Nhưng ngược lại, hai ngày cuối tuần, giá vàng trong nước chỉ giảm hơn 1 triệu đồng còn 45,6 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới theo quy đổi tỷ giá USD của Vietcombank đã lên tới hơn 3 triệu đồng/lượng. Vì sao?
Thông thường, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được viện dẫn bởi hai lý do. Thứ nhất, do cung không đủ cầu đi kèm chênh lệch tỷ giá. Thứ hai, có thêm một chi phí gọi là “phí chờ”. Về phí này, theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Cty vàng bạc đá quý thuộc Agribank, vàng được nhập về Việt Nam, các doanh nghiệp phải thuê SJC dập thành vàng miếng, mất trên dưới 1 tuần.
Thời gian chờ ấy, doanh nghiệp phải chịu nhiều loại chi phí như tiền lãi vay ngân hàng… nên giá vàng bị đội giá thêm ít nhất 600.000 đồng/lượng.
Nhưng trong lần giữ khoảng cách xa này, ông Trúc cũng lưu ý: Một số doanh nghiệp vàng lớn như Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thời gian qua chỉ sản xuất, gia công cầm chừng, tạo hiện tượng khan hiếm giả nguồn cung vàng miếng. Như để minh chứng cho ý trên, phía doanh nghiệp Bảo Tín Minh Châu cũng cho hay họ rất khó khăn khi chờ “cung” vàng miếng thương hiệu SJC.
Còn đại diện SJC chỉ đưa ra một câu trả lời ngắn gọn: “Giá chênh lệch là do hiện cung không đủ đáp ứng cầu”. Tất nhiên, bạn hàng cũng như người dân khó chấp nhận lý giải này, bởi ngay cả so với thông thường, năng suất gia công của SJC vẻ như chậm hơn bình thường, chưa kể cũng chỉ thời gian qua, sau 5 tấn vàng đã nhập trước đó, NHNN đã cấp quota cho các DN để nhập thêm 4 tấn nữa về. Còn sức mua của dân, dù có quan tâm nhưng cũng không đến mức phải chen chân xếp hàng như những đợt vàng tăng giá.
Một nguyên nhân khác, được một số chuyên gia lý giải, sở dĩ giá vàng chênh lệch ngất ngưởng so với giá thế giới, là do các doanh nghiệp đang làm giá, đẩy phần lỗ sang người tiêu dùng gánh. Vì thời điểm họ nhập vàng, giá cao, nay giá thấp vàng mới được đưa ra bán.
Vàng trong nước đang tách rời giá thế giới. Với mức chênh lệch cao như hiện nay, thị trường vàng trong nước cho thấy hoàn toàn thiếu minh bạch và an toàn.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, “chỉ cần chênh lệch 400 ngàn đồng/lượng là vàng trong nước đã có dấu hiệu bị làm giá”. Nay chênh lệch tới hơn 3 triệu đồng, càng lộ rõ hơn việc vàng bị làm giá. Chỉ có điều, ai sẽ phanh phui, xử lý để thị trường vàng được minh bạch, giống như câu chuyện của giá xăng dầu đây?