Về Mường Khòong nghe tích 'Chúa Chổm'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tương truyền, lựa thế núi non hiểm trở ở phía Tây tỉnh Thanh Hoá, người phụ nữ đang mang thai xin lánh nạn rồi hạ sinh cậu bé khôi ngô, được dân bản gọi tên là Chù Chốm (sau này gọi lái thành Chúa Chổm). Khi Chù Chốm làm vua, mang theo nhiều của cải báo đáp ơn nghĩa trả “nợ” ân tình cưu mang của đồng bào nơi đây.

Cậu bé lánh nạn trở thành vua

Trước đây đường vào thôn Pốn Thành Công (bản Dôộc xưa kia), xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hoá (thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông) chỉ có lối mòn nhỏ. Người xưa lập bản Dôộc nơi này có lẽ do khu vực được bao bọc, bảo vệ bởi các dãy núi, cùng với hệ thống khe suối cung cấp nước, đất sản xuất thuận lợi cho việc định cư… Theo đó, các tích về Chúa Chổm lánh nạn gắn với nhiều ghi chép về vị trí địa lý của vùng.

Ông Vi Văn Hoà (SN 1962, thôn Pốn Thành Công) cho biết: Tôi được nghe kể lại, từ nhỏ cậu bé Chúa Chổm rất thông minh. Ngày Chúa Chổm rời bản về triều đình, đi đến sông Mã, mặt trời xuống núi, người lấy tay chỉ lên trời và nói: Nếu trời đã sinh ra ta để làm vua thì các vì sao hãy sáng lên. Ngay lập tức, ánh sáng trên bầu trời sáng rực.

Về Mường Khòong nghe tích 'Chúa Chổm' ảnh 1

Ông Hà Nam Ninh với các tài liệu ghi chép chữ Thái

Về Mường Khòong nghe tích 'Chúa Chổm' ảnh 2

Nền móng nhà Phủ Mường Khòong, hiện đang có người dân sinh sống

Về Mường Khòong nghe tích 'Chúa Chổm' ảnh 3

Hiện vật phủ Mường Khòong xưa

Sinh ra và lớn lên ở huyện Bá Thước, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Hà Nam Ninh dành nhiều thời gian để điền dã, sưu tầm, nghiên cứu. Cầm cuốn sách cổ bằng chữ Thái, ông Hà Nam Ninh bắt đầu câu chuyện về Chúa Chổm dưới góc nhìn khác. Ông Hà Nam Ninh cho biết, cuốn sách cổ này được ông sưu tầm tại một gia đình ở xã Lũng Cao - hậu duệ nhiều đời của vị quan tên Hà Văn Yên, thuộc phủ Mường Khoòng xưa. Hai nhân vật được đề cập nhiều nhất là tạo Mường Hà Nhân Chính và quan bản Dôộc Hà Văn Yên vào thế kỷ XVI. Đây chính là 2 quan lại địa phương có công che giấu Vua Lê Trang Tông ẩn náu khi còn nhỏ, vào thời kỳ con cháu nhà Hậu Lê bị nhà Mạc truy sát.

Ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao chia sẻ: Ngày nay, không chỉ riêng thôn Pốn Thành Công, người dân nhiều nơi vẫn lưu truyền chuyện về Chúa Chổm. Nhiều chuyện kể khác nhau, song đều thể hiện niềm tự hào về vùng đất gắn với sự đùm bọc, yêu thương, trưởng thành của một vị vua…

Theo một số người dân vùng Bá Thước và tài liệu cũ ghi chép bằng chữ Thái cho biết, vào thời kỳ loạn lạc, một người phụ nữ mang thai bị truy sát, chạy đến vùng đất Mường Khoòng xin lánh nạn. May mắn gặp được ông quan bản Dôộc tốt bụng, cho người đưa vào tránh trú ở một hang đá, chờ ngày sinh nở. Sau đó, người phụ nữ ấy trở dạ sinh được một cậu bé khôi ngô. Cậu bé được quan bản Dôộc và dân bản chăm sóc, che chở gọi tên là Chù Chốm, theo tiếng Thái địa phương có nghĩa là “giấu trộm”.

Năm 1533, khi cậu bé đã lớn khôn, được quan Tày Ngự Nguyễn Kim cùng các đại thần nhà Lê tìm được, đến đón đi thì mọi người mới biết về thân thế của Chù Chốm. Cậu bé Chù Chốm đó chính là hoàng tử Lê Ninh, con của Vua Lê Chiêu Tông và phi tần Phạm Thị Ngọc Quỳnh. Sau này lên làm vua, ông Lê Ninh lấy tên hiệu là Lê Trang Tông.

Theo ông Hà Nam Ninh thì có thể, khi Chù Chốm được đưa về làm vua, tiếng của người Kinh đọc lệch tên ông thành “Chúa Chổm”. Hiện nay, đồng bào Thái, Mường vùng Bá Thước, Quan Hóa và một số khu vực khác của miền núi Thanh Hoá vẫn lưu truyền câu chuyện này trong dân gian.

Những ghi chép liên quan đến tích Chúa Chổm ở Mường Khòong

Bên cạnh những lưu truyền về tích Chúa Chổm của đồng bào huyện Bá Thước, nhiều tài liệu ghi chép cho thấy Chúa Chổm – Lê Ninh có mối liên quan đến vùng đất này.

Cụ thể như, sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, có ghi: Nguyễn Kim tìm thấy Lê Ninh ở vùng thượng du Thanh Hóa. Ngoài ra, sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn cũng có đề cập đến nội dung tương tự.

Theo lịch sử các triều vua thời Hậu Lê, Vua Lê Trang Tông sinh năm 1515, mất năm 1548, là vị vua thứ 12 của nhà Hậu Lê và là vị vua đầu tiên thời Lê Trung Hưng. Năm 1533, khi 18 tuổi, ông được các công thần đón về làm vua, tái lập nhà Lê để chống lại nhà Mạc, mở ra giai đoạn Nam – Bắc triều.

Cuốn “Địa chí huyện Bá Thước” (Nhà Xuất bản Lao động xuất bản năm 2015), cũng nhắc đến sự kiện ông Lê Ninh được che chở tại vùng Mường Khoòng. Tài liệu trên có ghi: Bá Thước là nơi nuôi dưỡng Chù Chốm tại bản Dôộc thuộc Mường Khoòng. Nơi đây, ông Lượng Quốc Công và ông Tày Ngự đã tìm đến đưa Chù Chốm ra làm vua. Ông Mường Khoòng họ Hà đã kết nghĩa anh em với ông Tày Ngự họ Nguyễn và Lượng Quốc Công họ Trịnh. Mối quan hệ này khăng khít mãi về sau. Ông Mường Khoòng theo vua, được làm quan nội phủ, trông coi công việc bên cạnh Vua. Từ đó có tên Mường Khoòng nội phủ và phủ Mường Khoòng ra đời. Đối chiếu với lịch sử Việt Nam thì Chù Chốm là Vua Lê Trang Tông thời Lê Trung Hưng, ông Tày Ngự là Nguyễn Kim, ông Lượng Quốc Công là Trịnh Kiểm và ông Mường Khoòng là Hà Nhân Chính.

Tài liệu ghi chép cũng cho thấy, phủ Mường Khoòng được lập nên vào giai đoạn Chúa Chổm lánh nạn. Ngày nay, dấu tích phủ này vẫn còn với voi đá, ngựa đá hiện nằm trong khuôn viên của Trường THCS xã Cổ Lũng. Ông Hà Nam Ninh cho biết thêm: Tại làng Eo Kén, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước hiện còn ngôi mộ tương truyền là của mẹ nhà vua. Mộ này vẫn còn phiến đá cao hơn 2m dựng đứng ở phần đầu theo tục chôn cất người Mường, bởi bà Phạm Thị Ngọc Quỳnh là người dân tộc Mường.

Chúa Chổm nợ gì?

Trong nhiều tích về Chúa Chổm ở Mường Khòong xưa và các vùng dân tộc Mường – Thái sinh sống ở các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hoá không thấy nói đến chuyện nợ nần tiền bạc của Chù Chốm.

Tuy nhiên, tài liệu lịch sử địa phương có ghi câu chuyện, sau khi lên làm vua, Chúa Chổm, tức vua Lê Trang Tông nhớ đến công ơn đồng bào đã che chở mình nên sai Thái Ý Lân mang 52 gánh của cải về vùng Mường Khoòng trả ơn. Địa điểm triều đình tổ chức lễ ban thưởng công trạng sau đó được đổi tên thành Ban Công – chính là xã Ban Công, huyện Bá Thước ngày nay. Cả vùng Mường Khoòng sau này được gọi là Quốc Thành (nay gồm 5 xã: Lũng Cao, Thành Sơn, Thành Lâm, Lũng Niêm và Cổ Lũng của huyện Bá Thước– PV) lấy ý từ lời vua Lê Trang Tông rằng “thành quốc, thành nước là từ mảnh đất này”.

Trong lễ ban thưởng, quan bản Dôộc Hà Văn Yên (người từng được Vua Lê Trang Tông gọi là bố nuôi), nhường hết của cải, công lao cho mọi người. Số bổng lộc cũng không thể phân phát cho tất cả những người dân liên quan trong vùng. Có thể vì các chi tiết này mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng như quan niệm dân gian cho rằng, nhà vua vẫn còn nợ rất nhiều. Đó là món “nợ ân tình” không chỉ với người cha nuôi mà với cả đồng bào nơi đây…

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.