Tổng thống Maduro không hề hấn gì sau vụ tấn công bằng thiết bị không người lái có cài chất nổ trong khi ông đọc diễn văn tại một cuộc diễu binh. Ông Maduro lên án các nhóm cực hữu và tổng thống sắp mãn nhiệm Juan Manuel Santos của Colombia, cho rằng họ đứng sau vụ việc.
Những người bị bắt bị cáo buộc “khủng bố và ám sát”, bộ trưởng Nội vụ Nestor Reverol nói.
Ông Reverol nói thêm, một trong những nghi can hồi tháng 8/2017 đã tham gia một vụ tấn công vào một căn cứ quân sự ở thành phố Valencia, Venezuela. Một nghi can khác từng bị bắt trong năm 2014 vì hoạt động chống chính phủ. Bộ trưởng Reverol nói ông không loại trừ khả năng sẽ còn có các vụ bắt giữ khác.
Những kẻ tấn công đã sử dụng hai thiết bị bay mang theo mỗi chiếc 1kg chất nổ C-4, theo lời Reverol.
Khối chất nổ này có thể gây sát thương trong bán kính 50m trong khi những kẻ thực hiện vụ tấn công có thể ở các phố lân cận điều khiển thiết bị bay. Ông Reverol nói “bọn khủng bố” đã điều khiển một trong hai thiết bị bay tới gần sân khấu, nơi có tổng thống Maduro, với mục đích kích nổ khối thuốc C-4. Nhưng nó đã bị an ninh Venezuela đoạt quyền điều khiển và cho nổ bên ngoài khu vực mà bọn tấn công mong muốn, theo lời ông bộ trưởng nội vụ.
Theo lời ông, chiếc máy bay thứ hai mất điều khiển và rơi xuống một chung cư, phát nổ. Trong vụ tấn công, bảy binh sỹ thuộc Vệ binh quốc gia Venezuela đã bị thương.
Vài giờ sau vụ tấn công, ông Maduro xuất hiện trên truyền hình quốc gia, nói về việc điều tra và bắt giữ các nghi can.
Ông nói các nhân vật chính trị cực hữu Venezuela cùng các nhóm cực hữu Colombia và tổng thống Colombia đứng đằng sau vụ tấn công. Ông Maduro cũng kết tội những kiều dân Venezuela đang sống ở Mỹ.
“Các cuộc điều tra ban đầu cho thấy nhiều kẻ đứng đằng sau vụ tấn công này, bao gồm những kẻ tài trợ tiền bạc, những kẻ lên kế hoạch, đang sống ở Florida, Mỹ”.
“Tôi hy vọng chính quyền của ông Trump sẽ sẵn lòng chiến đấu với các nhóm khủng bố đang thực hiện các vụ tấn công vào những nước thanh bình ở lục địa chúng ta, lần này là Venezuela”, ông Maduro kêu gọi.
Chính phủ Venezuela từ lâu đã cáo buộc Colombia âm mưu lật đổ, cáo buộc các nhóm cực hữu ở Colombia và Mỹ tìm cách tấn công ông Maduro. Cáo buộc nhằm vào tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia trong khi chỉ còn vài ngày nữa ông này hết nhiệm kỳ và nhường ghế lại cho tân tổng thống Ivan Duque.
Ông Nicolas Maduro, một cựu tài xế xe buýt, đã giành ghế tổng thống sau khi người tiền nhiệm Hugo Chavez qua đời năm 2013.
Một số nhà bình luận nói cảnh binh sỹ chạy tán loạn khi có tiếng nổ tại Caracas hôm thứ Bảy vừa rồi cho thấy sự tin tưởng và trung thành của họ đối với chính phủ không cao. Khi có sự cố, “binh sỹ chắc chắn phải lo cho bản thân trước”, một nhà quan sát nói với CNN.
“Trong thời ông Chavez còn nắm quyền, cảnh tượng như thế đã không diễn ra”, David Smilde, nhà xã hội học thuộc đại học Tulane (Mỹ), chuyên gia về Mỹ-Latin nói. Lúc còn sống, tổng thống Hugo Chavez nổi tiếng với chủ thuyết chính trị theo trào lưu cánh tả. Nhưng theo David Smilde, chủ thuyết này nhạt phai dần kể từ năm 2010. Khi ông Maduro lên nắm quyền, tỷ lệ ủng hộ ông khá thấp và ông được nói là đưa người trung thành với mình vào các vị trí quan trọng, thay vì những người có đủ năng lực. Chuyên gia Smilde cho rằng, mô hình chính phủ ở Venezuela nhấn mạnh vào tính trung thành và sự tập trung quyền lực, thay vì năng lực, giáo dục, trách nhiệm và tính minh bạch.
Theo AP, vụ tấn công diễn ra trong lúc Venezuela đang gặp khủng hoảng kinh tế. Một số nước, trong đó có Mỹ, đã ban bố các lệnh cấm vận nhằm vào một số quan chức cấp cao của Venezuela. Ðã xuất hiện những nghi ngờ Mỹ đứng đằng sau vụ việc. Tuy nhiên, trả lời Fox News, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói “Mỹ không liên quan”.