Nhặt rác ở đáy biển
Làm quản lý cho một thương hiệu nghỉ dưỡng lớn, Đào Đặng Công Trung được tiếp xúc với san hô từ khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Theo chân những đoàn khách quốc tế, anh Trung sớm được phổ cập tầm quan trọng cũng như đặc tính của nhiều loại san hô.
“San hô dưới biển giống như rừng nhiệt đới trên cạn, là nơi lưu trữ đa dạng sinh học, hỗ trợ cho nhiều loại cá và các sinh vật biển khác. Không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có san hô, nó chỉ sinh trưởng ở vùng xích đạo và cận xích đạo, nguồn nước sạch và trong. Mỗi năm một con san hô (san hô là động vật, không phải thực vật) chỉ cao thêm 1cm, cho nên nếu thấy một rạn san hô cao khoảng 1m tức là nó đã có tuổi đời hàng trăm năm.
Quý giá thế nhưng san hô lại rất nhạy cảm với nhiệt độ, ánh sáng và chất lượng nước. Sự ô nhiễm gây ra bởi các chất độc hại, nước thải, công nghiệp du lịch và đánh bắt cá đều có thể hủy hoại các rạn san hô”, nhân nói về việc san hô ở khu vực Hòn Mun (Nha Trang) đang chết hàng loạt, anh Trung tranh thủ phổ cập kiến thức cho tôi.
Cũng từ những buổi đầu bỡ ngỡ ấy, sau khi nhận chứng chỉ lặn và cứu hộ quốc tế, có cơ hội là anh Trung lặn ngắm san hô và nhặt rác dưới đáy biển. Vài năm gần đây, rác nhiều lên, lịch trình của anh cũng trở thành định kỳ: tuần một vài lần, mỗi lần trung bình một giờ đồng hồ.
Lưới ma do anh Trung nhặt dưới đáy biển được đội SUP hỗ trợ đưa vào bờ |
Bạn bè facebook đã quen với hình ảnh dăm bữa nửa tháng Trung Đào (nick facebook của anh) lại xuất hiện bên một cái thuyền đầy rác. Lúc là đám lưới “ma” khổng lồ, khi là bịch hàng trăm cái vỏ lon, chai nhựa, lúc lại là cả cái thùng phuy. Những loại rác ấy đều được anh lôi lên từ những rạn san hô dưới biển Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang... Có khi anh có trợ thủ, nhiều khi chỉ một mình.
Nói về những thiên địch của san hô dưới đáy biển, anh Trung cho biết: “ô nhiễm nước có thể làm san hô chết rất nhanh, nhưng ô nhiễm rác cũng hủy hoại san hô không kém. Ở dưới nước san hô rất mềm và dễ gãy. Lưới lồng đánh bắt cá của ngư dân chỉ cần kéo qua rạn san hô là gây gãy hàng loạt. Lưới “ma”- loại lưới thải loại trôi nổi trên biển nếu bị dạt vào rạn san hô, chỉ cần sóng đánh qua là sẽ giật gãy san hô”.
Không ai bắt, cũng chẳng có đồng thù lao nào, nhiều năm liền, lặn biển nhặt rác trở thành một đầu việc bắt buộc anh Trung tự đặt ra cho mình, “cứ như kiếp trước có nợ với san hô”.
“Nhặt rác dưới đáy biển khó hơn trên cạn vì áp lực nước và sự nguy hiểm của độ sâu. Muốn cắt lưới cho san hô thì phải tìm ra mối của nó, sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng cắt dứt khoát. Trước chưa có kinh nghiệm tôi dùng cưa, mỗi mối cắt phải tốn 3-5 hơi mới xong. Về sau tôi tìm ra cái kìm inox chuyên dụng, chỉ cần bấm một cái là được. Nếu là lưới mắt thưa thì độ bám dính nhiều hơn, khoảng vài chục mối, lưới mắt mau ít bám hơn, chỉ từ 5-7 mối. Cắt lưới cho san hô cần kiên nhẫn, giống như ngồi gỡ chỉ, không được sốt ruột vì chỉ cần kéo mạnh tay là làm gãy san hô”.
