Giữa trời nắng gió, anh Y Bret Kbrông (28 tuổi, Cư Êbông, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và nhóm người cùng buôn vẫn vắt vẻo trên thang hái tiêu.
Mùa thu hoạch tiêu trúng mùa gió thổi mạnh |
Anh Y Bret cho biết, mùa thu hoạch hồ tiêu đã vào vụ gần 2 tháng nay. Sau khi thu hoạch xong hồ tiêu cho gia đình, anh Y Bret cùng những người trong buôn rủ nhau đi hái thuê, kiếm thêm thu nhập.
Anh Y Bret nói thêm, công việc hái tiêu không quá mệt nhọc nhưng dễ gặp tai nạn do ngã hoặc bị thang đập vào người. Bản thân anh, cách đây 2 năm trong lúc di chuyển chiếc thang không may bị ngã, đập vào đầu, phải khâu 3 mũi.
Anh Y Bret từng bị chiếc thang đập vào đầu |
Để hạn chế đứng trên thang cao lâu, mỗi trụ tiêu thường có 2-3 người hái |
“Sau lần bị thang đập vào đầu, mình càng cẩn thận hơn mỗi khi di chuyển hoặc trèo lên thang. Thậm chí, nhiều lúc gặp gió to, mình còn dùng dây thừng buộc thang vào trụ tiêu cho chắc chắn”, anh Y Bret nói và cho biết thêm, do hồ tiêu leo theo cây sống nên mỗi năm sẽ cao thêm một đoạn.
Có những trụ tiêu cao tới 10m, người hái phải đứng trên thang cao từ 6-7m để hái. Những lúc gió to, chông chênh rất dễ ngã; hoặc khi trưa nắng, người đã thấm mệt, rất dễ gặp tai nạn.
Mùa thu hoạch tiêu thường kéo dài 3 tháng |
Cùng nhóm chuyên hái hồ tiêu thuê với anh Y Bret là vợ chồng chị H Buốt Byă (24 tuổi, trú cùng buôn). Chị H Buốt chia sẻ, gia đình ít đất canh tác nên vợ chồng chị đi làm thuê khắp nơi kiếm tiền nuôi con.
Mùa nào việc đó, trong đó, hái tiêu với chị là công việc nguy hiểm vì phải đu mình trên thang. Là phụ nữ, chị H Buốt được ưu tiên hái dưới thấp. Tuy vậy khi gặp những vườn tiêu toàn cây cao, chị cũng bắc thang vắt vẻo hái cùng mọi người.
Chị H Buốt được ưu tiên hái tiêu ở tầm thấp |
Công việc tuy vất vả, rủi ro nhưng bù lại, mỗi ngày, người hái tiêu thu hoạch kiếm được 220 nghìn đồng. Sau khi hái hết khu vực gần nhà, nhóm hái tiêu của anh Y Bret tiếp tục đến các huyện khác trong tỉnh, thậm chí sang tỉnh khác tìm việc làm thuê.
Mùa hái tiêu tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động |
Tại xã Ea Ning (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk), những ngày này cũng có đông lao động địa phương và từ nhiều nơi đến thu hoạch hồ tiêu.
Ông Phạm Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ning cho biết, toàn xã có khoảng 980 héc-ta hồ tiêu đang cho thu hoạch, đây là vùng trọng điểm hồ tiêu của huyện Cư Kuin, mỗi năm có hàng trăm lượt nhân công từ nơi khác đến hái thuê. Việc hái tiêu gặp nhiều rủi ro về tai nạn lao động do đặc thù các vườn tiêu trồng trên trụ sống nên rất cao.
Do đặc thù nên người thu hoạch phải sử dụng thang để hái tiêu |
Ông Thủy thông tin, mỗi vụ thu hoạch tiêu có nhiều trường hợp bị tai nạn dẫn đến chấn thương nặng, thậm chí tử vong. Đơn cử, năm 2022, trên địa bàn xã đã có hai trường hợp bị tử vong do ngã khi đang hái tiêu. Mới tháng 2/2023, có bà T.T.H. (SN 1974, trú thôn 24) tử vong do bị chiếc thang hái tiêu đổ vào đầu.
Theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hằng năm bệnh viện tiếp nhận từ 20 - 30 ca bị tai nạn trong quá trình hái tiêu. Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 3 ca bệnh đều chấn thương cột sống cổ, bệnh nhân đã xin chuyển vào TPHCM để điều trị, tuy nhiên tiên lượng xấu, có khả năng bị liệt tứ chi, liệt hô hấp, tổn thương tủy…
Mỗi năm có hàng chục vụ tai nạn khi hái tiêu |
Bác sĩ Nguyễn Đại Phong- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho hay, những thương tích khi té từ độ cao nhẹ thì gãy tay, gãy chân, nặng bị gãy cổ sẽ dẫn đến liệt tứ chi, để lại những thương tích rất nặng nề và có thể tử vong thời gian ngắn sau đó. Một số trường hợp khác bị tổn thương đốt sống thắt lưng, việc phẫu thuật, điều trị bệnh vô cùng phức tạp và rất tốn kém.
Người dân vắt vẻo trèo lên thang cao để thu hoạch tiêu |