Về nơi trẻ lần đầu biết đến Trung thu

Về nơi trẻ lần đầu biết đến Trung thu
TP - “Trung thu là chi hả cô? Trung thu là được cho nhiều kẹo ri hả cô?”... Những câu hỏi dồn dập của một em nhỏ với cô giáo của mình khiến tôi cứ ám ảnh mãi sau chuyến cùng nhóm thanh niên tình nguyện “ánh trăng yêu thương” lên bản Hưng, bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

> Tặng 250 phần quà trung thu cho trẻ em nghèo ở Vĩnh Long
> Hoài niệm Trung thu thời bao cấp

Những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác, đứng im phăng phắc vì lạ lẫm lần đầu biết đến Trung thu. ảnh: Hoàng Nam
Những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác, đứng im phăng phắc vì lạ lẫm lần đầu biết đến Trung thu. ảnh: Hoàng Nam.

Nổi tiếng vì bơi qua sông đến trường

Trước chuyến đi, Phạm Xuân Trung, trưởng nhóm tình nguyện “anh trăng yêu thương” mà nòng cốt là đội hướng dẫn viên du lịch hoạt động trên địa bàn Quảng Bình tâm sự: “Em chưa một lần đến bản Ông Tú, nhưng qua báo chí thấy các em ở đây vất vả quá nên em quyết định làm một điều gì đó. Kinh phí cho chuyến đi chủ yếu là do bọn em đóng góp và kêu gọi từ các nhà hảo tâm. Khi liên lạc với lãnh đạo xã thông báo về chương trình, họ rất mừng và cho biết, vì điều kiện mà các cháu ở đây chưa một lần được đón Trung thu. Thông tin này thôi thúc bọn em quyết tâm hơn”.

Bản Hưng cách trung tâm xã Trọng Hóa chừng 6km, với nhiều đồi, núi khe suối hiểm trở. Từ QL 12A, ô tô chỉ đến được bờ bên này của khe Rào thuộc bản Hưng. Qua khe Rào, đi bộ vượt con dốc chừng 3km mới đến bản Ông Tú và thêm một quả đồi nữa mới đến bản Ka Oóc. Con khe chừng 100m này cách đây hai năm từng nổi tiếng, khi báo chí phát hiện các em học sinh ở đây phải bơi qua khe để đến trường.

Một chiến dịch kêu gọi ủng hộ làm cầu treo qua khe Rào khá rầm rộ nhưng mãi vẫn không đủ số tiền trên dưới 15 tỷ đồng. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định xuất ngân sách cùng với 2 tỷ đồng quyên góp được giao cho huyện Minh Hóa làm chủ đầu tư làm cầu treo qua khe Rào. Hai trụ cầu đã thành hình hài, nghe đâu sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm 2014.

Trước mắt, để khắc phục tình trạng học sinh phải bơi qua sông đến trường, chính quyền địa phương đã đầu tư một con thuyền nhỏ, chở được 5 người qua lại bằng cách kéo cáp. Tuy nhiên, nó cũng chỉ hoạt động được trong những ngày thời tiết bình thường.

Lần đầu biết đến Trung thu

Theo kế hoạch, nhóm tình nguyện sẽ đi từ ngày 16 đến ngày 18/9 để tổ chức ba đêm Trung thu riêng rẽ cho các em ở các bản Hưng, bản Ông Tú và bản Ka Oóc. Tuy nhiên, chương trình phải rút ngắn trong một đêm vì ảnh hưởng của cơn bão số 8. Lãnh đạo xã đề nghị, địa điểm tổ chức ở bản Hưng sẽ dễ tập hợp trẻ và ý nghĩa hơn vì có trường tiểu học. Tuy nhiên, rất tiếc các em ở bản Ka Oóc đã không thể tham gia vì trong buổi chiều trời bắt đầu đổ mưa lất phất.

 Xã có 18 bản trên địa bàn nhưng vì điều kiện, chúng tôi cố gắng lắm cũng chỉ tổ chức được Trung thu cho các cháu ở những bản gần. Còn ba bản này đây là lần đầu tiên. Đêm nay là một đêm thật ý nghĩa, cảm ơn các anh, các chị dành cho các cháu một chương trình ấm cúng và đầy tình thương.

Ông Hồ Phin, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình)

Vừa chập tối, hơn 60 em học sinh ở hai bản Ông Tú, bản Hưng và đông đảo bà con nhân dân đã tề tựu đông đủ ở sân trường tiểu học. Trong ánh trăng mờ ảo, khuất lấp do mây bão, những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác nhìn các anh, các chị tổ chức Trung thu. Đến giờ phá cỗ, các em vẫn ngồi im phăng phắc, mặc cho mọi người mời gọi. Chỉ khi kẹo được phát tận tay, các em mới vỡ òa trong vui sướng, mạnh dạn giao lưu với mọi người. Ngoài bánh kẹo, các em được tặng thêm áo ấm, mũ, gạo và 10 suất quà bằng tiền mặt dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, ông Hồ Phin xúc động nói: “Xã có 18 bản trên địa bàn nhưng vì điều kiện, chúng tôi cố gắng lắm cũng chỉ tổ chức được Trung thu cho các cháu ở những bản gần. Còn ba bản này đây là lần đầu tiên. Đêm nay là một đêm thật ý nghĩa, cảm ơn các anh, các chị dành cho các cháu một chương trình ấm cúng và đầy tình thương”.

Còn cụ Hồ Nhâm (83 tuổi) thì cứ cầm tay từng người trong đoàn: “Cảm ơn cán bộ lắm, cảm ơn lắm. Từ cha sinh mẹ đẻ đến nay tui mới biết Trung thu hắn như răng”.

Trên chuyến đò về lại bản Ông Tú, một cháu nhỏ cứ níu tay cô giáo hỏi: “Trung thu là chi hả cô? Trung thu là được cho nhiều kẹo ri hả cô?”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG