Như vậy, 12 nước đang trên lộ trình hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn về chính sách tỷ giá và cam kết không sử dụng chính sách với đồng nội tệ của mình để tăng khả năng cạnh tranh. Reuters dẫn một nguồn tin, thỏa thuận này được thực hiện song song với TPP.
Bình luận về cam kết này, tại bản nghiên cứu về ảnh hưởng TPP với Việt Nam, Công ty chứng khoán HSC nhìn nhận: “Về thông tin của Reuters, đây có vẻ là một cam kết công bằng với ý định tốt nhưng không rõ cơ chế thực thi sẽ như thế nào.
Chúng tôi cho rằng, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng từ cam kết này, vì những năm gần đây Việt Nam chỉ điều chỉnh tỷ giá với tốc độ khá chậm, ít nhất là cho đến khi đồng nhân dân tệ bị phá giá mạnh. Tuy nhiên, cam kết này sẽ gây khó khăn cho Việt Nam nếu muốn điều chỉnh mạnh tỷ giá trong tương lai”.
Về TPP, vừa qua, Blooomberg cũng dẫn thông tin cho biết, Việt Nam và Malaysia - hai nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu - đã cam kết không phá giá nội tệ để tạo lợi thế cạnh tranh với các nước.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, có thể nói các chính sách về điều hành tỷ giá của ngân hàng nhà nước trong các năm tới sẽ theo các chuẩn mực chung của các nước thành viên TPP.
Việc tỷ giá hối đoái của một nước được định giá thấp sẽ tạo ra lợi thế rất lớn là khiến giá xuất khẩu hàng hóa của nước đó rẻ hơn so với các nước còn lại.
Hiện chương về dịch vụ tài chính của TPP vẫn chưa được công bố chi tiết nhưng nhiều phân tích cho thấy, có khả năng TPP sẽ cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài bán dịch vụ của mình sang thị trường các quốc gia thành viên khác mà không cần phải thành lập chi nhánh tại đó.
Điều này đồng nghĩa với việc, sau khi cho phép các NH nước ngoài thành lập NH con theo thỏa thuận khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhiều khả năng Việt Nam sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm đa dạng hơn của các NH ngoại tại Việt Nam mà không cần nhìn thấy cơ sở hoạt động của họ tại Việt Nam.