Vào điểm nóng vàng tặc Đakrông

TP - Nguồn nước ô nhiễm nặng, rừng đầu nguồn bị cạo trọc, đất sản xuất trơ khốc, cuộc sống của đồng bào bị đảo lộn… là hiện thực nhói lòng đã và đang diễn ra ở thượng nguồn huyện rẻo cao Đakrông miền Tây Quảng Trị bởi nạn vàng tặc. Khu vực A Vao, Pa Nang áp biên giới Lào là “điểm nóng của nóng” trong sự oanh tạc ngang nhiên công khai của vàng tặc bao năm nay.

Đại công trường vàng tặc

Sau thời gian “dân vận” không ngắn với một tay anh chị có máu mặt có cái tên rất ấn tượng … bất cần đời ở vùng non cao này là Đéo (để khỏi nhắc cái tên rất gợn này, chúng tôi tạm viết tắt Đ.), non 4 tiếng đồng hồ quần dài quấn cổ, ba lô trên lưng, cuốc bộ vượt qua 14 con dốc dựng đứng và 6 “trạm cảnh giới”, chúng tôi chạm được bãi khai thác vàng trái phép ở suối A Ka, thôn Tân Đi 3 thuộc xã A Vao.

Đập vào mắt là hàng chục lán trại hoành tráng, cùng hàng chục người hối hả đào đãi vàng. Máy xay đá, đãi vàng ầm ầm điếc tai giữa những khu rừng lớn. Trong bán kính chừng 3 cây số, không một loại động vật, chim muông, tôm cá nào có thể sống nổi do a xít, thủy ngân dùng gạn lọc vàng thải ra, người dẫn đường cho biết.

Vào điểm nóng vàng tặc Đakrông ảnh 1

Đại công trường khai thác vàng.

Đ. bảo, muốn đưa các cỗ máy lớn rồi thuốc nổ, hóa chất, xăng dầu và lương thực phục vụ cho việc khai thác vàng như thế này, các đầu nậu thường thuê thanh niên, phụ nữ, trẻ em vận chuyển, vượt rừng vào tập kết tại bãi vàng. Với một chuyến hàng khoảng 50 kg, người dân được thù lao 100 đến 150 ngàn đồng. “Và để tạo ra được những đường hầm sâu hun hút, các đối tượng khai thác vàng trái phép đã dùng một hệ thống máy nổ phát điện, máy bơm hơi thổi quạt liên tục vào tận sâu trong đường hầm để các phu vàng dùng máy khoan đào đất đưa ra ngoài xay, gạn lọc lấy vàng”,  Đ. tiếp lời.

Ở khu vực bãi vàng, chúng tôi đụng một thực tế rợn người, để vào hầm sâu lấy đất, đá đưa ra ngoài xay, gạn lọc vàng, các phu vàng đã dùng một hệ thống cọc chống là cây rừng cho các đường hầm vô cùng tạm bợ và dễ chừng ụp sập xuống bất cứ lúc nào.  Đ. bổ sung thông tin, hiện tất tật các bãi vàng thuộc suối A Ka có rất nhiều em thiếu niên dân bản bỏ học được các đầu nậu thuê vận chuyển, đào đất vì thể hình nhỏ, phù hợp với các đường hầm sâu hun hút mà chả có bất kỳ một loại bảo hộ lao động nào.

Trước khi vào bãi khai thác vàng, chúng tôi nhận được thông tin, đời sống của 107 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu của thôn Tân Đi 3 rất tệ kể từ lúc xuất hiện nạn vàng tặc. Chị Hồ Thị Thanh cùng ông Hồ Văn Quýt buồn bã: “Ruộng vườn mình bỏ do vàng tặc làm tan hoang sạch. Họ còn bỏ cả thuốc nổ ngay dưới ruộng nhà mình. Mình sợ lắm. Nước dưới suối ở thôn Tân Đi 3 không tắm giặt được. Ai mà tắm phải nước đó là dính bệnh ngay. Dân bản mình nhiều lần báo cho xã về việc khai thác vàng trái phép gây ô nhiễm này mà chưa thấy nhúc nhích động tĩnh chi cả!”.