Trung bình một tấm lưới dính vào rạn san hô anh Trung cần nửa tiếng để cắt và lôi lên bờ. Cho đến nay, kỷ lục anh từng một mình lôi từ đáy biển lên là một tấm lưới dài khoảng 200m, cắt gần một tiếng trong tình huống lặn không bình hơi. Còn những lưới chừng 50m, 20m thì không tính xuể. Một cái thùng phuy kim loại nặng 20kg cũng được anh Trung đẩy lên bờ trong sự ngưỡng mộ tuyệt đối của bạn lặn.
“Mệt lắm, vì để lôi được một vật nặng 20kg dưới nước, bạn phải thắng được lực 20kg, có nghĩa là phải bơi, quạt rất mạnh. Chưa kể dưới 7m nước, áp lực nước rất lớn. Không có sức khỏe và kinh nghiệm bơi lội, kinh nghiệm điều áp thì không làm được”, một tay lặn chuyên nghiệp bình luận.
Muốn cả thế giới biết đến vẻ đẹp của san hô để bảo vệ nó
San hô thường sống dưới độ sâu từ 1m -20m nước, càng ở sâu thì san hô càng đẹp và độc đáo. Để có thể tận mắt thấy san hô ở độ sâu 20m, anh Trung đã đăng ký khóa lặn nâng cao (từ 20m trở lên) ở Nha Trang. Trong thời gian này, cứ rảnh, anh lại lặn nhặt rác khiến nhiều bạn lặn không khỏi kinh ngạc.
Không xa lạ với những ánh mắt có ngạc nhiên, có ngờ vực, có cả chế giễu, người đàn ông sinh năm 1979 vốn đã thoải mái sống chung với nó từ hàng chục năm trước. Khi anh còn là một cậu bé 5 tuổi cứ trông thấy rác là nhặt. Khi anh ngày ngày đi hai vòng Sơn Trà, bao tay, gắp rác lăm lăm trong tay... đều đặn đến nỗi rất nhiều khách nghĩ anh là công nhân môi trường. Núi Sơn Trà, dưới sự kiên trì của anh Trung và sức lan tỏa mạnh mẽ từ hành động của anh (kéo dài hơn 10 năm), nay đã được coi là một điểm du lịch sạch.
Để phục vụ việc... nhặt rác dưới nước, anh Trung bỏ tiền túi học hết khóa lặn này đến khóa cứu hộ biển khác. Riêng bộ đồ lặn, bình hơi, mặt nạ, chân vịt... sơ sơ cũng đã tốn gần trăm triệu đồng. Một bình ô xy (chỉ thợ lặn chuyên nghiệp mới được phép sử dụng) cho một lần nhặt rác hết 100 ngàn đồng, mà muốn sạc lại phải chạy ngược Hội An mới có dịch vụ.
Ý thức được sức mạnh của việc lan tỏa, anh Trung quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng nữa mua một bộ máy ảnh chuyên dụng chụp dưới nước: “Tôi muốn giới thiệu cho những người chưa có điều kiện lặn hình dung được ở dưới nước có gì, sinh vật biển phong phú làm sao và san hô đẹp đến thế nào. Tôi muốn cả thế giới biết điều ấy, để mọi người cùng có ý thức bảo vệ biển”.
Ảnh biển, ảnh rừng của Trung Đào, dù chỉ mới xuất hiện ít năm, đã mang về cho anh nhiều giải nhiếp ảnh lớn nhỏ. Cũng đánh động đến nhiều người.
Tua thể thao đặc biệt
Để thỏa mãn đam mê thể thao nước của mình, anh Trung lập ra công ty TNHH thương mại dịch vụ Mân Thái. Dịch vụ được yêu thích phổ biến ở đây là chèo SUP(Stand up paddle boarding- chèo ván đứng). Các tua đều khá đặc biệt. Theo đó, hàng sáng công ty đều tổ chức chèo SUP ra Hòn Sụp, và người tham gia chèo SUP được đề nghị: nếu thấy trên biển có rác thì hãy nhặt!
