Sạt lở bờ biển, dân mất nguồn kiếm sống
Phía dưới con đường bê tông ở bờ biển thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh lộ hàm ếch đen ngòm do cát bị xói lở. Hàng chục móng nhà, bậc thềm nhà của người dân bị nứt gãy, hở hàm ếch nham nhở do mất cát ở dưới. Bãi cát trước nhiều căn nhà đã tụt thấp xuống quá nhiều nên phải xếp thêm bao cát làm bậc cấp lên xuống. “Hằng năm cát ở đây đều bị giật ra biển vào mùa biển động, mùa biển yên cát lại được tấp vào, nhưng từ khi có tàu hút cát, cát bị giật ra nhưng không tấp vào nữa”, ông Đặng Văn Sang, một người dân thôn Đông Nam nói.
Trước đây, hàng trăm hộ dân ở xã Đại Lãnh có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề thả chà bắt tôm hùm con. Gần đây, do Cty Phúc Sơn nạo vét cát ở bãi thả chà, nguồn tôm hùm bị mất, người dân bị mất nguồn thu lớn.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, chiều ngày 1/8 và sáng ngày 2/8, nhiều người dân xã Đại Lãnh đi trên gần 30 tàu, thuyền đến khu vực nạo vét cát để phản đối, ném gạch đá, chai lọ vào 3 xà lan của Cty Phúc Sơn, làm vỡ 4 tấm kính chắn gió của xà lan SG 5720. Ngày 2/8, Cty Phúc Sơn phải rút các phương tiện nạo vét cát khỏi vùng biển huyện Vạn Ninh.
Tiếp xúc với phóng viên, chiều ngày 26/8, một người xưng là Phan Văn Vị, trợ lý Tổng GĐ Cty Phúc Sơn nói rằng, khu vực nạo vét cát cách xã Đại Lãnh 8 - 9 km, không thể gây ảnh hưởng đến xã. Tuy nhiên, tọa độ trên bản đồ cho thấy, khoảng cách từ bãi nạo vét cát gần đèo Cổ Mã đến thôn Đông Nam chỉ khoảng 2 - 3 km.
Nạo vét luồng nơi không có luồng hàng hải
Ngày 27/7/2010, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn. Đến ngày 17/12/2012, lệnh cấm được nới lỏng, Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn thuộc các dự án nạo vét cửa sông, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định khối lượng được xuất khẩu đối với từng dự án cụ thể.
Cuối năm 2013, Cty Phúc Sơn đề xuất dự án “Nạo vét khơi thông luồng hàng hải khu kinh tế Vân Phong, kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu” (nạo vét luồng tại vịnh Vân Phong) trên khu vực dài 12,28km dọc bờ biển phía Đông bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh với diện tích hơn 827ha, tổng khối lượng nạo vét 24,348 triệu m3, thời gian nạo vét 3 năm.
Ngày 22/11/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến: Giao UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo thực hiện xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu trong quá trình thực hiện dự án nạo vét luồng tại vịnh Vân Phong, chịu trách nhiệm đảm bảo môi trường, không gây sạt lở bờ biển, không ảnh hưởng đến các dự án kinh tế và du lịch cũng như sản xuất của ngư dân trong khu vực; Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án.
Từ ngày 12/6/2014 đến ngày 5/10/2014, Cty Phúc Sơn đã nạo vét, tận thu và xuất khẩu 17 chuyến tàu cát với khối lượng 415.427m3 cát nhiễm mặn. Theo Cục Hải quan Khánh Hòa, lượng cát này được xuất cho một doanh nghiệp ở Campuchia, 3 chuyến tàu đầu tiên chở cát đi Campuchia, 14 chuyến sau chở đi Singapore. Đầu tháng 8, việc nạo vét cát vừa được triển khai trở lại thì bị người dân ngăn cản.
Theo Cty Phúc Sơn, dự án nạo vét luồng tại vịnh Vân Phong nhằm cụ thể hóa quy hoạch các luồng hàng hải, tăng độ sâu khu vực vịnh Vân Phong để thu hút đầu tư cảng biển và phát triển du lịch. Tuy nhiên, như trên bản đồ thể hiện, khu vực nạo vét cát ở ngoài vịnh Vân Phong, không liên quan gì đến các luồng hàng hải ở vịnh Vân Phong.
Theo ông Lê Văn Khải, Trưởng phòng TN&MT huyện Vạn Ninh, đó là khu vực có sóng gió mạnh nhất, nhiều nhất ở vùng biển Đại Lãnh. “Gia đình tôi mấy đời ở đây, biết rõ chỗ đó là bãi ngang, tàu thuyền không chạy qua đó, sao gọi là luồng hàng hải được”. Ông Ngô Kiệt, người dân thôn Đông Nam nói.
Cuối năm 2014, Cty Phúc Sơn đề nghị mở rộng diện tích nạo vét cát lên 1.213,48 ha, thời hạn hoạt động của dự án cũng kéo dài đến 9,5 năm, kết thúc vào năm 2023. Tổng lượng cát nạo vét, tận thu tăng lên đến 45,592 triệu m3. Đến năm 2023, luồng nạo vét này sẽ phục vụ cho tàu thuyền đi từ đâu đến đâu?
Trả lời câu hỏi này, ông Phan Văn Vị nói rằng có quy hoạch luồng đường thủy nội địa từ bến cá Đại Lãnh đến Hòn Ngang, Bãi Cát Thấm. Luồng đường thủy nội địa cho tàu cá, tàu du lịch có cần nạo vét sâu đến 17 - 20m, trong khi luồng hàng hải vào cảng Ba Ngòi chỉ sâu 7,6 - 10m (tương đương độ sâu tự nhiên ở khu vực nạo vét cát) cũng đủ để tàu đến 50.000 DWT ra vào cảng? Ông Vị không trả lời được câu hỏi này.
Phóng viên đã đề nghị ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Nguyễn Trọng Hòa, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cung cấp thông tin liên quan đến dự án của Cty Phúc Sơn. Nhưng hai ông đều nói, đang tập hợp hồ sơ để báo cáo, chưa thể nói gì.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Khánh Hòa, kết luận trong buổi giao ban Tỉnh ủy tuần qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan phối hợp với chủ đầu tư xem xét lại mục tiêu, hiệu quả thực hiện dự án, các thủ tục thực hiện dự án, ảnh hưởng môi trường, khả năng gây sạt lở của dự án.