Tin đồn bịa đặt đổi tiền
Ngày đầu tháng 12/2016, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ phát đi một thông báo ngắn gọn: Thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sắp đổi tiền là hoàn toàn bịa đặt. Thông báo cho biết, mấy ngày gần đây xuất hiện tin đồn trên mạng xã hội rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sắp đổi tiền; xúi giục người dân rút tiền để mua vàng và ngoại tệ khiến nhiều người dân hoang mang. Theo NHNN, đó là thông tin bịa đặt và có dụng ý xấu đồng thời cảnh báo, người dân cần cảnh giác và đấu tranh trước những thông tin sai lệch, bịa đặt trên để tránh thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh tiền tệ quốc gia.
Ngân hàng nhà nước phát ngôn chính thức nhưng dường như tin đồn bịa đặt chưa được dập tắt hẳn. Cuối chiều 6/12 tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp, đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng khẳng định: “Tin đổi tiền vừa qua là thất thiệt, dụng ý xấu, cần lên án mạnh mẽ để ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta đủ khả năng để bình ổn giá cũng như tỷ giá”. Cùng đó, Thủ tướng giao Bộ Công an cùng các đơn vị chức năng tìm ra kẻ phao tin đồn nhảm làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây hoang mang xã hội.
Một nguồn tin cho biết, thông tin này bắt nguồn từ một tin đồn thất thiệt từ khu vực phía Nam rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm giá trị mệnh giá quá lớn của đồng Việt Nam hiện đang lưu hành trên thị trường, bằng các đồng tiền mệnh giá thấp nhưng giá trị cao, có sức mua tương đương với đồng đô la Mỹ… Thông tin được một vài trang mạng không chính thức dẫn ra. Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ sẽ thấy sự chắp nối tin tức khó hiểu, thậm chí vá víu cả phát biểu của đại diện cơ quan chức năng từ vài năm trước đó.
Mổ xẻ sự việc này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, ngoài chuyện đây là tin đồn bịa đặt thì trong điều kiện kinh tế xã hội đang ổn định, không có lý do gì lại phải đổi tiền, kể cả thay đổi cơ cấu mệnh giá. “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn toàn không có động tác nào, không có hoạt động nào liên quan đến đổi tiền. Bởi đồng tiền của Việt Nam hiện nay kể cả về giá trị, cơ cấu, mệnh giá là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng yêu cầu trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế”, Phó Thống đốc Tú nêu rõ.
Giá vàng, USD những ngày này vẫn... nhảy múa. Ảnh: Như Ý.
Giá USD tại ngân hàng quanh mức 22.760 đồng/USD
Ngay sau yêu cầu của Thủ tướng về việc điều tra làm rõ đối tượng gây tin đồn, ngày 7/12, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN Nguyễn Ngọc Cảnh lên tiếng tái khẳng định: Tin đồn đổi tiền là thông tin không chính xác. “Người dân cần hết sức thận trọng trong mọi quyết định mua, bán của mình, tránh những rủi ro không đáng có gây thiệt hại cho bản thân”, ông Cảnh nói.
Cũng theo ông Cảnh, diễn biến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày một cao. Qua theo dõi và mổ xẻ của NHNN cho thấy, dù chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế có tăng, có thời điểm lên đến mức 4,4 triệu đồng/lượng nhưng chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu trong nước với giá vàng quốc tế quy đổi (chưa tính phí) chỉ ở mức dưới 1 triệu đồng/lượng. “Thị trường vàng ổn định, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng trong ngày vẫn duy trì ở mức thấp, tiếp tục giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2015, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những thời kỳ trước đây”, ông Cảnh nhấn mạnh. Cũng ông Cảnh cho biết, trong định hướng điều hành thị trường vàng thời gian tới, NHNN đã sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết (giá vàng SJC ngày 7/12 ở mức 36,050 -36,470 triệu đồng/lượng).
Những ngày này, tỷ giá trên thị trường vẫn rập rình biến động. Vào cuối tháng 11, cũng rộ lên kỳ vọng và tin đồn tỷ giá sẽ được điều chỉnh. Tại phố “ngoại tệ” Hà Trung (Hà Nội) hay ở bất kỳ cửa hàng vàng nào trong thành phố, giá vàng, giá USD được giới buôn bám đuổi từng giờ. Giá USD đã đạt mức đỉnh trên 23.000 đồng/USD. Ngày 7/12, tỷ giá tại các ngân hàng đã quay đầu giảm nhẹ 5-20 đồng. Hiện giá bán tại các ngân hàng đang phổ biến quanh 22.760 đồng/USD. Phía NHNN cũng cho biết, sau một tuần đưa ra “đơn hàng” chào bán USD với mức giá dưới trần nhưng cơ quan này chưa phải bán ra một USD nào để can thiệp cung - cầu.
Một lãnh đạo NHNN bật mí: Vừa “khảo” hết thị trường tự do phía Nam và Hà Nội, các nguồn tin đều cho thấy thực sự không có biến động hay lệnh mua bán nào quá lớn. “Rà soát tổng thể các đầu mối cả chính thức và không chính thức, NHNN khẳng định không hề có áp lực lớn nào về cầu ngoại tệ và chúng tôi sẵn sàng bán ròng thực sự nếu tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng”, vị này nói đồng thời nhấn mạnh, với thị trường vàng trong nước nếu thực sự doanh nghiệp bí nguồn cung và đề xuất, NHNN có thể quay trở lại đấu thầu bán vàng tăng cung cho thị trường ngay lập tức.
Cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào
Theo ước tính của NHNN, cán cân thanh toán tổng thể cuối năm 2016 có thể đạt thặng dư khoảng 8,5 tỷ USD, kiều hối đến thời điểm hiện nay đạt gần 6,5 tỷ USD và cuối năm nay dự kiến khoảng 9 tỷ USD. Nghĩa là nguồn ngoại tệ cũng tương đối phong phú. Chưa kể một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đã và đang sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam, tham gia vào các hoạt động về thoái vốn của DN nhà nước hay mua cổ phần của các DN lớn đang cổ phần hóa. Đây cũng là nguồn ngoại tệ hết sức phong phú để tăng lượng cung cho nền kinh tế.