Ngộp thở vì nợ
Mân mê chiếc điện thoại với hàng loạt tin nhắn đòi nợ của các công ty cho vay “nóng”, chị Lê Thị H. (ngụ hẻm Sinco, Q.Bình Tân, TPHCM) kể:, “Đầu tháng 3 năm nay, chồng mất việc do công ty giảm công nhân, tôi cũng không thể bán hàng rong được do yêu cầu hạn chế ra đường do COVID-19. Hàng loạt khoản nợ đổ xuống từ tiền thuê nhà trọ, tiền chữa bệnh, tiền gửi về quê… Đang lúc túng thiếu, tôi tình cờ thấy app vay nhanh không cần thế chấp, lãi suất thấp liền đăng ký vay".
“Tôi vay 4 triệu đồng trong 7 ngày với lãi suất 0,02%/ngày, nhưng thực tế chỉ nhận được 2,5 triệu đồng. Số tiền 1,5 triệu đồng bị trừ, nhân viên cho biết đó là phí thẩm định và tiền lãi thu trước (tương đương lãi suất 5,5%/ngày, tức 165%/tháng). Đến hạn chưa có tiền, tôi vay app khác để 'xoay' nợ cũ. Tôi vay 5 triệu đồng, thực lãnh chỉ 3,5 triệu. Như con thiêu thân, hết app này tới app khác lấy đầu nọ đắp đầu kia, giờ số tiền tôi nợ đã hơn 20 triệu đồng” – chị H rớm nước mắt.
Thất nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, chị Võ Thị Hà (ngụ Q.Thủ Đức, TPHCM) vào một web vay tiền "nóng". “Web này giới thiệu là công ty tài chính, đối tác của nhiều ngân hàng (NH) lớn nên tôi tin tưởng, nhiều khoản vay trả góp lãi suất khoảng 20%/năm”– Chị Hà kể. Vay 3,5 triệu đồng nhưng chị Hà chỉ nhận 2,3 triệu đồng, lãi 23.000 đồng/ngày, khoảng 1%/ngày (tương ứng 365%/năm). Tiền gốc và lãi chỉ phải trả đủ trong vòng 14 ngày.
Nguyễn Lệ C (20 tuổi, sinh viên một trường ĐH tại TPHCM) vẫn chưa hết ám ảnh khi bị app vay tiền “truy đuổi”. “Mặc dù quảng cáo cho vay với lãi suất 0% nhưng tôi vẫn mất tới 600.000 đồng cho các khoản phí trong vòng 20 ngày, tương đương với lãi suất lên đến 69%/tháng, tức khoảng 831%/năm. Tới ngày chưa có tiền trả sẽ bị phạt 120.000 đồng/ngày; tôi còn bị khủng bố tin nhắn, điện thoại ngày đêm, ngay cả bạn bè của tôi cũng bị vạ lây” – C nói.
Trong vai người cần tiền, PV báo Tiền Phong liên lạc qua điện thoại với nhân viên một app cho vay tiền mặt. Tôi đề xuất vay 8 triệu đồng, thời hạn 10 ngày. Nhân viên cho biết, khách chỉ phải trả lãi 200.000 đồng.
Nghe có vẻ nhẹ nhàng, song nhiều người đã vay chia sẻ, nếu cộng các khoản phí vào thì vô cùng lớn. Chẳng hạn, phí dịch vụ cho khoản vay này là 500.000 đồng, phí tư vấn 2 triệu đồng trừ ngay vào khoản vay; đến cuối kỳ, khách vẫn phải trả đủ 8 triệu đồng. Nếu không trả đúng hẹn, lãi cộng thêm 150.000 đồng/ngày.
“Tín dụng đen” trá hình
Gõ từ khóa “vay trực tuyến” trên Google, 101 triệu kết quả hiển thị trong 0,74 giây. Trên kho ứng dụng Apple Store hay CH Play cũng có hàng loạt ứng dụng cho vay online.
Điểm chung của các app, web cho vay là đánh vào tâm lý cần tiền gấp của khách hàng, nhất là trong dịch COVID-19 khiến nhiều người thất nghiệp, lâm nợ. Muốn vay, khách hàng phải chấp nhận để ứng dụng được phép truy cập dữ liệu danh bạ trên điện thoại.
Thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại An ninh Nhân dân nhìn nhận, vay qua app hạn mức rất thấp, chỉ 3-7 triệu đồng nhưng lãi suất thường “cắt cổ”, từ 130-150%/ tháng, thậm chí 1.000%/năm; chưa kể phí phạt đóng trễ rất cao.
Theo TS Lâm, bên vay dùng đủ các chiêu trò để “chặt đầu, chặt đuôi” người vay. Cụ thể, số tiền thực lãnh thường thấp hơn số đi vay; thời gian cho vay ngắn, chỉ tính bằng ngày nên khả năng “xoay” để trả rất khó khăn. Khi vay qua app, toàn bộ danh bạ trong điện thoại của khách hàng bị sao chép, nội dung tin nhắn người vay lọt ra ngoài; điện thoại của khách hàng bị định vị...
“Theo tôi biết, các công ty cho vay kiểu này đa phần do các đối tượng “xã hội”, có máu mặt và tín dụng đen thành lập nên thường xuyên đe doạ, quấy rối người vay chậm thanh toán. Khách hàng là người bị thiệt thòi rất lớn, khả năng “ôm nợ” do lãi sinh lãi, hoặc bị quấy nhiễu, đe dọa, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng rất cao” – TS Việt Lâm chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người gặp khó khăn, cần vốn đột xuất đã “cầu viện” các kênh vay “nóng” bên ngoài, vay qua app.
“NHNN đã nhiều lần cảnh báo về biến tướng của hoạt động cho vay này khi một số đối tượng có thể núp bóng “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cho cả người vay và người cho vay. Để hạn chế tín dụng đen, cần phát huy hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng uy tín, đồng thời kiểm soát rủi ro, hạn chế tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng” - ông Minh khuyến cáo.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương vừa khuyến cáo mọi người nên cảnh giác với việc vay tiền trực tuyến trong mùa dịch COVID-19, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu không rõ ràng. “Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trường hợp gặp khó khăn về tài chính, không thể đảm bảo khả năng trả nợ, người tiêu dùng nên chủ động liện hệ với đơn vị liên quan để đề xuất giải pháp hỗ trợ xử lý giãn nợ, tránh tình trạng để trả quá hạn dài ngày, phát sinh các khoản tiền phạt và các trách nhiệm pháp lý liên quan” – Cục này nhấn mạnh.