Thực tế tiếp cận hiện trường thấy quá trình đào đãi gạn lọc vàng trái phép tại suối A Ka xả ra môi trường làm cho nguồn nước từ thượng nguồn đến hạ lưu suối A Ka chảy qua các khu dân cư ở đây rặt một màu vàng đặc quánh và bốc mùi nồng nặc. Dòng suối A Ka, trước đây là nơi cung cấp nguồn nước cho  đồng bào các xã A Vao, A Ngo, A Bung và Tà Rụt, Pa Nang. Thế nhưng, những ngày này dòng suối đã bị ô nhiễm trầm trọng. Hệ sinh vật ở đây cũng không thể tồn tại bởi nguồn nước ô nhiễm nặng.

Lân la vào một lán vàng tặc đúng giờ Ngọ chúng tôi dò hỏi mấy phu vàng, sao đào đãi vàng công khai như thế mà chẳng thấy ai cấm cả. Bọn họ nhìn chúng tôi cười trả lời, việc đó có “ông chủ” lo tất tật rồi. Tìm hiểu thêm mới biết, khai thác vàng ở đây ăn chia được tính theo tỉ lệ 7/3. Bảy phần số vàng khai thác được chia trực tiếp cho những người lao động tại các hầm lò vàng trái phép này, 3 phần còn lại là của chủ đầu nậu. Các chủ đầu nậu chủ yếu có nhiệm vụ lo “chạy đường”, “lót tay” để vàng tặc hoạt động công khai, và tận thu bến bãi. Tùy theo  chất lượng và số lượng vàng thu được từ các phu vàng, chủ đầu nậu sẽ thu phần trăm để lo “bôi trơn”.

Vào điểm nóng vàng tặc Đakrông ảnh 2

Công xưởng xay nghiền đá.

Vàng tặc oanh tạc ngay lưng trụ sở xã

Người dẫn đường kể, sau hàng trăm lần phản ánh nạn vàng tặc không những không giảm mà càng táo tợn hơn. Vàng tặc chặt phá cây rừng, nổ mìn phá núi để đào đãi vàng ở nhiều khu vực, thậm chí ngay sau trụ sở UBND xã A Vao nữa. Chúng tôi có mặt tại một điểm khai thác vàng trái phép cách trụ sở xã này quãng nửa giờ lội bộ. Anh Đ. cho biết, điểm khai thác vàng này hiện do 5 “nậu” vàng làm chủ, 3 “nậu” dân địa phương, 1 “nậu” ở Krông Klang-thị trấn  huyện lỵ Đakrông, 1 “nậu” ngoài Thái Nguyên vào.

Trước mắt chúng tôi là cảnh rộn ràng phu vàng làm việc, và phần lớn là trẻ em, với 7 điểm hầm lớn. Có hầm vừa đào được khoảng 30m sâu vào lòng núi, có hầm khai thác từ lâu, sâu hun hút. Trước các cửa hầm cách chừng 15 mét đều có 2 đến 3 máy nghiền đá và những máy sàng lọc vàng.

Thiếu tá Phạm Văn Điền ở Đồn Biên phòng Pa Lin được tăng cường về làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã A Vao một năm nay nói: “Vàng tặc ở thôn Tân Đi 3 đa phần là bà con vào rừng làm nương rẫy, rồi khai thác xái vàng. Họ làm nhỏ lẻ thủ công, chứ không có máy móc gì hết”.

Qua điều tra cho thấy, khu vực trên trước đây do Cty CP Phát triển Khoáng sản 4 (trụ sở ở TP Vinh, Nghệ An) tổ chức thăm dò vàng. Sau nhiều năm thực hiện cái gọi là “thăm dò” này, đơn vị này  rút đi cách đây 2 năm sau 2 lần gia hạn và hết phép, hệ quả để lại một vùng rộng lớn núi rừng bị gặm nhấm lở lói. Hai năm trước, một chủ nậu vàng ở thôn Tân Đi 3 là Hồ Cài đã tổ chức khai thác vàng trái phép tại một điểm quặng vàng nằm trong khu vực này.

