Dịp chuẩn bị kỷ niệm Tết Độc lập 2/9/1990, đang làm việc tại tuần báo Người Hà Nội, tôi đã đến hỏi chuyện nhà thơ Cù Huy Cận lúc đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam về chuyến ông tham gia phái đoàn của Chính phủ Lâm thời vào tước ấn kiếm của vua Bảo Đại, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam.
Mặc dù đã đọc về lễ trao ấn kiếm đó trong cuốn hồi ký “Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc” của cụ Phạm Khắc Hoè - thời điểm diễn ra lễ là Đổng lý Ngự tiền văn phòng (Chánh văn phòng) của vua Bảo Đại, và cũng là một trong số người đứng ra tổ chức buổi lễ nhưng tôi vẫn đến nhà thơ Cù Huy Cận với mong muốn tiếp cận với những chi tiết sinh động hơn.
Từ cuộc gặp gỡ 32 năm trước với nhà thơ nổi tiếng từng tham gia một sứ mệnh chính trị rất đặc biệt đó, tôi chỉ còn nhớ được vài chi tiết, như: Tuy là phái đoàn của Chính phủ Lâm thời, nhưng ba ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận phải mượn một cái ô tô của hãng xe tư nhân để đi từ Hà Nội vào Huế. Và trong lễ trao, ông Cận đã cực kỳ kinh ngạc khi được chuyển cho cầm cây bảo kiếm của nhà vua, ông tò mò rút ra một đoạn để xem thì thấy lưỡi kiếm đã hoen rỉ!
Cách đây ít lâu, tôi đọc được trên một trang mạng một bài viết lớn, khá công phu của ông Tôn Thất Thọ có nhan đề “Vua Bảo Đại trao ấn kiếm như thế nào?”. Trong bài viết, tác giả dẫn lại các đoạn trong hồi ký của các ông Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận, đối chiếu với những chi chép tỉ mỉ về buổi lễ trong một tập tài liệu đánh máy để lưu hành nội bộ trong gia tộc, tựa là “Tôn Nhơn Tộc Sử liệu Hậu duệ hiếu biên”, mà tác giả là một người trong Hoàng tộc là cụ Tôn Thất Tương - người chép rằng cụ đã có mặt trên Lễ đài để tham dự Lễ tuyên bố thoái vị của vua Bảo Đại do lúc đó cụ đang phục vụ tại Ngự Tiền Văn phòng, dưới quyền của người bác ruột là cụ Tôn Thất Thứ, Phó Đổng lý Ngự tiền văn phòng mà bấy giờ cụ Phạm Khắc Hòe làm Đổng lý.
Ông Tôn Thất Thọ đã dẫn lại các lời kể của các nhân vật trên để so sánh và có thể cảm thấy ông tỏ ngầm ý nghi ngờ tính chân thật, ít ra là sự chính xác của đoạn mô tả lễ trao trong hồi ký của cụ Phạm Khắc Hoè.
Ông Thọ dẫn đoạn trong cuốn hồi ký “Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc” của cụ Phạm Khắc Hoè: “…Bảo Đại đọc tờ Chiếu thoái vị một cách xúc động có khi tắt cả tiếng. Bảo Đại đọc xong thì trên kỳ đài cờ vàng của nhà vua từ từ hạ xuống và lá cờ nền đỏ thắm tươi long lanh năm cánh sao vàng được kéo lên giữa tiếng vỗ tay, những tiếng hoan hô như sấm cắt ngang bởi 21 phát súng lệnh vang lên chào quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh.
Tiếng súng lệnh chấm dứt. Bảo Đại hai tay đưa lên trao cho ông Trưởng đoàn Đại biểu chính phủ quốc ấn bằng vàng nặng gần mười ki lô gam và chiếc quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng nạm ngọc. Rồi ông Trần Huy Liệu đọc bản tuyên bố của Đoàn đại biểu Chính phủ…” (Từ triều đình Huế đến chiến khu…, sđd, tr 78).
Đoạn ông Thọ trích từ cuốn hồi ký viết năm 1960 của ông Trần Huy Liệu (có lẽ theo bản Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb Khoa học Xã hội, 1991): “Trong giây phút thiêng liêng, nếu sự việc chỉ có thế thì cũng đơn giản thôi. Nhưng trong đó còn có chuyện khá buồn cười. Hai chiếc kiếm dài nạm ngọc và ấn vàng này theo lời người ta nói đều từ Gia Long để lại tạo nên sau khi đánh đổ Tây Sơn và thống trị cả nước. Cùng với ấn kiếm còn có một túi gấm đựng bộ quân cờ bằng ngọc và những thứ lặt vặt quý giá khác.
