31 năm sự kiện Gạc Ma - Trường Sa 14/3/1988: Ca mổ ruột thừa hi hữu

Thả hoa đăng tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma tại cửa biển Sơn Trà - Đà Nẵng nhân kỷ niệm 30 năm hải chiến Gạc Ma. ảnh: Nguyễn Thành
Thả hoa đăng tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma tại cửa biển Sơn Trà - Đà Nẵng nhân kỷ niệm 30 năm hải chiến Gạc Ma. ảnh: Nguyễn Thành
TP - Trường Sa tháng 5/1988 sự kiện Gạc Ma. Giữa lúc căng thẳng chuẩn bị đối phó với những diễn biến xấu và giữ đảo thì một cậu lính lên cơn đau ruột thừa. Và đoàn nhà báo ra đảo đúng lúc đã bấm máy ghi lại hình ảnh người bác sĩ đang toát mồ hôi trong phòng mổ.

Những ngày biển động

Thượng tá Nguyễn Đinh Năng rất ngạc nhiên, khi tôi gõ cửa một ngôi nhà trên phố biển Nha Trang để hỏi thăm “có ai biết nhà ông bác sĩ tên Nguyễn Đinh Năng ở đâu không?”. Vì ngôi nhà mà phóng viên gõ cửa lại là nơi mà ông ghé vào để tiêm thuốc cho một bệnh nhân. Sự trùng hợp đó đã giúp tôi mau chóng đối chiếu ông với nhân vật trong tấm ảnh đen trắng chụp sau sự kiện Gạc Ma năm 1988 ở Trường Sa. Bác sĩ Năng gật đầu: “Người trong tấm ảnh đó là anh, ảnh chụp tại đảo Phan Vinh sau ngày Trung Quốc thảm sát bộ đội ở đảo Gạc Ma năm 1988”.

Trở về nhà ở khu Dã Tượng (TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa) và ngồi hồi lâu để nối dòng ký ức, người bác sĩ quân y kể lại: Sau sự kiện Trung Quốc bắn chìm tàu Hải quân 604, sát hại 68 liệt sĩ ở đảo Gạc Ma vào 14/3/1988, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa hết sức căng thẳng. Bộ đàm trong các đơn vị trên đảo Trường Sa luôn vang lên hiệu lệnh “sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo… nhắc anh em bám chốt, không rời vị trí, bảo vệ khí tài đảm bảo chiến đấu!”.

Bác sĩ Năng cho biết, anh em lính trên đảo Phan Vinh phân công nhau thức trắng để dõi mắt ra biển canh gác sẵn sàng chiến đấu. Tàu vận tải của Hải quân khi cập vào đảo có khi phải chờ trời tối rồi tắt đèn, đi vòng để vượt qua vòng vây tàu chiến địch.

Ngày 4/5/1988, hai chiếc tàu 961 và 861 thuộc Lữ đoàn 125 rời Quân cảng Cam Ranh hướng ra Trường Sa. Có mặt trên tàu tuần tra 861 là Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và nhiều lãnh đạo Quân chủng Hải quân. Nhà báo Nguyễn Viết Thái đi trên tàu 961 cùng nghệ sĩ Phạm Đình Quát ở Quốc doanh Nhiếp ảnh Phú Khánh, cố nhạc sĩ Xuân An ở Sở Văn hóa Thông tin, ca sĩ Thanh Thanh, nữ ca sĩ Anh Đào…

Lính trên đảo Phan Vinh vừa đón “khách” thì xảy ra việc một cậu lính trẻ lên cơn đau ruột thừa cấp. Mổ, hoặc nằm chờ chết? Tình huống này đặt vào tay chàng trung úy quân y Nguyễn Đinh Năng.

Quyết định liều lĩnh

Trong tình huống thời chiến, trạm Quân y dã chiến được đặt dưới một căn hầm boong ke âm sâu dưới mặt đất đầy đá san hô. Nhưng Trung úy Quân y Nguyễn Đinh Năng đã táo bạo đề xuất với chỉ huy nên mổ ngay. Cậu lính trẻ được đưa vào một căn phòng lộ thiên tràn ngập ánh sáng mặt trời. Sau này, bác sĩ Năng đã báo cáo lý do mổ trước nòng súng, vì dưới hầm không đủ ánh sáng.

Chuyện mổ ruột thừa hoặc nằm chờ chết? Đó là câu hỏi đặt ra cho Trung úy Năng. Ví lý do, vào thời điểm cách đây hơn 30 năm, do điều kiện thiết bị y tế thiếu thốn, đảo không có điện, thuốc men không đủ cho một ca mổ, không có bác sĩ gây mê, vì vậy việc cầm dao mổ cho một bệnh nhân được xem như đang nắm xác suất 50/50. Nhưng Trung úy Năng vẫn quyết định mổ. Lính tráng trên đảo lôi bộ đồ nghề ra nhúng vào nồi nước sôi để thanh trùng. Những chiếc kéo, khay, dao bốc khói nghi ngút được bê vào phòng mổ.

