Từ mùa xuân Nhâm Thân 1992, năm năm sau, Lê Minh Thoa được lệnh xuất ngũ dù anh rất muốn ở lại quân đội lâu dài. Cho đến bây giờ, anh vẫn không biết lý do vì sao mình phải xuất ngũ. Có gì đó như tình yêu trong anh chợt rạn nứt.
Trở về đời thường dân, Lê Minh Thoa mang toàn bộ số tiền chế độ được hưởng mua một chiếc xe máy vào Sài Gòn làm xe ôm. Thành phố phương Nam đầy nắng gió và năng động lặng lẽ đón vào lòng mình một người lính Gạc Ma sống sót. Những chuyến chở khách gần xa cứ nối dài qua ngày đêm nắng mưa.
Theo Thoa kể, mà công ty First News đã ghi lại trong cuốn “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” (trang 197): “Ban ngày gã nhà quê áo lính này không cạnh tranh lại giới anh chị xe ôm ở đây nên phải chạy xe đón khách vào ban đêm. Thời gian đầu, thói quen sinh hoạt không bình thường ấy của anh cùng với vẻ mặt trầm lặng ít nói đã khiến bà chủ nhà trọ sinh nghi. Sau một thời gian theo dõi, bà đã lên công an phường báo cáo về hành tung bất thường của người khách trọ. Vì Thoa chỉ có một chứng minh nhân dân đã cũ, nên đồn trưởng công an phường cho lục soát đồ đạc. May thay, dưới đáy chiếc hòm sắt của Thoa là những huân huy chương từ Huân chương Chiến sĩ hạng Nhì, hạng Ba do đã có thành tích phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam, cho đến huân chương chiến công hạng Ba do có thành tích xuất sắc bảo vệ quần đảo Trường Sa. Tổ công tác của công an phường đã không nén nổi xúc động”.
Vài năm sau Thoa về Nha Trang lập gia đình theo tâm nguyện của bố mẹ già. Ông bà cũng đã rời đất võ Tây Sơn về cư trú tại “Quy Nhơn - thành phố thi ca”. Người vợ đầu sinh cho anh hai cô con gái và một cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng khi con trai mới 4 tháng tuổi, vợ anh bỏ nhà đi biệt tăm. Đấy là năm 2005, Thoa buộc lòng phải về Quy Nhơn vì con quá nhỏ.
Về Quy Nhơn, đầu tiên anh làm nghề sửa xe đạp. Được mấy tháng, nhờ chút tài nấu ăn, anh được nhận vào làm bếp cho khách sạn Hoàng Gia ở đầu Ghềnh Ráng. Làm bếp vài năm thì mở quán phở. Lúc này, anh đã lấy vợ sau, chính là cô giáo nuôi dạy trẻ đã nhận nuôi con trai Thoa từ khi 4 tháng tuổi. Chị có thêm với anh hai con, một trai, một gái. Một năm đầu thật chật vật với quán phở bình dân.
Năm sau, vào năm mà sấm Trạng Trình đã tiên đoán: “Phân phân tùng bách mộc - Nhiễu nhiễu xuất đông chinh - Bảo Giang sinh thiên tử - Bất chiến tự nhiên thành”, vấn đề biển đảo đã được nâng lên tầm chiến lược mới, sự kiện Gạc Ma được quan tâm như sự kiện bi tráng mở đầu chuỗi sự kiện trên biển Đông, Thoa quyết định đặt tên quán phở là “Phở Gạc Ma - Trường Sa”. Nhiều người dần dà lui tới vừa để thưởng thức, vừa ủng hộ. Lại có thêm nơi bán ốc luộc và hải sản bên cạnh, rồi bán nước mía chiều, cuộc mưu sinh nhọc nhằn của người lính Gạc Ma năm xưa cũng dần đỡ vất vả.
Sau sự kiện giàn khoan 981 của Trung Quốc xâm phạm hải phận ta ở quần đảo Hoàng Sa, vấn đề Gạc Ma càng được quan tâm trở lại. Ngày 22/7/2015, Lê Minh Thoa có mặt trong đại lễ cầu siêu cho liệt sĩ Gạc Ma tại chùa Vĩnh Nghiêm - thành phố Hồ Chí Minh. Lúc ấy, những người lính Gạc Ma bị bắt như anh mới có dịp gặp nhau mừng tủi. Trong số 9 người, gần đây đã mất hai. Đó là Nguyễn Tiến Hùng (Thanh Hóa) và Dương Văn Dũng (Đà Nẵng). Ngày Dũng mất, Thoa cũng lặn lội ra tận Đà Nẵng đưa tang và lau nước mắt cho mẹ Dũng.
Nhờ sự nhìn nhận lại Gạc Ma và nhờ anh em báo chí trong tỉnh, Thoa được công nhận là thương binh 4/4 hưởng trợ cấp 1,4 triệu/tháng. Và từ đấy, anh trở nên người bạn thân thiết của anh em báo chí Bình Định. Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh làm chương trình về Lê Minh Thoa. Những dịp kỷ niệm thành lập quân đội, Thoa thường được mời đến giao lưu với học sinh các trường ở Quy Nhơn.
Cứ thế, Thoa cùng gia đình sống bình dị, vô tư, hồn nhiên. Theo Thoa, riêng việc anh còn sống đến hôm nay đã là may mắn. Anh luôn đau đáu về sự hy sinh của 64 đồng đội. Anh Lê Minh Thoa tâm sự: “Nghĩ lại mình còn may mắn hơn 64 đồng đội đã ngã xuống nơi biển khơi. Mình tự nhủ hãy sống sao cho xứng đáng để không hổ thẹn với sự hy sinh của họ. Lúc vui, lúc buồn, tôi đều nghĩ về đồng đội và có cảm giác mình còn mắc nợ anh em. Giả sử đất nước có chiến tranh, nếu còn sức khỏe, tôi lại nguyện làm lính biển. Sau này hai con trai lớn lên, tôi cũng sẽ khuyến khích các con làm lính biển”.
Cho đến nay, lòng mong muốn một lần được trở lại Trường Sa để nhìn lại nơi mình đã dấn thân ngày 14/3/1988 vẫn chỉ là mong muốn. Anh chỉ có một bức ảnh chụp trước tượng đài Trường Sa ở quân cảng Cam Ranh.
Bịn rịn mãi mấy ngày ở Quy Nhơn, rồi cũng đến lúc phải chia tay. Sáng cuối ở Quy Nhơn, tôi tới ăn phở ở quán Thoa rồi cùng anh tới một quán cà phê đặc biệt tại Quy Nhơn mang tên “Cà phê chim”. Nó đặc biệt ở chỗ tất cả các bàn cà phê được xếp ở ba góc sân. Khoảng rộng giữa sân là để dành treo các lồng chim chào mào mà các hội viên hội nuôi chim mang đến. Ở đấy vừa nghe chào mào hót vừa thưởng thức cà phê. Khi tôi và Thoa đến, lồng chim chào mào treo gần kín chỗ. Bầy chào mào thi nhau hót vang.
Anh Lê Minh Thoa tâm sự: “Nghĩ lại mình còn may mắn hơn 64 đồng đội đã ngã xuống nơi biển khơi. Mình tự nhủ hãy sống sao cho xứng đáng để không hổ thẹn với sự hy sinh của họ. Lúc vui, lúc buồn, tôi đều nghĩ về đồng đội và có cảm giác mình còn mắc nợ anh em. Giả sử đất nước có chiến tranh, nếu còn sức khỏe, tôi lại nguyện làm lính biển. Sau này hai con trai lớn lên, tôi cũng sẽ khuyến khích các con làm lính biển”.