Vén màn bí ẩn của hành cung Lỗ Giang

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, vị trí của cung/hành cung Lỗ Giang (Thái Bình) xưa ở đâu, diện mạo và quy mô như thế nào vẫn là một bí ẩn. Lỗ Giang chỉ xuất hiện vài dòng ngắn ngủi trong Đại Việt sử ký toàn thư.

PGS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành kể, rất nhiều năm qua, khi nhắc đến di tích nhà Trần, mọi người thường nói về Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), hành cung Thiên Trường (hay còn gọi là Tức Mạc ở Nam Định), đất phát tích của nhà Trần ở Yên Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Lỗ Giang - một hành cung lớn, nằm ở vị trí quan trọng trong việc kết nối giữa phủ Long Hưng (Thái Bình) với Tức Mạc và Thăng Long thì "không ai mảy may nhắc đến".

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, vị trí của cung/hành cung Lỗ Giang xưa ở đâu, diện mạo và quy mô như thế nào vẫn là một bí ẩn. Lỗ Giang chỉ xuất hiện vài dòng ngắn ngủi trong Đại Việt sử ký toàn thư, về sự kiện Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái Hậu, mẹ vua Trần Anh Tông, vợ vua Trần Nhân Tông từng sống và mất ở đây năm 1293. Hành cung Lỗ Giang cũng là nơi gắn liền với sự nghiệp của vua Trần Hiến Tông. "Bí ẩn lịch sử này nằm yên trong lòng đất suốt hơn 700 năm và chúng tôi quyết định khám phá nó", PGS Bùi Minh Trí tâm sự.

Vén màn bí ẩn của hành cung Lỗ Giang ảnh 1

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành Bùi Minh Trí cho biết, phát hiện hành cung Lỗ Giang là lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học nhìn thấy rõ ràng diện mạo cung điện nhà vua ở ngoại vi kinh thành Thăng Long. Ảnh: Quang Ngọc.

Từ manh mối ít ỏi trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Kinh thành tiến hành điều tra dân gian, khảo cổ và thư tịch liên quan đến từ “Lỗ Giang”. Từ cổ này dùng để chỉ về một ngã ba sông nơi có vòng xoáy lớn (hay còn gọi là Thâm), nhóm tìm ra xã Thâm Động (nay là xã Hồng Minh, Hưng Hà, Thái Bình). Nơi đây là hữu ngạn ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý, ở chính giữa vùng đất Long Hưng và Tức Mạc, cách khu lăng tẩm nhà Trần ở Tam Đường khoảng 6 km.

Khảo sát thực địa, họ tìm ra vết tích, đồ dùng vật dụng thời nhà Trần, đặc biệt là vật liệu kiến trúc xuất lộ khi người dân đào đất đắp đê. Công tác khai quật khảo cổ học được tiến hành tại xã Hồng Minh.

Tháng 11-12/2014, trên diện tích khai quật 300 m2, một phần nền móng công trình kiến trúc gỗ lần đầu tiên phát lộ. "Chúng tôi tìm được 4 hàng cột và xác định được chính xác chiều rộng lòng nhà là 9,9 m. Các dấu vết bó nền, móng trụ và sân gạch ở đây thuộc công trình kiến trúc rất độc đáo, có mặt bằng lớn, nằm theo chiều Đông - Tây, mặt quay về phía Nam, hai bên có sân gạch được xây dựng rất quy chuẩn", PGS Bùi Minh Trí nói.

Hệ thống móng trụ kép - loại móng trụ hình chữ nhật, lớn gấp đôi móng trụ hình vuông thông thường cũng được tìm thấy. Móng trụ lớn tương ứng với 2 chân tảng đặt lên trên và cột gỗ cũng lớn. Theo PGS Trí, điều này chứng minh kiến trúc Lỗ Giang có quy mô lớn, nhiều tầng. Đây là lần đầu tiên loại hình kiến trúc móng trụ kép được tìm thấy bên ngoài Hoàng thành Thăng Long và lại có quy mô lớn hơn nhiều (chiều rộng gấp đôi lòng nhà tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long).

