nhiều khách hàng đối với dự án cũng như những điều khoản và việc làm của chủ đầu tư.

Đến thời điểm hiện nay, giá bán thứ cấp căn hộ dự án Đại Thanh đã giảm từ 500.000 - 1 triệu đồng/m2, bởi khách hàng giờ mới ngớ người phát hiện ra vô số điều khoản bất lợi trong bản hợp đồng do chính chủ đầu tư soạn thảo.

Một số dự án nhà thương mại giá rẻ khác như Xa La, Tân Tây Đô, Định Công… cũng từng thu hút được nhiều khách hàng, giới đầu tư trong thời gian qua vì mức giá chào bán khá thấp so với mặt bằng chung (trên dưới 15 triệu đồng/m2), thì nay cũng đang được nhiều nhà đầu tư thứ cấp rao bán cắt lỗ ồ ạt. Còn tại sàn giao dịch, bóng dáng khách hàng cũng thưa dần trong sự bất lực của chủ đầu tư.

“Rối” vì chuyện giá bán

Trong nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân khiến cho phân khúc “nhà giá rẻ” tại Hà Nội vốn được hàng vạn người dân mong mỏi đón chờ lại trở nên ế ẩm, người đến nộp hồ sơ ngày một thưa thớt dần… Phóng viên cũng đã nhận được câu trả lời với vô vàn lý do từ người mua nhà, nhưng trong đó nguyên nhân căn cơ nhất vẫn là câu chuyện giá bán.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nhà thu nhập thấp tại Hà Nội giá cao là do phải “gánh” thêm chi phí hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng…

Cùng với đó còn có nguyên nhân do cầu trên thị trường ở Hà Nội lớn nên chủ đầu tư dễ dàng có điều kiện “đẩy” giá lên cao. Do đó, nếu thuộc nhóm người có thu nhập thấp, theo ông phần lớn người dân sẽ không thể mua được nhà ở. Tuy nhiên, theo ông, nếu việc giám sát được thực hiện chặt chẽ hơn thì giá vẫn có thể giảm xuống.

Còn tại các dự án nhà ở thương mại, theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, thì việc kiểm soát giá thành dường như là điều không thể, thậm chí là vi phạm quy định pháp luật nếu cơ quan quản lý can thiệp quá sâu vào câu chuyện “đầu vào – đầu ra” của doanh nghiệp.

“Hiện nay, các quan hệ mua bán trên thị trường đều phụ thuộc quy luật cung - cầu, giá trị sử dụng. Do đó, khách hàng thời nay không quan tâm đến việc doanh nghiệp làm ra sản phẩm đó mất bao tiền, thậm chí nhiều khi đó là bí mật không được biết. Họ chỉ quan tâm giá bán có hợp lý và họ có chấp nhận hay không”, vị lãnh đạo này nói.

Trong khi đó, theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với phân khúc nhà thu nhập thấp, muốn hạ giá bán phải bắt đầu từ việc kiểm soát việc hình thành giá.

Theo ông Võ, muốn kiểm soát được cấu thành giá nhà là bao nhiêu thì chỉ có một giải pháp công khai. Kinh nghiệm ở một số nước đi trước cho thấy, họ cho trực tiếp cộng đồng những người có thu nhập thấp vay tiền. Cộng đồng này có quyền lựa chọn chủ thầu xây dựng. Còn ở nước ta thì nhà nước trao quyền, tạo điều kiện để chủ thầu xây dựng chủ động trong “cuộc chơi” này.

Còn với chủ đầu tư, để giải bài toán đầu ra đang có xu hướng bế tắc hiện nay, đặc biệt là đưa mức giá căn hộ xuống thấp, phù hợp với khả năng thanh toán của người mua, Tổng công ty Viglacera mới đây đã công bố sẽ giảm diện tích xây dựng căn hộ tại dự án Đặng Xá 2 xuống chỉ còn 30 - 50m2, tương ứng với 300 - 500 triệu đồng/căn.

Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư cũng kiến nghị thành phố Hà Nội cần phải nới lỏng nhiều điều kiện ràng buộc cho người mua nhà thu nhập thấp, thay vì siết chặt như trước đây.

Thế nhưng, trên thực tế, việc giảm diện tích căn hộ của Viglacera tại dự án Đặng Xá 2 có thể chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt.

Còn tại dự án Đại Thanh, căn hộ được chủ đầu tư chào bán ra thị trường từ 42m2 cũng đã góp phần giúp người mua bớt được một khoản tiền đáng kể trên tổng giá trị hợp đồng mua bán.

Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn nghiêm cấm việc xây dựng căn hộ diện tích nhỏ, trong đó các căn hộ có diện tích dưới 45m2 sẽ không được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở. Đó cũng là một trong những lý do không khiến không ít khách hàng đã trót mua căn hộ tại dự án này hiện phải rao bán lại với giá thấp hơn.

Theo Ngô Trang
VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG