Vào vương quốc Thạch Mộc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đất trời ưu ái cho vùng đất nắng lửa, khô cằn Phú Thiện (Gia Lai) những viên đá quý tuyệt đẹp với hai dòng năng lượng gỗ và đá. Gỗ hoá thạch là tuyệt tác tự nhiên mà người dân huyện miền núi này săn tìm, đáng giá cả gia tài.

Cả núi… hóa thạch

Ai đã qua mảnh đất rộng thứ hai cả nước - Gia Lai không thể quên được các cung đường ngoằn ngoèo, đầy đèo dốc. Thời điểm cuối năm, thời tiết Gia Lai gió lạnh buốt tay. Từ đỉnh đèo Chư Sê (huyện Chư Sê) nhìn xuống sẽ thấy trọn cả huyện Phú Thiện như một thung lũng trong tầm mắt. Đây cũng là đoạn đèo đặc biệt nhất của Gia Lai vì nó không chỉ chia cách hai huyện về mặt địa lý mà còn chia cắt cả về thời tiết khi huyện Chư Sê có khí hậu mát lạnh, Phú Thiện lại nóng bức, hanh khô.

Núi Chư A Thai (xã Chư A Thai) được xem như viên ngọc của Tây Nguyên khi có đầy ắp thân gỗ hóa thạch quý giá (được gọi là thạch mộc). Ngọn núi lửa đã dừng hoạt động này sừng sững giữa đất trời với biết bao câu chuyện, sự tích được người dân Tây Nguyên thêu dệt. Giờ đây, chuyện về sự may mắn tìm được khúc gỗ hóa thạch đáng giá cả trăm triệu đồng có sức “nóng” hơn cả. Cùng đó là những nuối tiếc của không ít người khi phát hiện “gia tài” trong rẫy nhưng không biết nên bán giá rẻ.

Vào vương quốc Thạch Mộc ảnh 1

Anh Chuyển nhặt được nhiều viên gỗ hoá thạch (khoảng 100 nghìn đồng/viên) khi đi chăn bò

Vào vương quốc Thạch Mộc ảnh 2

Anh Đỗ Văn Ngọc bên những viên gỗ hoá thạch

Vào vương quốc Thạch Mộc ảnh 3

Tôi gặp anh Chuyển (29 tuổi, xã Chư A Thai) thời điểm giữa chiều, lúc đang chăn bò. Anh Chuyển là người dân tộc phía Bắc do cuộc sống khó khăn nên vào đây định cư, làm ăn. Ngày nông nhàn, anh đi chăn bò và luôn mang theo bên mình cây thuổng nhỏ để săn tìm gỗ hóa thạch. “Mình thả bò dưới chân núi Chư A Thai để tìm gỗ hóa thạch. Hôm nào may mắn tìm được 3 viên. Giá cả sẽ theo cân nặng, viên bằng vốc tay chỉ vài trăm nghìn nhưng viên chục ký trở lên có khi bán được mấy triệu”, anh Chuyển chia sẻ.

Nhìn xa xa về phía núi Chư A Thai, anh kể, ngày trước chỗ nào quanh núi Chư A Thai cũng có gỗ hóa thạch nhưng không ai thèm lấy. Có người nhìn thấy đẹp ẵm về nhà nhưng chỉ để kê bếp, chặn cửa. Có lần trong rẫy một người gần nhà mình trồi lên cục gỗ hóa thạch cả tạ, vài hôm sau người ở đâu vào hỏi mua, họ chỉ bán 200 nghìn đồng, giờ cục gỗ hóa thạch này đáng giá cả trăm triệu đồng.

Bắt đầu từ những năm 2000 khi “dân chơi” đá quý từ Hà Nội, TPHCM về xã Chư A Thai hỏi mua với mức giá chưa nông dân nào nghĩ tới thì gỗ hóa thạch bắt đầu nổi tiếng. Người dân ở huyện nắng lửa bắt đầu tìm kiếm các thông tin về gỗ hóa thạch. Cũng từ đó mà nhiều người may mắn phất lên, thoát cảnh nghèo chỉ sau buổi chiều lang thang quanh núi Chư A Thai.

Vào vương quốc Thạch Mộc ảnh 4

Núi Chư A Thai

Kiệt tác của tự nhiên

Ở thị trấn Phú Thiện nổi lên nghề mài gỗ hóa thạch khoảng chục năm trở lại đây. Anh Đỗ Văn Ngọc có tay nghề, mắt thẩm mỹ nức tiếng trong và ngoài tỉnh. Nghề này kén người nên thời điểm cuối năm không dễ gặp chàng thanh niên 9x này vì lượng đơn đặt hàng mua gỗ hóa thạch về quá nhiều.

