Vắng bóng khoa học trên đồng muối

Sản xuất muối còn nặng thủ công. Ảnh: Xuân Phú
Sản xuất muối còn nặng thủ công. Ảnh: Xuân Phú
TP - Cả nước hiện có đến 20 tỉnh, thành phố ven biển sản xuất muối. Lực lượng tham gia sản xuất muối ngoài các doanh nghiệp còn có 31.360 hộ. Tuy nhiên, trên cánh đồng muối, vẫn thiếu vắng yếu tố công nghiệp, thừa yếu tố thủ công.

> Đến năm 2012 vẫn dư thừa muối
> Tan hoang đồng muối

Sản xuất muối còn nặng thủ công. Ảnh: Xuân Phú
Sản xuất muối còn nặng thủ công. Ảnh: Xuân Phú.
 

Sản xuất muối ở miền Bắc chủ yếu vẫn theo công nghệ phơi cát. Sản xuất muối ở miền Nam (từ Quảng Nam đến Bạc Liêu) theo công nghệ phơi nước, sản xuất thủ công phân tán, nhỏ lẻ diễn ra trên gần 70% diện tích, tạo ra sản phẩm tiêu chuẩn thấp, giá thành cao. Chỉ có 17% diện tích muối sản xuất theo quy trình công nghệ phơi nước tập trung tạo ra muối có chất lượng.

Theo đánh giá của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, thực trạng sản xuất muối thủ công lạc hậu khiến muối sản xuất công nghiệp luôn thiếu, muối sản xuất thủ công luôn thừa và nhập khẩu muối ngày càng tăng, đời sống diêm dân rơi vào nghèo khó.

Cũng theo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, các nước sản xuất muối lớn trong khu vực không chỉ có một Viện nghiên cứu muối mà có nhiều cơ quan nghiên cứu, nhiều cơ sở chế tạo thiết bị chuyên ngành. Còn ở nước ta hiện nay chưa có tổ chức nghiên cứu của Nhà nước thực sự, nên ngành muối không có cơ sở để cơ giới hóa, giảm sức lao động chân tay cho diêm dân.

Năm 2000, Tổng Công ty muối thành lập Trung tâm nghiên cứu muối với mục tiêu làm tiền thân cho Viện Muối sau này. Tuy nhiên, sau 10 năm xây dựng và tồn tại, Trung tâm này cũng đã chấm dứt hoạt động vì không thể tự lo kinh phí, chuyển sang sản xuất kinh doanh muối theo phương án sắp xếp tổ chức. Những nghiên cứu của Trung tâm này đưa ra ứng dụng trên cánh đồng còn quá ít và hiệu quả chưa thật sự đáp ứng mong mỏi của diêm dân.

Đại diện Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, so với các ngành nghề khác, ngành muối ít được chú trọng về khoa học công nghệ, bởi riêng về đào tạo, ngành này hàng chục năm qua không đào tạo được cán bộ bậc đại học, vì không “bói” ra được học viên.

Thực tế này khiến diêm dân ở nhiều nơi buồn tủi trong nghèo khó. Họ càng khó hy vọng thay đổi được phương thức sản xuất lạc hậu khi ngành lương thực cho biết, Việt Nam không thiếu công nghệ, và không thiếu tiền cho nghiên cứu đề tài về muối, nhưng lại thiếu tổ chức để thực hiện và triển khai đề tài.

Các chuyên gia nghiên cứu về sản xuất muối đều đề nghị phải có chiến lược tổng thể để phát triển ngành muối, trong đó nhà nước cần đầu tư phát triển khoa học và đào tạo nhân lực cho ngành có 8 vạn lao động này. Diêm dân trên cánh đồng muối đang mong lắm những tiến bộ khoa học được ứng dụng để cuộc sống vơi bớt khó nhọc, nghèo nàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG