Bỏ hoang đất vàng khu công nghiệp - Bài cuối:

Vào được đất vàng, tự do xả thải

Hệ thống nước thải của KCN Khánh Phú (Ninh Bình) hoạt động lèo tèo vì DN không hợp tác.
Hệ thống nước thải của KCN Khánh Phú (Ninh Bình) hoạt động lèo tèo vì DN không hợp tác.
TP - Khu công nghiệp (KCN) có hệ thống nước thải tập trung, doanh nghiệp (DN) không chịu đấu nối để xử lý. Thậm chí có khu xử lý nước thải tập trung còn xả thải trộm ra môi trường khiến cuộc sống của người dân khốn đốn.

Có sự cố mới cần đến khu xử lý nước thải

Vừa qua, người dân sống xung quanh KCN Khánh Phú (Ninh Bình) liên tiếp tập trung trước một số công ty phản đối việc xả thải trực tiếp ra kênh, làm đảo lộn cuộc sống của gần 1.500 hộ dân (phản ánh trong bài viết 60% DN FDI xả thải vượt chuẩn, đăng trên Tiền Phong nhật báo).

Thực tế, KCN Khánh Phú có hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng DN không mặn mà. Được xây dựng năm 2008 với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, nhà máy có công suất lên tới 15.000m3 nước/ngày đêm. Từ khi vận hành (năm 2010) đến nay, bình quân nhà máy chỉ xử lý khoảng 4.400m3/ngày đêm, do nhiều DN không đấu nối.

Trong chuyến đoàn thanh tra liên ngành của Bộ TN&MT cùng UBND tỉnh Ninh Bình thanh tra quá trình thực hiện quy định xử lý nước thải tại KCN Khánh Phú, ông Nguyễn Thanh Long (Phó Giám đốc Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam  đồng thời là chủ nhà máy xử lý nước thải tại Khánh Phú) phản ánh với đoàn những DN không đấu nối xử lý nước thải. Dưới sự giám sát của Ban quản lý KCN Ninh Bình, đại diện doanh nghiệp Thành Nam  và Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền đi đến thỏa thuận cho lắp đặt điểm đấu nối xả thải. Tuy nhiên, phía Bình Điền mới lắp đường ống từ nhà máy ra ngoài và đấu vào đường ống thu gom của Thành Nam. Đến thời điểm này, đôi bên vẫn chưa thống nhất được việc đấu nối đồng hồ đo đếm.

Trong 324 KCN đã được thành lập trên cả nước mới có 187 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh, đi vào vận hành. Gần 40% KCN hiện nay chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

“Suốt 3 năm qua, tôi đã trực tiếp đi khảo sát, lên dự toán và rồi... xếp hồ sơ vào tủ. Cứ ít bữa, phía Bình Điền lại gọi, làm dự toán rồi chả đi tới đâu cả. Mới đây, chúng tôi tiếp tục thiết kế cho Bình Điền hệ thống đường ống thu gom nước mặt. Tuy nhiên, Họ nói, khi nào có sự cố sẽ nhờ đến Thành Nam”, ông Long cho biết.

KCN Dệt may Phố Nối B (Hưng Yên) có khu xử lý nước thải tập trung, hoạt động nhiều năm nhưng doanh nghiệp ở đây vẫn xả thải ra môi trường, khiến dân khốn đốn, phải bỏ ruộng, bỏ đất vì không canh tác được. Năm 2014, Đoàn thanh tra của Tổng Cục môi trường (Bộ TN&MT) từng bắt quả tang ông Trần Quốc Việt, cán bộ kỹ thuật trực vận hành hệ thống xử lý mở van xả trái phép nước thải qua đường ống có đường kính 300mm. Thừa nhận với Đoàn thanh tra, ông Việt cho biết dự kiến sẽ xả là 3.500m3 và xả liên tục trong 4h. Tại thời điểm bắt quả tang, nước thải có màu đen, nhiều vẩn đục, bốc mùi hôi thối.

“KCN Dệt may này có nơi xử lý nước thải cho 11 doanh nghiệp mà vẫn xả thải trộm ra môi trường. Chúng tôi sống xung quanh KCN rất khổ”, anh Nguyễn Hoàng Lập, người dân sống gần KCN Dệt may Phố Nối bức xúc.

40% KCN không có hệ thống xử lý nước thải tập trung

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến tháng 9/2016, trong tổng số 324 KCN đã thành lập trên cả nước mới có 187 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh, đi vào vận hành. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT: Kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng hệ thống nước thải tập trung của các địa phương chưa có khu xử lý nước thải tập trung tại KCN; Khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại KCN.

Ông Vũ Quốc Huy, Vụ phó Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) cho rằng, vấn đề xử lý nước thải, bảo vệ môi trường là một trong những tồn tại, hạn chế của việc quản lý các KCN hiện nay. Theo nguyên tắc, khi KCN thành lập, hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, phụ thuộc vào quy định pháp luật bảo vệ môi trường của từng thời kỳ nên một số KCN vẫn được hoạt động khi chưa có khu xử lý nước thải. Một số KCN ít xả thải, trong khi các nhà máy có hệ thống xử lý nước thải  nên dù không có khu xử lý vẫn được hoạt động.

“Theo định hướng của Chính phủ, trong 5 năm tới, 90% các KCN thành lập phải có hệ thống xử lý nước thải. Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ TN&MT, cùng UBND các tỉnh, thành phố giám sát việc xây dựng, vận hành khu xử lý nước thải của KCN. Việc xây dựng khu quan trắc nước thải tự động là biện pháp tối ưu nhất trong xử lý nước thải”, ông Huy cho biết.

Theo GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, một phần nguyên nhân xảy ra ô nhiễm môi trường là do KCN hiện nay hỗn độn. Cứ có DN đăng ký là cho hoạt động, trong KCN có đủ DN thuộc các ngành nghề sản xuất, ngoài nước thải còn chất thải rắn, khói bụi…Trong khi đó, việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường tại KCN chưa hiệu quả.

GS Nguyễn Mại cho rằng, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cần tăng cường thực thi pháp luật. Đồng thời thay đổi chính sách thành lập, thu hút đầu tư KCN. Nên hình thành các KCN chuyên biệt như dệt may, cơ khí… để thuận lợi trong xử lý nước thải.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.