Vết 'đen' sau mỗi chuyến đi
Tuy vậy, sự thiếu ý thức trên hành trình chinh phục thiên nhiên của một số cá nhân đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của dân “phượt” chân chính…
Để khám phá những miền đất mới lạ, “dân phượt” phải vượt qua những đoạn đường khó khăn, hiểm trở. |
“Phượt” và sự mê hoặc
Có thể nói, “phượt” đã trở thành trào lưu của giới trẻ, đặc biệt với những người ưa thích sự trải nghiệm, mạo hiểm. Hình ảnh những bạn trẻ khoác ba lô lên vai rời thành phố cùng nhau rong ruổi trên những chiếc xe máy vượt núi, băng rừng, chinh phục những đỉnh cao, địa danh mới ngày càng phổ biến.
Có thể kể đến một số địa danh được yêu thích của dân “phượt” ở phía Bắc là Tam Đảo, Sơn Tây, Sa Pa, Y Tý (Lào Cai), Mộc Châu, Hà Giang, thác Bản Giốc - Cao Bằng...
Khi được hỏi về cảm nghĩ lần đầu tiên đi “phượt”, Trịnh Thu Thủy, sinh viên ĐH Văn hóa hào hứng: “Không gì có thể đánh đổi được cảm giác khi được ngắm sự hùng vĩ của thác Bản Giốc hay sự lãng mạn đến mê người của bạt ngàn hoa cải trắng ở Mộc Châu.
Đi “phượt”, em sẽ là người viết nên hành trình cho chính mình mà không bị hối thúc bởi hướng dẫn viên du lịch”. Tuy vậy, Thủy chia sẻ, trước khi đi, không ít bạn nghĩ đơn giản “phượt” chẳng qua là những chuyến du lịch ngắn ngày bằng xe máy. Khi nhập cuộc rồi họ mới thấy đó không phải là cuộc dạo chơi dễ dàng. “Phượt” không chỉ đem lại cho mỗi cá nhân cảm giác tự do mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Hiện nay, không chỉ sinh viên, học sinh mà còn có khá nhiều nhân viên văn phòng cũng rất đam mê “phượt”. Anh Nguyễn Hùng - chuyên viên Bộ NN&PTNT, một dân “phượt” có thâm niên 7 năm tiết lộ, thật khó miêu tả cảm giác là người tự khám phá, tự mày mò khi lạc đường, rồi sung sướng đến tột cùng khi tìm thấy lối ra.
Không thể phủ nhận rằng qua những chuyến “phượt”, khả năng tự thích nghi và bảo vệ mình trong mỗi cá nhân sẽ tăng lên khi đối diện với những khó khăn. Đó là cách xác định phương hướng khi lạc đường, là cách sơ cứu, đối phó khi gặp nạn, là cách điều chỉnh xe hợp lý khi lên dốc đổ đèo...Những điều này chắc chắn khi đi du lịch theo tour bạn sẽ không bao giờ học được. Bên cạnh đó, “phượt” còn mang lại cảm giác mới mẻ, sự hồi hộp và mạo hiểm.
Là thành viên của một diễn đàn về “phượt”, nick hoangda thể hiện quan điểm, “phượt” chính là những chuyến đi bụi và ngẫu hứng, không có những khách sạn xa hoa và món ăn đắt tiền.
“Phượt” là trào lưu lành mạnh nếu những cá nhân tham gia biết tự bảo vệ mình và bảo vệ vẻ đẹp nơi mình đặt chân đến. Thật tiếc là có không ít người đã bỏ qua mọi nguyên tắc coi “phượt” là liều mạng, là sự thể hiện một cách thái quá và kệch cỡm cái tôi cá nhân.
Chắc chắn, không ai trong số họ đã một lần tự hỏi rằng, đằng sau bộ ảnh đẹp lung linh trong sắc màu của hoa cải, của ruộng bậc thang, của những con đèo hùng vĩ, họ đã để lại những gì? Tiếc thay, câu trả lời đó lại là những cánh đồng hoa giập nát tả tơi, những cung đường rất đẹp bị phủ đầy rác và sự mất lòng tin của người dân bản địa.
