Sắc màu kể chuyện đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Qua nét vẽ của họa sĩ Trần Thanh Long, đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán của đồng bào bản địa Tây Nguyên hiện lên sinh động, gần gũi, giản dị mang đậm bản sắc. Tranh có chiều sâu nội tâm, cũng giống như ông, trầm lắng, giản dị nơi đại ngàn nắng gió.

Tận hiến trong từng tác phẩm

Giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), ngôi nhà của họa sĩ Trần Thanh Long rợp bóng cây xanh. Ông ngồi trầm tư giữa gian khách trước những đứa con tinh thần mà hơn chục năm qua, ông dành cả tâm lực để sáng tác. Trong câu chuyện hội họa và cuộc đời, chúng tôi cảm nhận được sự trầm tĩnh, ấm áp ở con người ông. “Tôi mới trở lại niềm đam mê hơn 10 năm nay, trước đó là những tháng ngày lặn lội mưu sinh. Do chuyển biến của cơ chế thị trường, tôi có chút sao nhãng đầu tư, ít có tác phẩm đọng lại”, họa sĩ Trần Thanh Long bộc bạch.

Ông yêu sự bình dị của bà con buôn làng đến những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của họ. Hơn hết, ông yêu cuồng say mảnh đất này, chính điều đó là nguồn cảm hứng giúp ông thổi bùng mạnh mẽ ngọn lửa đam mê; minh chứng bằng khối tài sản lớn hiện tại là hàng chục bức tranh treo kín nhà.

Rất dễ cảm nhận vẻ đẹp bình yên trong tranh của Trần Thanh Long, từ những bức tranh tả thực với cảnh sinh hoạt đời thường. Mỗi cảnh vật, con người ông đều khắc họa rất thật. Với tác phẩm “Trưa hè yên nắng”, ta cảm nhận một buổi trưa mùi nắng, gió của đất trời Tây Nguyên như xộc vào mũi, hai đứa trẻ đứng bên ngôi nhà sàn dài đợi mẹ cha đi rẫy về cùng sum vầy bên mâm cơm. Cảm giác chờ đợi trong khắc khoải, vừa có chút lo âu nhưng cũng rất bình yên.

“Quan điểm sáng tác của tôi rất rõ ràng, chủ yếu vẽ về đề tài dân tộc bản địa với tâm niệm muốn lưu giữ lại nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây”, họa sĩ Trần Thanh Long nói.

Sắc màu kể chuyện đại ngàn  ảnh 1

Họa sĩ Trần Thanh Long vẽ bộ ba bức những cô gái Êđê Bih đánh chiêng

Sắc màu kể chuyện đại ngàn  ảnh 2

Bức “Nụ cười M’nông” giải B khu vực Nam Miền Trung và Tây Nguyên

Học mỹ thuật ở Khánh Hòa, sau khi ra trường, ông có thời gian làm việc tại Sở văn hóa thông tin. Hiện, họa sĩ Trần Thanh Long là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk. Trong ký ức của mình, ông thầm cảm ơn những năm tháng đầy kham khổ, vừa kiếm sống, bươn chải. Vượt lên những ràng buộc của cuộc sống đời thường, người họa sĩ ấy thầm lặng nuôi dưỡng giấc mơ để từ đó được phác thảo niềm đam mê qua nét vẽ. Với ông, hạnh phúc là khi được vẽ. Ông tâm sự, có ngày có thể vẽ cả mấy tiếng đồng hồ, nhưng có ngày không có chất liệu để vẽ. Sau những thăng trầm của cuộc đời, đến bây giờ ngọn lửa đam mê mỹ thuật vẫn luôn hừng hực cháy trong trái tim.

Chất liệu được họa sĩ Trần Thanh Long sử dụng chủ yếu sơn dầu với gam màu nâu vàng trầm ấm, khiến người xem bị lôi cuốn bởi sự nối kết liền mạch sáng tạo của người nghệ sĩ. Cảnh buôn làng thanh bình, ánh nắng vàng xuyên qua những hàng cây rợp bóng mát hắt trên con đường, người mẹ vỗ về đứa trẻ trước nhịp sống êm ả được lột tả qua bức tranh “Đam San của mẹ”. Ẩn sâu trong đó là mơ ước gửi gắm của người mẹ tới con hãy mạnh mẽ kiên cường như chàng Đam San trong huyền thoại.

Họa sĩ Trần Thanh Long đang nung nấu xây dựng những tác phẩm có tầm vóc xứng tầm với Tây Nguyên. Ông mong muốn nền nghệ thuật tỉnh nhà đến với mọi người, bạn bè, du khách gần xa trên mọi miền đất nước.

