Về Làng Văn hóa xem tái hiện lễ Chôl Chnăm Thmây, lễ Nhô Yàng kòi
TPO - Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), đồng bào Khmer đã tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây. Cùng ngày, du khách được chứng kiến màn tái hiện nghi lễ nông nghiệp truyền thống Mang lúa về kho (Nhô Yàng kòi) của dân tộc Mạ (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).
Tết Chôl Chnăm Thmây là một trong hai dịp lễ Tết lớn của người Khmer, thường được tổ chức vào đầu xuân để đồng bào Khmer bày tỏ tấm lòng biết ơn đến với thần linh, đất trời, tổ tiên đã phù hộ họ trong thời gian vừa qua cũng như là khởi đầu cho năm đầy những điều tốt. Ảnh: Vũ Bảo.
Đối với người Khmer, tháng 4 là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Tại thời điểm này, cỏ cây trở lại tươi tốt và thiên nhiên trỗi dậy sức sống. Với ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa màng mới, lễ hội lớn nhất trong năm - Tết Chôl Chnăm Thmây thường kéo dài từ 10-15 ngày. Ảnh: Vũ Bảo.
Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này chỉ còn 3 ngày. Trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam 2023, đồng bào tái hiện Tết trong ngày 15/04. Ảnh: Vũ Bảo.
Đại lịch được đặt trong khay sơn son thếp vàng đưa lên kiệu khiêng đi vòng quanh chính điện 3 vòng trang trọng thể hiện sự cung kính với đức Phật, vừa là lễ chào mừng năm mới vừa chờ điềm báo năm mới tốt hay xấu, rồi mới vào chính điện làm lễ. Ảnh: Vũ Bảo
Sau khi thực hiện xong nghi lễ, mọi người tiến vào chính điện làm lễ. Vị sư cả tiếp nhận quyển Đại lịch đặt lên bệ thờ, tụng kinh đón vị thần cai quản năm mới và tụng kinh cầu an. Ảnh: Vũ Bảo.
Lễ tắm Phật là nghi thức quan trọng và độc đáo trong dịp Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer ở Nam bộ. Lễ tắm Phật thể hiện đức tin của người Khmer về Phật pháp, đồng thời cầu mong sự bình an đến bản thân và gia đình trong năm mới. Ảnh: Vũ Bảo.
Thầy Trương Pháp - sư cả của chùa Khmer tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam chia sẻ về ý nghĩa lễ tắm Phật. Theo đó mỗi khi từ năm cũ bước sang năm mới cần phải đổi mới, đồng thời nhắc nhở con cháu và phật tử tại gia biết báo hiếu. Ảnh: Vũ Bảo.
Du khách hào hứng tham gia lễ tắm Phật trong Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Vũ Bảo.
Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), nghi lễ nông nghiệp truyền thống Mang lúa về kho (Nhô Yàng kòi) của dân tộc Mạ (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) được tái hiện vào chiều 15/4. Ảnh: Như Ý.
Lễ Nhô Yàng kòi được xem là lễ lớn nhất của đồng bào Mạ trong năm. Thời gian làm lễ cúng thường diễn ra khoảng tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch, khi mà người Mạ đã thu hoạch xong mùa màng. Ảnh: Như Ý.
Theo truyền thống, lễ hội Nhô Yàng kòi kéo dài 3 ngày đêm, có khi cả tuần lễ, chủ yếu là các hoạt động vui chơi của thanh niên. Nhưng ngày nay, việc tổ chức lễ hội thường chỉ diễn ra trong một ngày một đêm. Ảnh: Như Ý.
Để tổ chức lễ, đàn ông Mạ vào rừng chọn những cây tre cao, thẳng đem về khoảng sân để hành lễ. Họ lấy hai cây tre non cao từ 3 đến 4 m chẻ ngọn thành các nhánh được trang trí bằng những hình vuông với các chùm bông tỉa ra. Chính giữa cây tre cắm chùm gai mây tượng trưng cho bông lúa. Ảnh: Như Ý.
Lễ vật tùy theo điều kiện kinh tế của buôn làng mà già làng đứng ra làm chủ tế. Sau lễ chính, mọi người cùng chung vui dự tiệc. Ảnh: Như Ý.
Khách tham quan hào hứng, chăm chú thưởng thức văn hoá cồng chiêng do người dân tộc Mạ biểu diễn. Ảnh: Như Ý.