Khi tiếp nhận thanh kiếm của Bảo Đại dâng lên thì không có gì đáng kể. Nhưng khi tiếp nhận chiếc ấn vàng, tôi đã phải chịu đựng sức nặng bất ngờ của cái ấn. Chiếc ấn nặng tới 7 ki-lô-gam vàng! Nói thật với các bạn khi giơ hai tay đỡ cái ấn, tôi có ngờ đâu nó nặng đến thế nên không chuẩn bị tư thế từ trước. Tuy vậy khi chiếc ấn nặng trĩu nằm trong tay, tôi phải cố gắng vận dụng hết sức bình sinh để chống đỡ, không để nó trĩu xuống, nhất là đừng để người tôi khỏi nghiêng ngả vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu, mà là tư thế của một vị đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương làm một việc rất quan trọng trong giờ phút lịch sử…” (Hồi ký Trần Huy Liệu, sđd, tr 370).
Và ông Thọ dẫn đoạn tư liệu đánh máy lưu hành nội bộ gia tộc của cụ Tôn Thất Tương: “Buổi chiều ngày Hoàng thượng tuyên chiếu thoái vị, tôi thấy:
- Hoàng thượng đứng chính giữa lầu Ngọ Môn, bận áo vàng, đầu chít khăn vàng, đi hài vàng rất nghi phong.
- Tầng cấp trước nền lầu thấp xuống một bậc và bên trái là 2 ông Cù Huy Cận và Trần Huy Liệu, bận toàn y phục trắng. Cũng tầng cấp ấy bên phải là ông Bộ trưởng của Hoàng thượng tên Nguyễn Duy Quang đứng, cũng bận âu phục trắng.
- Cụ Phạm Khắc Hòe thì đứng bên phải ngài và lui ra sau một bước. Một số cụ bưng khay đựng chiếu thoái vị; chiếu bà con gia tộc. Kiếm vàng, ấn vàng đều có bọc khăn thêu rồng vàng, trong đó có bác tôi (tức cụ TT Thứ- Phó Ngự tiền VP) đứng cạnh cụ Hòe.
Ấn Hoàng đế Chi bửu mà Bảo Đại trao lại cho Chính phủ Lâm thời |
- Góc bên phải lầu Ngọ Môn có các cụ khác ở Đại Nội, trong đó có chú tôi. Tôi cũng lò tò leo lên đến đây, đứng sau lưng chú tôi.
Sau mấy phát lệnh tại chân cột cờ nổ làm hiệu lệnh; cụ Hòe dâng khay đựng chiếu thoái vị lên hoàng thượng. Ngài cầm lấy và tuyên đọc…”
“Rồi ông Phạm Khắc Hòe dâng khay để đựng tờ chiếu ấy lên, hoàng thượng để tờ chiếu tuyên rồi lên khay. Ông Hòe bưng khay chiếu chuyển về. Bác tôi dâng khay đựng ấn vàng lên Hoàng thượng. Ngài tiếp sờ tay lên, rồi bác trao cho ông Nguyễn Duy Quang, ông Quang tiếp ấn vàng, trao lại cho người đại diện Việt Minh thứ nhất.
Tiếp đến, ông Hòe dâng khay đựng kiếm vàng lên hoàng thượng, ngài sờ tay lên kiếm xong, kiếm được chuyển đến ông Quang, ông Quang cầm kiếm trao lại cho người đại diện Việt Minh thứ hai. Rồi bác tôi tiến lên dâng khay đựng tờ chiếu cho bà con hoàng tộc, hoàng thượng tiếp lấy và đọc lời ban chiếu…
Tranh vẽ thời điểm trao ấn đăng trong bài của ông Tôn Thất Thọ được chú thích là nguồn từ Internet |
“Xong, hoàng thượng quay gót hồi loan. Đi sau lưng là ông Bộ trưởng Nguyễn Duy Quang. Còn 2 vị đại diện Việt Minh người bưng ấn, người cầm kiếm xuống lầu Ngọ Môn và bước ra phía cổng trước. Bên này, ông Hòe, bác tôi và các cụ ở Ngự tiền Văn phòng lục tục bước xuống bên sau cửa Ngọ Môn, trở về Đại Nội…” (Tài liệu đã dẫn, bản đánh máy, trang 27)
Những đoạn in đậm trong cả hai trích dẫn là cách nhấn mạnh sự so sánh giữa hai văn bản trong bài của ông Tôn Thất Thọ. Từ đó có thể thấy là trong mô tả của cụ Tôn Thất Tương thì vua Bảo Đại không hề tự tay trao kiếm và ấn cho đại diện của Chính phủ Lâm thời là ông Trần Huy Liệu như chính ông và cụ Phạm Khắc Hoè kể mà chỉ sờ tay vào (một cử chỉ mang tính tượng trưng) để bề tôi của mình trao lại ấn, kiếm.