Giáo sư Trịnh Dánh, nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng địa chất, thời điểm chưa nghỉ hưu đã làm đề án bảo vệ các di sản địa chất, trong đó có gỗ hóa thạch của Chư A Thai. Giáo sư nhận định, gỗ hoá thạch ở Chư A Thai có niên đại từ 120 đến 125 triệu năm trước. Trước đây Chư A Thai là một rừng nguyên sinh, trong quá trình hoạt động địa chất, cả cánh rừng bị nhấn chìm trong bùn đất, sau đó khoáng chất silic bắt đầu chảy vào thay thế phần hữu cơ trong cây. Sau hàng trăm triệu năm gỗ hoá thạch được hình thành. Giáo sư cũng đã kiến nghị các ngành chức năng cần phải bảo vệ, giữ nguyên trạng núi Chư A Thai để làm bảo tàng thiên nhiên.

Sẩm tối, anh Ngọc vẫn cặm cụi soi đèn mẩn mê ngắm nghía viên gỗ hóa thạch vừa mua được của một người dân tìm thấy trong lúc đào ao thả cá. Chỉ khi nào tìm ra vị trí thích hợp để chà bóng giúp viên gỗ hóa thạch toát lên thần thái anh Ngọc mới nghỉ tay. Thay vì tiếp trà, anh Ngọc dẫn đi giới thiệu, khoe vừa mua được viên gỗ hóa thạch đẹp, nặng gần 2 tạ. “Anh em máy múc, máy ủi ở đây mình biết hết nên khi thấy viên gỗ hóa thạch nào họ gọi mình đầu tiên. Viên này gặp khách bán được cả trăm triệu nên phải tìm điểm mài bóng kỹ lưỡng. Mỗi viên gỗ hóa đá là một kiệt tác của tự nhiên rồi nên không cần chế tác, đục đẽo quá nhiều. Thay vào đó mình nhìn tổng thể, kiếm vị trí chuẩn nhất để mài một diện tích bằng bàn tay phô ra được hết các màu sắc của viên gỗ hóa thạch. Còn lại giữ nguyên hết, làm sạch đất cát”, anh Ngọc chia sẻ.

Kể về duyên đến với nghề mài đá, theo anh Ngọc, trước đây anh đi học ngành lâm nghiệp với mong ước bảo vệ rừng. Năm 2014 ra trường nhưng không tìm được việc, Ngọc phải đi bốc vác mì thuê. Như bao thanh niên khác với khát vọng vươn lên thoát nghèo, anh Ngọc tối nào về cũng thấp thỏm nghĩ cách làm ăn. Một buổi chiều sau giờ làm mệt nhọc, anh Ngọc chợt nghe mọi người trong xóm xôn xao, bàn tán về người đàn ông tìm được viên gỗ hóa thạch bán cho khách ở TPHCM mấy chục triệu đồng. Sau một đêm suy nghĩ, anh quyết tâm vay mượn được một khoản tiền của cha mẹ, bạn bè mua dụng cụ, máy móc để thổi hồn cho thạch mộc. Anh đi khắp các xưởng chế tác đá, lên mạng tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm cho mình.Không phụ lòng người, những sản phẩm đầu tiên của anh đăng trên mạng ngay sau đó được khách ở TPHCM, rồi Hà Nội hỏi và đặt mua.Những “tay chơi” đá sành sỏi góp ý thêm cho anh Ngọc cách làm sao để cho một viên gỗ hóa thạch toát lên thần thái, năng lượng của nó.

Ông Phùng Chung Toàn - Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết, khoảng những năm 1998 khi người dân phát hiện ra gỗ hóa thạch cũng là lúc nghề săn đá phát triển. Việc tìm gỗ hoá thạch rộ nhất vào khoảng năm 2006. Bởi vậy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, nghiêm cấm và xử lý nhiều trường hợp khai thác gỗ hóa thạch, nhưng 20 năm qua nguồn tài nguyên này đã bị khai thác đến cạn kiệt.

Anh Ngọc cho biết, để có được một sản phẩm nghệ thuật, người chế tác cần chọn chính xác vị trí để khi mài bóng sẽ thấy vân đá, màu sắc đẹp nhất, chọn sai vị trí tác phẩm đó vừa xấu vừa có thể phải vứt đi. “Vừa rồi có ông khách mang đến viên gỗ chỉ nặng tầm 30kg thôi nhưng mình ngắm nghía để chà bóng, làm sạch hết cả hai ngày. Làm qua loa, xấu không chỉ khách mà mình cũng rất buồn vì hỏng cả một tác phẩm nghệ thuật”, anh Ngọc nói.

Theo anh Ngọc, cái khó khi chế tác gỗ hóa thạch là phải ngắm nghía, chọn vị trí để mài, chỉ cần dùng sai dụng cụ viên đá sẽ vỡ ngay. Mỗi viên gỗ hóa thạch đã được thiên nhiên tạo tác cho vẻ đẹp tuyệt vời, việc của mình đơn giản nhất là chọn vị trí có thể phô ra tinh tuý, thần thái của nó thôi. Như mới đây có ông đại gia ở Hà Nội vào mua hơn 1 tỷ đồng 5 cây gỗ hóa thạch, mỗi thân gỗ nặng 3 tạ. Với 5 cây gỗ hóa thạch này thì chẳng cần phải làm gì, dựng ở khuôn viên biệt thự là không gì bằng”.

MỚI - NÓNG