Thường mỗi buổi như vậy các SUP mang về trung bình 10kg rác. Nhiều bạn trẻ thích thú với công việc này cũng nhiệt tình phụ giúp giám đốc Trung, rất nhiều lưới ma do anh nhặt dưới đáy biển đều được các bạn chèo SUP phụ trách đưa lên bờ.
Anh Trung cũng là người trực tiếp ra Huế lan tỏa tinh thần chèo SUP nhặt rác trên phá Tam Giang, và giờ đây, chèo SUP nhặt rác trở thành hoạt động định kỳ của đội SUP Huế.
Túc tắc có những bạn đồng hành muốn đăng ký tham gia nhặt rác cùng anh. “Nói chung khá phức tạp, vì cứ một nhóm 5 người trở lên cùng lặn đã trở thành “lặn có tổ chức” và vì vậy phải xin phép. Chưa kể, thợ lặn bình thường chỉ xuống đến độ sâu 5-7m, phần lớn những chuyến nhặt rác ở độ sâu dưới 7m, tôi đều đi một mình, tiện đâu làm đó, gặp rác đâu nhặt đó”, anh cho biết.
Tiêu chuẩn đầu tiên của vệ sĩ: phải đảm bảo an toàn!
Tôi hỏi Trung Đào: để trở thành một vệ sĩ của san hô cần những tiêu chuẩn gì, anh bảo: trước tiên phải đảm bảo an toàn cho bản thân. Bản thân anh là một ví dụ, biết bơi từ 5 tuổi, xuống nước “như rái cá” nhưng vẫn phải qua rất nhiều khóa huấn luyện anh mới tự tin lặn nhặt rác.
“San hô là nguồn tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Hiện đa số các công ty du lịch Việt Nam đang khai thác san hô một cách tự do, không quy hoạch. Du khách bơi lặn ngắm san hô không được đào tạo, hướng dẫn, nên còn hiện tượng dẫm bừa làm gãy san hô hoặc tiểu tiện vô ý thức làm chết san hô”.
(Đào Đặng Công Trung)
“Xuống nước càng sâu càng nguy hiểm. Ngoài kỹ năng bơi lặn tốt, còn phải hiểu vùng biển mình bơi, bởi dưới biển không phải loại nào cũng chạm vào được, nhiều loại san hô hoặc cá có độc. Và nhớ kỹ là không được ham. Sức mình chỉ đến đó thì đừng ráng, ráng quá dễ hụt hơi, đuối sức hoặc là ngất. Bản thân tôi vì có lần ham nhặt rác đã đuối sức một lần nhưng may mà không nguy hiểm. Khi lặn sâu cũng nên có người đi cùng, để có sự cố gì còn xử lý kịp thời”.
Mất sức, mất thời gian, lại còn tốn kém, cho nên bạn đồng hành với anh Trung cho đến nay chưa tính là nhiều. “Không phải ai cũng có đam mê giống mình, đa phần người ta bảo thằng đó điên, vô công rỗi nghề, đi làm cái việc không ai làm. Một số người tâm huyết thì lại không có khả năng bơi lặn như mình”, anh giải thích.
Chân dung anh Trung |
Có điều đáng mừng là những người đã trót theo anh Trung nhặt rác dưới đáy biển, sau đó đều tình nguyện góp sức. Họ trở thành một nhóm “vệ sĩ bất đắc dĩ”, mỗi lần ở dưới nước lên đều khiêng theo vài chục cân rác các loại.
Trước đây vì nhặt rác ngẫu hứng, mỗi hơi lặn anh Trung chỉ có thể mang theo vài ba vỏ lon, vỏ nhựa. Sau thấy rác đáy biển nhiều, anh mang theo sọt để đựng. Rồi lại cải tiến sọt thành túi lưới để đựng được nhiều nhất mà mất ít sức nhất.