Gần cuối bài, ông Tôn Thất Thọ dẫn lời của ông Nguyễn Hồng Trân - nguyên Giám đốc Thư viện Khoa học Huế về một vài chi tiết ông Trân cho là không chính xác trong hồi ký của cụ Hoè như số phát súng chào là 21 trong khi thực tế là 7, hay người gắn huy hiệu cờ đỏ sao vàng cho công dân Vĩnh Thuỵ là ông Nguyễn Lương Bằng trong khi đó là ông Cù Huy Cận. Kết bài, ông Thọ nhấn ý rằng những ghi chép của cụ Tôn Thất Tương không giống với chi tiết mà cụ Hoè đã thuật lại rồi lại dẫn lời ông Trân “Lịch sử cần chính xác” để bày tỏ “hy vọng rằng sẽ có thêm tiếng nói của nhiều nhân chứng khác để xác định đâu là sự chính xác của những lời tự thuật này”.
Nghĩ rằng đây là các tình tiết không hề nhỏ nên tôi để tâm tìm hiểu các tư liệu liên quan thì thấy như sau:
Trong bài báo “Những chuyện ít biết về lễ thoái vị của vua Bảo Đại” của tác giả Kiều Mai Sơn đăng trên báo Thanh Niên điện tử ngày 30/8/2020 tại đường link https://m.thanhnien.vn/nhung-chuyen-it-biet-ve-le-thoai-vi-cua-vua-bao-dai-post989370.html có đăng một bức ảnh chụp một khoảnh khắc trong lễ trao ấn kiếm đề là “Tư liệu sưu tầm từ Lưu trữ Cộng hòa Pháp”, trong đó thấy rõ là vua Bảo Đại và ông Trần Huy Liệu cùng đứng trên một bậc (không phải trên và dưới), rất gần nhau và căn cứ vào dáng vẻ hai ông thì có thể thấy nhà vua vừa tự tay trao thanh kiếm cho vị đại diện của Chính phủ Lâm thời.
Hoàng gia trong ngày Bảo Đại thoái vị |
Ảnh tư liệu thời điểm trao kiếm cho đại diện Chính phủ Lâm thời từ Lưu trữ của Cộng hoà Pháp đăng trên báo Thanh Niên |
Chính cựu hoàng Bảo Đại trong cuốn hồi ký “Le Dragon d’Annam” (Rồng Nam) bằng tiếng Pháp “xuất bản ở Pháp năm 1980, đã viết về chi tiết trao ấn trong lễ thoái vị là ông đã đưa chiếc ấn tượng trưng cho quyền hành cho ông Trần Huy Liệu.
Thêm nữa, chính cựu hoàng Bảo Đại trong cuốn hồi ký “Le Dragon d’Annam” (Rồng Nam) bằng tiếng Pháp “ xuất bản ở Pháp năm 1980, đã viết về chi tiết trao trong lễ thoái vị đó như sau: “…Trong một bầu không khí ngượng ngập, tôi đưa chiếc ấn tượng trưng cho quyền hành cho Trần Huy Liệu” (Đoạn hồi ký do Phong Uyên chuyển ngữ và giới thiệu, đăng trên chính trang mạng ông Tôn Thất Thọ đăng bài của mình; Những chữ in đậm là tác giả LXS nhấn mạnh).
Như vậy, có thể thấy các mô tả của cụ Phạm Khắc Hoè và ông Trần Huy Liệu về các chi tiết quan trọng nhất của buổi lễ là đúng với thực tế.