Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát triển ra loại vật liệu hữu cơ khá giống cao su với đặc tính đàn hồi cao, điểm thú vị là khi kéo giãn hoặc nén lại thì sẽ sinh ra điện. Loại vật liệu mới mỏng và rất linh hoạt, nhưng lại khó sản xuất. Khả năng chuyển đổi lực cơ học thành năng lượng điện trở thành đặc tính đáng giá có thể áp dụng rộng rãi khi mà kỹ thuật sản xuất đạt những tiến bộ mới.
Hiệu ứng áp điện vốn đã xuất hiện trong các máy ghi âm với việc đầu kim chạy theo các rãnh trên đĩa để tạo ra rung động cơ học. Những rung động này sau đó được chuyển đổi thành xung điện, rồi khuếch đại lên thành sóng âm.
Tuy nhiên ở trường hợp này, các nhà nghiên cứ từ Empa, Phòng thí nghiệm Khoa học vật liệu và Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ đã tạo ra vật liệu vượt xa ý tưởng ứng dụng thông thường.
Đầu tiên, họ tạo ra một tấm phim mỏng đàn hồi rồi kết hợp với các hạt nano và silicon. Sau đó, để tạo ra tính năng áp điện, họ đưa một điện trường vào vật liệu bằng cách đốt nóng nó ở nhiệt độ cao. Cuối cùng, tấm phim được làm lạnh về nhiệt độ phòng.
Trong tương lai, vật liệu mới có thể được tăng cường độ linh hoạt và tính chất hữu cơ cho phép ứng dụng đa dạng vào cuộc sống. Nó có thể sử dụng trong thiết bị y học, như máy điều hòa nhịp tim, cảm biến áp lực.
“Loại vật liệu này thậm chí còn có thể dùng để lấy năng lượng từ cơ thể, ví dụ chuyển đổi từ nhịp tim”, Opris, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết. Chưa kể, chúng có thể được tích hợp trên quần áo, hoặc tạo ra loại bề mặt tương tác thú vị.