Lỗi từ sự thiếu ý thức
Cũng theo anh Nguyễn Hùng, thông thường một đoàn đi “phượt” gồm 20 người với 10 xe. Đi đầu là xe của trưởng đoàn (leader) và một xe được phân công chốt cuối cùng. Leader có trách nhiệm thu tiền và lo công tác hậu cần (nơi ăn, ngủ), chuẩn bị đồ sơ cứu, kẹo ngậm… đồng thời hướng dẫn mọi người bảo dưỡng xe trước khi đi, quy định khoảng cách giữa 2 xe.
Mặc dù vậy nhưng trên thực tế đã có không ít người cố tình vi phạm nội quy của đoàn, như ham vui, nhậu nhẹt, chơi bời khuya nên không tỉnh táo khi đi đường, thậm chí còn tự ý đi sang vành đai bên kia biên giới hay thản nhiên trèo lên các cột mốc “tạo dáng” hoặc khắc tên trên đó.
Có những leader trẻ, thấy đường đẹp nên phóng quá nhanh làm cả đoàn phóng theo rất nguy hiểm. Ngoài ra, một số leader còn tự tổ chức các cung “phượt”, thu tiền của các thành viên nhưng thu-chi không rõ ràng.
Về sự thiếu ý thức của dân “phượt”, cách đây khoảng 5 năm, một số hành vi không đẹp đã bị lên án mạnh mẽ trong cộng đồng “phượt” như việc mặc quần lót đứng cạnh đỉnh Fansipan hay vẽ lên tượng đài đèo Pha Đin.
Những ngày gần đây, dân “phượt” lại được phen phẫn nộ trước hàng loạt những hình ảnh gây sốc như chạy xe máy vào cánh đồng hoa tam giác mạch, ngồi ngay trên nóc cột mốc quốc gia km số 0 - Hà Giang để chụp ảnh hay cả đoàn “phượt” nằm ngủ ngay ở góc cua trên mặt đường quốc lộ. Trước tình trạng này, đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự phản đối, bất bình.
Nick yeuquehuong bức xúc: “Tôi nghĩ các leader khi tổ chức chuyến đi cần chuẩn bị kỹ lưỡng và động não hơn một chút, không nên đem tính mạng của các thành viên trong đoàn đánh cược với chuyến đi, bất chấp các quy định của Luật Giao thông.
Các bạn hãy để những lần đi “phượt” là kỷ niệm vui chứ đừng để nó là vết đen trong cuộc đời mình. Những người khác cũng nên coi đây là bài học kinh nghiệm cho bản thân để không lặp lại sai lầm tương tự. Hy vọng những con sâu làm rầu nồi canh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của dân đi như thế này không có nhiều trong tương lai”.
Bạn Lê Xuân Khoa, sinh viên trường ĐH Hà Nội - người đã có hàng chục chuyến đi “phượt” than thở: “Việc được đi đây đi đó, được tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của đất nước là hạnh phúc của những ai ưa khám phá. Song, hiện lại có không ít “dân phượt” chỉ coi mỗi chuyến đi như một thành tích để khoe khoang với bạn bè. Họ không hiểu rằng “phượt” không đồng nghĩa với bốc đồng, hoang dại và những điều điên rồ. Do đó, họ đã sẵn sàng bất chấp sự an toàn của người khác, làm những trò lố bịch tàn phá thiên nhiên, cảnh quan và gây mâu thuẫn với người dân bản địa. Điều này là không thể chấp nhận được”.
Phượt không phải là điều gì quá to tát mà đơn giản chỉ là lên đường và trải nghiệm. Bất kỳ sự cố xảy ra nào trong quá trình “phượt” có thể làm tan rã một nhóm và làm ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng “phượt” chân chính. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiều rủi ro đáng tiếc, khiến không ít người đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình…
Theo ANTĐ