Vay 16 triệu USD biên soạn SGK: Không làm được sách, cần công khai các khoản chi

Dư luận đang quan tâm số tiền 16 triệu USD sẽ được chi cho việc gì khi Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn SGK mới Ảnh: PV
Dư luận đang quan tâm số tiền 16 triệu USD sẽ được chi cho việc gì khi Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn SGK mới Ảnh: PV
TP - Theo nhiều chuyên gia, Bộ GD&ĐT cần công khai, minh bạch thông tin về Dự án đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó có khoản vay 16 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho việc biên soạn một bộ SGK.

Trước việc Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn một bộ SGK như dự kiến mà định tái cơ cấu 16 triệu USD tiền vay cho nhiều hạng mục khác, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên tái cơ cấu tiền vay vì trước khi thực hiện các nội dung, hạng mục đều có dự trù chi phí.

Tháng 1/2017, Bộ GD&ĐT khởi động dự án vay WB 77 triệu USD để đổi mới chương trình GDPT (CT). Số tiền đó đã được chia làm 4 cấu phần. Phần 1 trị giá 16,4 triệu USD hỗ trợ phát triển CT, gồm xây dựng CT tổng thể, CT môn học và thực hiện CT. Phần 2 trị giá hơn 20 triệu USD gồm hỗ trợ biên soạn và thực hiện SGK, chi 4,5 triệu USD mua sách cho học sinh vùng khó khăn và 16 triệu USD cho việc biên soạn một bộ SGK do Bộ GD&ĐT thực hiện.

Phần 3 trị giá 37,5 triệu USD nhằm hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến CT và chính sách GDPT, trong đó, 18,5 triệu USD dành cho việc xây dựng Trung tâm Quốc gia Phát triển Bền vững chất lượng GDPT và Trung tâm Quốc gia Khảo thí ngoại ngữ. Phần 4 trị giá gần 3 triệu USD là chi phí cho việc quản lý dự án.

Tuy nhiên, sau đó, Bộ GD&ĐT không thu hút được chuyên gia, tác giả biên soạn sách; các bộ SGK được xã hội hoá hoàn toàn. Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông - Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ dự định bàn bạc lại với WB nhằm tái cấu trúc kinh phí dự án để chi 16 triệu USD tiền vay sang các việc khác như: chi tập huấn giáo viên, mua thêm SGK cho học sinh nghèo vùng khó…

Nên cân đối hợp lý khoản vay

Một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng, cách lý giải của Bộ GD&ĐT về việc dự định chi số tiền chưa rõ ràng, chưa thuyết phục, cần có sự công khai, minh bạch hơn. Cụ thể, trong số kinh phí điều chỉnh có một phần chi cho tập huấn giáo viên.

Thời điểm này giáo viên các địa phương chưa tập huấn về SGK. Hơn nữa, việc tập huấn SGK được giao cho các NXB chịu trách nhiệm từ in ấn tài liệu đến tập huấn phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, tập huấn về chương trình cho giáo viên đã có kinh phí ở cấu phần 1. “16 triệu USD là con số không hề nhỏ, khi không thực hiện SGK nên có tính toán cân đối hợp lý cho khoản vay”, chuyên gia này nói.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT, nhận định, có thể dự án được thiết kế từ nhiều năm trước, khi chưa có thông tin về việc thực hiện nhiều bộ SGK, bởi nếu ở giai đoạn sau này, không nên vẽ ra khoản tiền hỗ trợ xây dựng SGK phục vụ chương trình mới. Việc biên soạn SGK là do các NXB chi tiền mời chuyên gia viết, biên tập, thẩm định nội bộ, chỉnh sửa sau đó mới đem đi thẩm định. Đây là hoạt động kinh doanh có lãi của doanh nghiệp.

Theo TS Vinh, khi thiết kế dự án, vấn đề bối cảnh được phân tích kỹ để xác lập mục đích của dự án cùng các hoạt động kèm theo là nguồn lực tài chính, nhân sự. Hoạt động dự án thay đổi buộc phải điều chỉnh một số chỗ cũng là bình thường. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần xác định lại vấn đề, xem dùng nguồn tiền vào mục đích gì phù hợp.

“Nếu hỗ trợ một phần kinh phí trong 16 triệu USD đó cho việc thẩm định, đánh giá nâng cao chất lượng sách là không cần thiết. Nếu có hỗ trợ thì nên bù giá cho chính học sinh vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn”, ông Vinh nói. Theo ông Vinh, Bộ GD&ĐT cần công khai, minh bạch thông tin về Dự án đổi mới GDPT, trong đó có khoản vay 16 triệu USD.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về cơ chế quản lý chi tiêu đối với các cấu phần của dự án, ông Thành nói rằng, chi tiêu đối với các cấu phần dự án có sự giám sát kỹ của nhà tài trợ cũng như Bộ Tài chính; hoạt động đấu thầu được công khai trên mạng đấu thầu toàn cầu…

Theo ông, không làm sách nên Bộ GD&ĐT phải tái cơ cấu sang các đầu việc khác. Bộ vẫn tiếp tục đàm phán với WB đến ngày 6/12.

“Số tiền 16 triệu USD thực chất là đang trên kế hoạch thiết kế, nhưng khi thực hiện các đầu việc thấy hợp lý, khả thi thì mới được WB giải ngân, chứ không phải Bộ GD&ĐT đã được nhận số tiền 16 triệu USD và không làm SGK thì thừa ra làm việc khác. Tất cả mọi việc thực hiện theo mục tiêu của dự án và sự giám sát chi tiêu của Bộ Tài chính và WB”, ông Thành nói.

MỚI - NÓNG