Tan hoang núi rừng vì vàng “tặc”

Cận cảnh máy sàng vàng
Cận cảnh máy sàng vàng
TPO - Máy xúc, máy sàng vàng, máy hút cát, lều trại... tập trung rải rác dọc con suối trên địa bàn xã Cắm Muộn, huyện Quế phong, Nghệ An để khai thác vàng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho biết 'không có tình trạng này mà máy xúc hoạt động đào nương rẫy cho bà con'. 

Bạt rừng, đào suối để khai thác vàng

Ngày 21/2, theo phản ánh của người dân PV đã tìm đến hiện trường nơi được mệnh danh là “núi vàng” của Nghệ An.

Khoảng 30km đường núi rừng hiểm trở, đường đi men theo dọc sường đồi mất khoảng hơn 3 giờ đồng hồ PV được một người dân địa phương chỉ đường mới tiếp cận được “vùng đặc biệt” nơi các vàng “tặc” đang ngày đêm hoạt động.

Dọc con suốt chạy men theo sườn đồi các dấu tích khai thác vàng như máy hút bùn, các hố sâu, con suối bị đào bới chằng chịt, sói mòn..

Anh V.H.L (người dân địa phương) cho biết, ở dọc con suối này mới đây rất nhiều người vào khai thác vàng trái phép. Trong đó có cả người dân bản địa và người vùng khác tới.

Được anh L hướng dẫn, PV tiếp tục đi sâu vào trong bất ngờ khi đi qua con suối bị một trạm barie tự phát chặn lại, yêu cầu đóng phí 10.000đ/lượt. Khi anh L nói chuyện bằng tiếng Thái (tiếng bản địa) thì người đàn ông mới cho qua.

Tan hoang núi rừng vì vàng “tặc” ảnh 1

Đi qua cây cầu phải đóng phí 10.000đ/lượt để vào vùng “đặc biệt”

Anh L cho biết, đây là vùng “đặc biệt” nên qua phải đóng phí, từ rất lâu rồi nhưng không thấy chính quyền xử lý nên vẫn tồn tại. Đi tiếp vào trong, tiếng máy nổ, máy xúc ngày một rõ hơn, trên đường đi PV bắt gặp nhiều thanh niên chở theo can xăng dầu ùn ùn chạy vào núi rừng sâu. Bám theo các thanh niên này, khoảng 5km thì đến khu “đặc biệt” đang khai thác vàng.

Theo ghi nhận của PV, có đủ cả những phương tiện hiện đại như máy xúc cỡ trung bình, máy sàng đá, máy hút bùn... ngổn ngang các ống hút, nhiều hec-ta đất rừng bị đào bới tan hoang. Nhiều cánh rừng bị đốn trọc để tìm vàng. Nhiều lán trại được dựng lên dọc con suối, hàng chục can dầu đang được tập trung.

Tan hoang núi rừng vì vàng “tặc” ảnh 2

Chiếc máy xúc đang đào bới sâu xuống lòng đất

Tan hoang núi rừng vì vàng “tặc” ảnh 3

Hố sâu được đào để tìm, sàng vàng.

Tan hoang núi rừng vì vàng “tặc” ảnh 4

Một nhóm người đang chặn nguồn nước để chuẩn bị sàng vàng.

Tan hoang núi rừng vì vàng “tặc” ảnh 5

Chiếc máy sàng vàng và xung quang có dấu hiệu mới khai thác

Tan hoang núi rừng vì vàng “tặc” ảnh 6

Nhiều ống hút nước, phi nước, dầu cất dấu dưới lều tạm

Khai thác tràn lan, chính quyền nói không có?

Sau khi ghi nhận được tình hình, PV đã gọi điện trực tiếp cho ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) để phản ánh.

Ngay khi nhận phản ánh, ông Giáp cho biết, “Sẽ chỉ đạo cho Công an huyện, cùng chính quyền địa phương xã Cắm Muộn đến hiện trường xử lý vụ việc được phản ánh”.

Chiều cùng ngày PV đã liên lạc trực tiếp với ông Lương Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn được biết, “Không có tình trạng khai thác vàng, máy xúc đang hoạt động đào nương rẫy cho bà con. Còn máy sàng đá cũng không phải để sử dụng khai thác vàng” (?).

Sáng ngày 22/2, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Giáp cho biết, trước Tết, UBND huyện đã ra văn bản chỉ đạo cho các địa phương và cơ quan trong địa bàn huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trong và sau Tết.

Ông Giáp cho biết thêm: “Có thể hôm qua (ngày 21/2) Chủ nhật, lợi dụng ngày nghỉ các đối tượng khai thác vàng chui. Thời gian tới sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng khai thác vàng cũng như các tài nguyên khác trái phép.”

Tuy nhiên, theo ghi nhận PV thì tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn đang diễn ra hằng ngày.

Tan hoang núi rừng vì vàng “tặc” ảnh 7

Một căn lều tạm của phu vàng

Tan hoang núi rừng vì vàng “tặc” ảnh 8

Nhiều đối tượng vận chuyển từng thùng dầu vào trong vùng khai thác vàng

Về sự việc ngày 21/2, Đại úy Lô Trung Hiếu – Đội trưởng đội Hình sự và Ma túy, Công an huyện Quế Phong cho biết: “Qua kiểm tra ban đầu, tại hiện trường đúng như phản ánh. Tuy nhiên, máy xúc đang hoạt động không phải khai thác vàng mà đang đào san lấp nương rẫy cho người dân.” (?)

   

Khi PV đặt vấn đề về máy sàng đá cạnh bên máy xúc đang hoạt động, Đại úy Hiếu cho biết: “Qua xác minh, máy sàng vàng đó của một người tên Báo cũng là chủ sở hữu chiếc máy xúc đang hoạt động.”

Được biết, trên địa bàn huyện Quế Phong vẫn chưa có doanh nghiệp, cá nhân nào được cấp phép khai thác vàng. 

MỚI - NÓNG