TPO - Những ngày cuối tháng 3, khi tiết trời đã nóng lên, một số nơi ở Long An cũng rợp sắc hoa ô môi. Con đường nào có bóng ô môi cũng rực sáng cả một góc trời.
Những ngày cuối tháng 3, không khó để nhận ra những nơi có sự hiện diện của cây ô môi bởi màu hoa rực đỏ.
Từ thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành) đi vài, ba km, đến cầu 30/4 quẹo phải vào con đường dọc bờ kênh sẽ bắt gặp màu hồng rực rỡ của hoa ô môi.
"Trưa hè yên ả, đứng đây ngắm hoa ô môi bỗng đâu đó nghe giọng hát nghệ sĩ Tấn Tài cất giọng bài Bông ô môi thì còn gì bằng, không gian nó cứ như thiền", ông Nguyễn Văn Phong, ngụ xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành chia sẻ.
Hoa ô môi thi vị đến mức trở thành chất xúc tác để đi vào thơ ca. Bài “Bông ô môi” của cố soạn giả Viễn Châu, với phần mở đầu lý con sáo nghe da diết: “Bông ô môi, gió cuốn rụng đầy trên sông. Nhìn mây trời mênh mông, kẻ ly hương nay đã quay về, sao trong dạ não nề. Hồi chuông buồn từ xa vẳng đưa, trong khói sương thêm tái tê hồn ta. Ngồi bên bờ nhìn hoa lá rơi, cơn gió đưa theo nước sông buồn trôi…”.
Bài hát trở nên nổi tiếng khi được chấp bút bởi hai cây đại thụ trong nghệ thuật cải lương Nam Bộ là cố soạn giả Viễn Châu và "Ông hoàng dĩa nhựa" Tấn Tài.
Cây ô môi có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ, được trồng ở nhiều quốc gia, chủ yếu để làm cảnh vì hoa đẹp và cho bóng mát. Ở Việt Nam, ô môi chủ yếu được trồng ở các tỉnh phía Nam.
Cây ô môi có thân gỗ, chiều cao trung bình từ 10-20m. Phân cành lớn, mọc ngang thẳng, vỏ thân nhẵn. Lá kép lông chùm với 8-20 đôi, lá phụ dạng thuôn dài cả hai đầu dài 7-12cm rộng 4-8cm có màu xanh và gân rõ.
Hoa ô môi nở khi lá rụng, dạng chùm dài mang hoa lớn xếp thưa màu hồng đậm, rủ xuống.
Quả hình trụ dẹt dài 40-60cm, cong như lưỡi liềm với đường kính 3-4cm, có 50-60 ô mỗi ô chứa một hai hạt dẹt màu vàng cứng.
Cơm quả ô môi có mùi thơm, vị ngọt thanh, dùng để ăn chơi hoặc ngâm rượu làm thuốc có tác dụng kích thích tiêu hóa. Trái ô môi đem ngâm nước nóng cho tới khi lớp vỏ cứng bong mềm ra và lấy nhân để nấu chè.
Lá ô môi có thể chữa đau lưng, nhức mỏi, sắc làm nước thuốc dùng rất hiệu quả. Ngoài ra lá ô môi tươi đem giã nát đắp lên những vết lở ngứa, hắc lào có thể chữa khỏi.
Ngoài Châu Thành (Long An), mùa này, nếu muốn ngắm hoa ô môi, du khách có thể về các huyện Cao Lãnh, Tam Nông (Đồng Tháp), Tân Châu, Tịnh Biên (An Giang)...
Con đường rợp sắc ô môi.
Cây ô môi gần thị trấn Tầm Vu được khách tìm đến vì có khung cảnh bình yên của làng quê.
Hình ảnh đậm chất quê lọt vào khung ảnh.
Với nhiều người, ô môi là một phần ký ức tuổi thơ. Riêng với Hoàng Giang, anh đều đi săn ảnh mỗi mùa ô môi nở hoa.
"Trong ký ức tuổi thơ tôi, ô môi mới để lại những kỷ niệm, nhất là trái của nó. Hồi còn nhỏ, mùa ô môi đến là mùa hạnh phúc nhất vì mỗi khi mẹ đi chợ về là tôi có quà. Thịt trái ô môi ăn ngon, mẹ dặn kỹ là ăn nhả xác, không được nuốt", bạn Phạm Thái Ngọc chia sẻ. Theo Thái Ngọc, cây ô môi bây giờ không còn nhiều, tôi cũng không thấy ở đâu bán giống cây này. Cách đây vài năm, trên đường quê, tôi thấy màu hoa hồng phơn phớt của một cây ven đường, dừng xe lại nhìn thì mới hay thì ra đó là cây ô môi. "Giờ cứ canh mùa hoa nở ra đây chụp ảnh", Thái Ngọc chia sẻ.
Ô môi, loài cây dân dã, bình dị, đủ gieo thương nhớ cho nhiều người khi vị trái ô môi và màu hoa dịu dàng ấy là một phần của thời thơ ấu.