VCCI: Tình trạng doanh nghiệp phải nộp 'phí bôi trơn' đã giảm

TPO - Năm 2017, chi phí không chính thức của doanh nghiệp (DN) giảm. Cả 3 chỉ tiêu đo lường về tham nhũng đều giảm (gồm: tỷ lệ DN cho rằng phải chi trả phí không chính thức là phổ biến; tỷ lệ phần trăm trong tổng thu nhập mà DN phải bỏ ra hàng năm để chi các khoản không chính thức cho cán bộ nhà nước và chi trả “hoa hồng” là điều bắt buộc để trúng thầu).

Đó là thông tin được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI)  đưa ra tại lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 sáng 22/3.

Theo VCCI, có 4 xu hướng nổi bật trong môi trường kinh doanh của Việt Nam phản ánh diễn biến chính sách bắt đầu từ năm 2016 dưới nhiệm kỳ lãnh đạo mới. Việc quyết liệt chống tham nhũng trong 2 năm qua  bằng việc quyết liệt điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng đã giúp tăng cường minh bạch thông tin và nâng cao tính trách nhiệm của bộ máy công quyền.

Ngoài ra, DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đánh giá, chi phí không chính thức đã giảm dần. Tỷ lệ DN phải chi trả “phí bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan giảm từ 56,4% năm 2016 xuống 53% năm 2017. Trong tiếp cận đất đai, tình trạng chi phí không chính thức giảm từ 22,6% năm 2016 xuống còn 17,5% năm 2017.

“Quy mô chi phí không chính thức có chiều hướng giảm. Các hành vi tham nhũng vặt ngày càng dễ đoán hơn giúp DN dễ dàng đối phó”, đại diện VCCI đánh giá.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính cũng được cải thiện. Từ đầu năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một loạt sáng kiến nhằm giảm gánh nặng thủ tục hành chính và đạt được một số thành tựu. Lần đầu tiên trong nửa thập kỷ qua, thủ tục hành chính nhận được sự ghi nhận của DN. Chỉ 30% DN cho biết phải dành 10% để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật; 72% DN đánh giá cán bộ công chức hoạt động hiệu quả; 52% DN đánh giá thủ tục đơn giản và 92% đánh giá phí, lệ phí công khai.

“Đây là những con số kỷ lục từ trước tới nay”, đại diện VCCI đánh giá.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, PCI năm 2017 có nhiều khởi sắc với điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ khi thực hiện.

“Hầu hết các tỉnh đều tăng chỉ số chứng tỏ môi trường kinh doanh ở các địa phương đã cải thiện dưới sự điều hành của Chính Phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hành trình “chuyển lửa” về các địa phương đã có kết quả tích cực”, ông Lộc cho biết.

Ngoài ra, trong hành trình cải thiện môi trường kinh doanh, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều bứt phá, rút ngắn khoảng cách với DN tiên phong.

Theo ông Lộc, với những thay đổi trên, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy. Có tới 52% DN tư nhân trong nước và 60% DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây.

MỚI - NÓNG