“Nậu’’ Cài làm được 4 tháng thì bị một doanh nghiệp tư nhân ngoài thị trấn Krông Klang nhảy vào thế chân với lý do doanh nghiệp này được các cấp chính quyền đồng ý cho… “khai hoang đất giúp bà con dân bản trồng lúa nước”. Sau gần một năm dồn sức “khai hoang”, thu về hàng tạ vàng cám, đến đầu năm ngoái, chủ doanh nghiệp (và cũng là “nậu” vàng) này bỗng trưng ra một giấy phép rởm đồng ý cho thăm dò vàng tại khu vực mà Cty CP Phát triển Khoáng sản 4 trước đây đã “thăm dò” và từ đó đưa nhân công vật lực máy móc vào khai thác vàng ồ ạt bất kể ngày đêm.

Vào điểm nóng vàng tặc Đakrông ảnh 3

Hun hút hang sâu xuyên núi.

Áp Tết Bính Thân 2016, sau rất nhiều lần phản ánh của người dân và báo chí, Đồn Biên phòng 625, tức Pa Lin, phối hợp với Công an huyện Đakrông triển khai lực lượng truy quét, đẩy đuổi vàng tặc ở khu vực này. Nhưng chỉ thời gian rất ngắn sau mọi hoạt động của vàng tặc trở lại như cũ, thậm chí ồ ạt táo bạo hơn so với trước đây nhiều lần. Hỏi nguyên do sao lại thế, Trưởng Công an xã A Vao Hồ Văn Diện cho rằng: “Rừng núi hiểm trở, vàng tặc thì hung hăng manh động trong khi chính quyền các cấp lẫn ngành hữu quan thiếu sự kiên quyết. Đó là chưa kể việc họ cấp phép cho một số doanh nghiệp “thăm dò” vàng, một việc làm trá hình mà xưa nay ai cũng biết, khiến chúng tôi chẳng biết đâu mà lần”.

Cũng theo Trưởng Công an Diện, bên cạnh một số doanh nghiệp trên địa bàn Đakrông núp bóng giấy phép thăm dò vàng để khai thác vàng trái phép, các chủ nậu vàng người địa phương như Hồ Văn Thương, Hồ Văn Thanh sau nhiều lần vi phạm vẫn không bị xử lý nghiêm.  “Điều khó hiểu là xã đã liên tục báo cáo, phản ánh việc không tuân thủ pháp luật của Thương và Thanh với cơ quan chức năng, song 2 đối tượng này đến nay chả hề hấn gì”, ông Diện nói.

Gian nan

Thông tin của Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Thượng tá Ngô Xuân Thường cho phóng viên hay vào chiều 25/4. Lực lượng công binh Bộ đội Biên phòng tỉnh đã dùng mìn đánh sập 6 hầm vàng khai thác trái phép, phá hủy 5 máy phát điện, 3 máy khoan đá, 5 máy nghiền đá, 1 máy nén khí, 8 lán trại và 360 lít dầu diezel, từ ngày 17-23/4. Các hầm vàng này thuộc khu vực Ba Ngày, Pa Ka, Khe Đang, Khe Ho, Khe Giằng, A Luông của hai xã Pa Nang và A Vao ở huyện Đakrông.

Thời điểm lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp cận các hầm vàng thì chỉ phát hiện các máy nghiền đá, máy phát điện, máy khoan đá, máy nén khí và thiết bị, lán trại phục vụ cho khai thác. Còn các phu vàng “tàng hình” hết vào rừng.

“Địa bàn hai xã A Vao và Pa Nang do Đồn Biên phòng Pa Lin và Sa Trầm quản lý, để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép thì trách nhiệm thuộc về 2 đồn này. Chúng tôi đã phê bình đồn Pa Lin và Sa Trầm. Còn việc 2 đồn này có tiếp tay cho việc khai thác vàng trái phép hay không thì Bộ Chỉ huy đang kiểm tra làm rõ”, Thượng tá Thường cho biết.

Ông Thường thông tin, nạn vàng tặc ở huyện rẻo cao Đakrông của tỉnh Quảng Trị này diễn ra từ nhiều năm nay, trong đó A Vao và Pa Nang là điểm nóng nhất làm môi trường bị tàn phá thê thảm, ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân khu vực biên giới. Các loại tội phạm như ma túy, gây rối an ninh trật tự, thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm cũng nảy nòi từ đây. Cũng theo ông Thường, thời gian tới,  tiếp tục phối hợp, hợp đồng với các lực lượng khác và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để quần chúng không tiếp tay tiếp tục tham gia hoạt động khai thác, đào đãi vàng nữa.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.