Các tác phẩm hội họa của ông còn thể hiện thông điệp bảo vệ rừng, thiên nhiên. Đơn cử, tác phẩm “Trái tim người mẹ”, là những trăn trở về sự biến đổi môi trường. Người mẹ dang tay như muốn ngăn chặn nạn phá rừng, giữ môi trường trong xanh này để vẻ đẹp thiên nhiên che chở cho con người.

Đau đáu một vùng đất

Họa sĩ ngồi mân mê bản thảo mới phác họa bằng bút chì, được đặt tên “Tây Nguyên huyền sử”, với nét vẽ hồn hậu và phảng phất chút hoang dại đầy thi vị mang hơi thở nghệ thuật Tây Nguyên. Bức tranh như một câu chuyện kể về không gian sinh hoạt văn hóa: Người già kể sử thi, lễ hội giữa người sống và người chết, trẻ con vui đùa, dụng cụ truyền thống của bà con, cây cổ thụ…Đó là một quá trình được ông chắt lọc từ nhựa sống xung quanh, là những tháng ngày rong ruổi từng buôn làng, bến nước, cánh đồng, lên rừng, lội suối để tìm ý tưởng, xúc cảm cho tranh vẽ của mình, truyền tải hồn cốt vào tác phẩm. “Tây Nguyên huyền sử là bức tranh định hướng mới trong phong cách vẽ của tôi. Bức này tôi hơi tham một chút nhưng vẫn chưa thể lột tả được hết sắc thái, có lẽ sang năm mới vẽ xong”, ông nói.

Chất Trần Thanh Long đậm nét trong mỗi tác phẩm mà ông sáng tác. Những bức vẽ chính là những lát cắt đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, phong tục tập quán của người dân tộc bản địa. Bộ ba bức tranh những cô gái Êđê Bih đánh chiêng, có bố cục giống nhau chỉ khác màu sắc. Theo họa sĩ Thanh Long, ông nhấn mạnh, lặp lại nhịp chiêng hoàn chỉnh để thể hiện tính nghệ thuật. “Tác phẩm này có tên “Trước hiên nhà dài”. Bởi hiên nhà dài là nơi diễn ra các lễ hội, xuất phát khởi nguồn của người Êđê. Ba bức này tôi vẽ đi vẽ lại trong 1 tháng nhưng chưa đã, hiện chưa hoàn chỉnh. Trước mắt là 3 bức, sau này tôi sẽ phát triển thành một bộ”, ông cho biết.

Nhà sưu tập Võ Minh Luân, đang sở hữu bức tranh “Nụ cười M’Nông” chia sẻ: “Tôi sưu tập bức tranh vào một dịp tình cờ khi đọc được trên báo bức tranh đạt giải B khu vực V - Nam Miền Trung và Tây Nguyên. Qua mối quan hệ, tôi đã thuyết phục được hoạ sĩ giao lưu để tôi sưu tập. Biết được tình yêu, đam mê của tôi với văn hoá Tây Nguyên, hoạ sĩ Trần Thanh Long đã hữu duyên cho tôi. Hiện tại Bức tranh được tôi trưng bày ở Ngôi Nhà Choé Đại Ngàn tại thành phố Buôn Ma Thuột”.

Bức tranh “Nụ cười M’Nông” cho người xem cảm nhận một sự sảng khoái vui mừng của cô gái M’Nông giữa cánh đồng lúa mênh mông, mùa màng bội thu; cuộc sống con người chan hòa vui vẻ. Bức tranh khiến người xem có nhiều cảm xúc. Có lẽ đó là sự nhạy cảm của tâm hồn trước vẻ đẹp cuộc đời mà ông muốn lưu giữ bằng tranh. “Nụ cười M’Nông” đã mang đến cho ông giải B (không có giải A) triển lãm khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên năm 2018. Rất nhiều người ngỏ ý mua bức tranh này với mức giá cả trăm triệu đồng nhưng khi biết một nhà sưu tập trẻ tại thành phố Buôn Ma Thuột sưu tầm, ông đồng ý ngay vì không muốn tranh đi khỏi Tây Nguyên.

Bằng việc rong ruổi khắp các buôn làng và cảm nhận, trên cơ sở tư liệu mắt thấy, tai nghe, họa sĩ Trần Thanh Long xây dựng tác phẩm truyền hồn cốt dân tộc vào mỗi sáng tác của bản thân. “Đề tài Tây Nguyên về đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán của dân tộc nơi đây…bao nhiêu đó có thể vẽ cả đời cũng không hết, mặc dù thi vị nhưng khô khan, phải vẽ đúng sắc thái. Tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu tìm hiểu văn hóa truyền thống ấy để lột tả cốt cách, hồn cốt đúng với người dân tộc bản địa”, ông tâm sự.

MỚI - NÓNG