Ca mổ diễn ra trong không khí im lặng. Nhà báo Nguyễn Viết Thái, phóng viên báo Phú Khánh bước vào phòng và bấm máy ghi lại khoảnh khắc ấy. Anh Thái cho biết, anh hiểu rằng, đó là thời khắc sinh mệnh của người lính nằm trên tay của vị Trung úy Quân y trẻ tuổi. Tấm ảnh này đã được đăng tải trên báo vào năm 1988, đã gây xúc động cho bạn đọc trong đất liền.

Sau 30 phút mổ căng thẳng, Trung úy Năng bước ra khỏi phòng lau mồ hôi, xin 2 điếu thuốc Đà Lạt hút liên tục và hít thở sâu. Ca mổ đã được thực hiện thành công. 60 cán bộ, chiến sĩ trên đảo vui mừng vì đồng đội đã được cứu qua khỏi căn bệnh nặng. Đảo có bác sĩ giỏi đã giúp cho bộ đội phấn chấn hẳn lên. Chỉ huy đảo lập tức tặng cho bác sĩ trẻ phần thưởng đột xuất là 1 kg đường và đậu đen để nấu chè.

Vài hôm sau, bệnh nhân bình phục và tiếp tục công tác. Cậu lính trẻ luôn thể hiện tình cảm đối với người đã cứu mình. Cứ vào buổi chiều, cậu ra biển tìm bắt con cá ngon nhất mang đến tặng cho bác sĩ, dù biết Trung úy Năng không thể nào ăn hết con cá to như con lợn béo.

31 năm sự kiện Gạc Ma - Trường Sa 14/3/1988: Ca mổ ruột thừa hi hữu ảnh 1 Bác sĩ Nguyễn Đinh Năng (bên phải) thực hiện ca mổ tại đảo Phan Vinh ngay sau sự kiện Gạc Ma năm 1988 Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Nhắn gửi người thương

Các nhà báo đã phỏng vấn Trung úy Quân y Nguyễn Đinh Năng sau ca mổ thành công. Trước ngày tàu vận tải quay vào đất liền, Trung úy Năng đã nói nhỏ với nhà báo Nguyễn Viết Thái, “anh mang giúp lá thư này cho em Quảng Thị Phương Dung ở TP Nha Trang”. Anh Thái nhìn ánh mắt bác sĩ trẻ và hiểu được, trong lá thư ấy chứa đựng niềm nhớ thương vô hạn. Trung úy Quân y tâm tình, từng có cô người yêu ở Nghệ An đã quên lời hẹn ước, vì nghiệp lính cứ đi xa, còn cô người yêu ở Nha Trang thì vẫn chờ ngày anh trở về. Cô gái này từng là một bệnh nhân, được Trung úy Năng cầm dao trực tiếp mổ trước ngày ra đảo. Sau khi xuất viện, cô gái đã gặp bác sĩ Năng và nói lời hẹn ước “anh ra đảo, em chờ!”.

Trước ngày ra đảo, Trung úy Năng đã kể lại với người con gái về hoàn cảnh gia đình. Quê anh ở xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Anh nhập ngũ tháng 7/1979. Sau khi tốt nghiệp ngành Y năm 1986, anh được phân công công tác về Vùng 4 Hải quân, đóng tại Nha Trang tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa).

Sau nhiều năm công tác ở đảo Phan Vinh, bác sĩ Năng trở về đất liền rồi kết tóc se duyên với người con gái đã chờ anh bao nhiêu năm. Trước khi về nghỉ hưu tháng 8/2016, ông Năng là Thượng tá, Chủ nhiệm quân y Học Viện Hải quân ở Nha Trang. Sau hơn 30 năm, bác sĩ Năng hy vọng thông qua báo sẽ tìm gặp lại được cậu lính trẻ từng được ông mổ ruột thừa trong thời khắc nước sôi lửa bỏng ở đảo Phan Vinh năm 1988.

Sáng 14/3, Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa (giai đoạn 1984 - 1988) tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.  Dự lễ có gia đình 11 liệt sĩ tại Đà Nẵng cùng các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn công binh 83 Hải quân (tiền thân là Trung đoàn 83). Mọi người cùng nhìn lại tên tuổi của 64 đồng đội đã ngã xuống vào ngày 14/3/1988 giữa đảo đá Gạc Ma (Trường Sa), rồi đi quanh con tàu mô hình HQ - 604 lịch sử. Con tàu này do ông Trần Văn Tiến, một cựu binh Trường Sa thực hiện. Trên tàu, là 64 chiếc bài vị được đặt ngay ngắn. Đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 nhắc lại trận hải chiến Gạc Ma không cân sức 31 năm về trước. Không quên sự anh dũng, kiên cường của lực lượng hải quân Việt Nam chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ông xúc động: “Xin nghiêng mình trước 64 liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ từng tấc đất sải biển của Tổ quốc. Chúng ta xin thề trước những thế hệ đã ngã xuống, đồng thời nhắn gửi thế hệ mai sau: tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền, kiên quyết đập tan mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù nhằm phá hoại nền độc lập tự do của dân tộc!”.

MỚI - NÓNG