Các vật liệu như: ngói mũi sen lợp thân mái và diềm mái, ngói gắn trên là các hình lá đề trang trí hình rồng, mảnh vỡ của đầu rồng… Khi so sánh với Hoàng thành Thăng Long, những vật liệu này hoàn toàn giống vật liệu lợp trên hoàng cung. "Điều đó minh chứng kiến trúc ở Thái Bình là kiến trúc hoàng gia và đã là hoàng gia, nó buộc phải là cung điện", PGS Bùi Minh Trí khẳng định.

Vén màn bí ẩn của hành cung Lỗ Giang ảnh 2

Vật liệu kiến trúc ở hành cung Lỗ Giang (Thái Bình) tương thích với vật liệu xây dựng cung điện ở Hoàng thành Thăng Long, chứng minh kiến trúc ở Lỗ Giang cũng là kiến trúc cung điện. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành.

Kết quả khai quật kết hợp với tư liệu lịch sử, các nhà khảo cổ bước đầu suy đoán khu vực đền Trần (Thái Lăng) xã Hồng Minh hiện nay chính là hành cung Lỗ Giang dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông và là hành cung Kiến Xương vào thời vua Trần Hiến Tông.

"Đây là lần đầu tiên ta có cái nhìn rõ ràng về các cung điện ngoài kinh thành. Cuộc khai quật ở hành cung Thiên Trường trước đó cũng chưa phát hiện được những dấu tích rõ ràng của cung điện do đền Trần, mồ mả được dựng lên", PGS Trí nói, lịch sử khảo cổ học chưa bao giờ có công bố về dấu tích cung điện hành cung của nhà Lý, nhà Trần, ở ngoài Thăng Long".

Hành cung Lỗ Giang cũng giúp các nhà khoa học đánh giá trình độ xây dựng, quy mô, hình thái kiến trúc của thời Trần. Hình ảnh hoàng cung Thăng Long với phủ Long Hưng, phủ Thiên Trường, kết nối hình tam giác, cho phép hiểu hơn diện mạo kiến trúc hành cung dưới thời Trần. Mối quan hệ của triều đình với vùng miền, đặc biệt nơi nhà vua đặt các hành cung cũng trở nên sống động.

TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đánh giá hành cung Lỗ Giang là cuộc khai quật lớn đầu tiên về cung điện ở ngoại vi Thăng Long. Nó bước đầu mang đến cái nhìn rõ ràng hơn về diện mạo kiến trúc, quy mô, mỹ thuật thời kỳ này. Phát hiện hành cung ở Thái Bình đồng thời có giá trị lịch sử, khoa học lớn.

"Hành cung Lỗ Giang được ra đời vào thời điểm rất đặc biệt, sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3. Khi ấy, vua tôi nhà Trần Nhân Tông về tế tổ ở đất phát tích Thái Bình và bước vào thời kỳ phục hưng đất nước, phục hồi kinh tế. Với ý nghĩa to lớn ấy, hành cung Lỗ Giang được xây dựng quy mô lớn", TS Lê Đình Phụng nhận định.

Theo chuyên gia khảo cổ học này, địa mạo, cảnh quan của điểm hành cung Lỗ Giang là nằm bên ngã ba sông, giao thông thuận lợi và là trạm nghỉ chân, điểm nối quan trọng giữa kinh đô Thăng Long với đất tổ Thái Bình. 

Những vật liệu kiến trúc tìm thấy ở hành cung Lỗ Giang với ngói mũi sen lợp diềm mái trên gắn lá đề trang trí con hươu hay rồng là đặc trưng mỹ thuật của nhà Trần thế kỷ 13-14. Sự xuất hiện của ngói có hình hươu (biểu tượng của đạo giáo) cho thấy, gia đoạn này đạo Phật đã bị chi phối bởi các đạo giáo khác và kéo dài suốt 100 năm sau.

Theo Quỳnh Trang

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG