Vài hình ảnh chùa Bà Đanh. |
Chùa Bà Đanh! Ngôi chùa tọa lạc ở thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng nên chùa có cái tên gọn ghẽ ấy.
Ngọc Sơn ( tên xã mới thành lập năm 1976) nằm ở trung tâm của huyện lị. Xã nằm trên trục đường giao thông 22 nối đường 1A từ Ba Đa lên chợ Dầu ngược Hà Tây (cũ). Đây là đầu mối giao thông của huyện đi các nơi. Phía nam của xã nằm giáp sông Đáy. Từ đây du khách có thể vào Ninh Bình, Thanh Hóa hay ngược lên Hòa Bình hết sức thuận lợi.
Vì Thánh Bà Pháp Vũ linh thiêng nên thủ tục thờ cúng ở chùa Bà Đanh bao đời đã được cử hành khá kỹ càng nghiêm ngặt. Đã không có chuyện cúng kiếng qua loa sơ sài. Lại tuyệt nhiên những sàm tấu báng bổ này khác. Bà và các thần được phối thờ ở đây linh lắm. Đời này truyền đời khác. Người truyền trăm, truyền nghìn. Ấy là những chuyện đại loại vợ chồng hoặc đôi giai gái nhà kia vào chùa đã ăn vận sơ sài yếm sồi vú vê thỗn thện thì chớ lại cáu gắt vặc nhau to tiếng về đồ lễ. Vậy mà về nhà Bà quở, thần trách cho ốm đau triền miên khuynh gia bại sản. Những kẻ thô lậu càn rỡ khẩu nghiệp trót buông nhời báng bổ thì còn bị trừng phạt nặng nề hơn. Nghiêm ngặt cung kính là thế vậy nên cánh thiện nam tín nữ những cô cậu non vía mới chợt nghe đã đâm ngại khi đến chùa Bà. Chả thế mà không ít du khách qua chùa chỉ đứng ngoài xa hoặc dừng trước cổng mà bái… vọng cho lành! Sự ấy cứ tái đi tái lại. Đến chùa hương khói cúng kiếng ít người tre trẻ mà chỉ sồn sồn hoặc các cụ ông cụ bà. Có lẽ đó là cái cớ cấu thành nên câu cửa miệng na ná như thứ thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh!”.
Chuyện xưa ám ảnh đến tận ngày nay.
Tôi lờ mờ đồ rằng, hình thành cảm giác e sợ linh thiêng ấy có phải một phần do kiến trúc của chùa? Với tổng diện tích khoảng 10ha, khuôn viên chùa là một tổng thể bao gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ. Trên tất cả các vì kèo đều chạm khắc ở hai mặt. Các đề tài chạm khắc trên các vì kèo giăng giăng tính từ đông sang tây, đều do 6 hiệp thợ tài hoa nhất ở các vùng miền tạc dựng với 6 phong thái khác nhau rất sống động linh thiêng. Đôi tượng Hổ và Rồng được chế tác từ đá nguyên khối được coi là nguyên bản sừng sững uy nghi trong chùa.
Trong chùa thờ Phật, tất nhiên. Nhưng ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng Thánh bà Pháp Vũ, một vị thần trong Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đây là vị thần phù trợ cho việc sản xuất nông nghiệp được tốt tươi, đời sống nhân dân được no đủ. Rồi tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ ( một tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người Việt) Các tượng ấy lại được trang trí sơn phết với gam màu hơi bị sặc sỡ nên vô tình ít nhiều gây cảm giác này khác? May mà thần thái của pho tượng Bà Đanh như dung hòa cân bằng trở lại. Pho tượng Bà Đanh là một trung tâm của chùa. Tượng được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng (chứ không phải là toà sen), với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính mang lại cảm giác gần gũi xen lẫn siêu thoát, thần bí.
Chùa Bà Đanh được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa nhiều lần. Các công trình hiện nay đều được xây dựng từ thế kỉ 19 trở lại đây.
Cách nay mười mấy năm Bộ văn hóa phối hợp với chính quyền tỉnh Hà Nam đầu tư nâng cấp chùa Bà Đanh với số vốn 20 tỷ đồng. Đã đành khang trang uy nghiêm hơn trước nhưng theo nhời đồn là hình như cánh sơn phết cũng có hơi quá lẫn bạo tay mầu để tăng thêm sự uy nghi linh thiêng nên hơi bị phản tác dụng là vô tình nâng cấp thêm cái cảm giác hai hãi như thế nào với ai đó?
Rồi nữa, chùa Bà Đanh ngày trước nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, xưa kia lại có nhiều thú dữ. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.
Đã thế quanh chùa lại rất nhiều cọp!
Có lẽ nguyên cớ ấy khiến cho câu “ Vắng như chùa Bà Đanh” trở nên dai dẳng, ám ảnh.
Người viết bài này xin trích biên ra cái nguyên cớ ấy!
…Chúng tôi từ huyện lỵ Kim Bảng về làng Đình Xá cách huyện độ hơn 2 cây số. Đi được một quãng thì một bên cây cối um tùm rậm rạp. Một bên là thung lũng hơi sâu cỏ gianh rậm rạp um tùm.
Qua hết khu rừng nhỏ đến chỗ rẽ thấy một cái tam quan đề ba chữ Bảo Sơn Tự. Đứng ở tam quan trông ra chúng tôi được ngắm bức tranh sơn thủy mà tạo vật khéo trưng bày. Dòng sông Đáy lững lờ trôi trước mặt. Vài cây đa cổ thụ mọc sát bờ vươn cành soi bóng. Bên kia sông dãy núi đá vách thẳng thành vại sừng sững tựa bức bình phong.
Vách đá thành vại ấy từng bị dân nung vôi đẽo gọt nham nhở. Nhà bái đường thì kiến trúc theo lối kim nền gạch hoa bóng lộn trông rất chuế mắt.
Xem hết trong chùa chúng tôi rủ nhau ra coi chiếc khánh đá màu trắng ở khu vực phía tả. Chiếc khánh đá trắng tương truyền rất cổ dài hơn một thước tây, bề rộng chừng 70 phân ( cm) treo giữa 2 trụ đá trên một bờ gạch. Chúng tôi dùng thanh sắt nhỏ sẵn cạnh làm dùi gõ thì bất giác ai nấy như rùng mình sởn gai ốc! Âm thanh của chiếc khánh ngân vang như tiếng chuông đồng... Những người quanh đây nói những đêm thanh vắng tiếng khánh đưa và ngân rất xa. Mọi người còn thầm thì thanh của khánh đá rất linh.
Linh như nào ư? Cái linh nhỡn tiền là xua được ông Ba Mươi. Chẳng biết có phải hay âm thanh của chiếc khánh khi đánh lên đã trợ giúp cho cái tinh thần của những người vốn kinh sợ cọp!
Chiếc khánh đá huyền thoại. |
Chúng tôi toan ra về thì bỗng nghe tiếng người ồn ào xen lẫn chuông trống nhịp nhàng. Thầy Lý trưởng thấy chúng tôi là khách lạ nên tiếp đón niềm nở. Thày cho hay bữa nay là lễ động thổ dân làng Đình Xá đều phải có mặt đông đủ vì nơi này vốn hẻo lánh cọp hay qua lại quấy nhiễu quanh năm rất ít khách thập phương đến lễ nên mới có câu “vắng như chùa Bà Đanh” là thế! Ngày nay đã khá chứ trước kia đường ngang lối tắt khó đi cây cối rậm um tùm mỗi lần có việc đi chùa hay tế lễ cầu cúng dân phải cắt tuần tráng họp thành đội “ tiên phong”. Nào kẻ tay thước người tay gậy người thanh la rồi trống con trống cái. Đám người vừa gióng trống khua thanh la não bạt rồi khua khoắng các bụi rậm thì mọi người mới dám đi theo.
Vị sư bác trụ trì ở chùa cũng cho biết tối hôm 30 Tết gần lúc giao thừa, ông Cọp về bắt mất con chó của nhà chùa. Mọi người la lối nếu không thì ông còn xơi cả lợn.
Mấy tòa miếu cổ chốn rừng xanh
Sơn thủy xem ra cũng hữu tình
Núi vách chênh vênh bày trước mặt.
Dòng sông uốn khúc lượn vòng quanh
Hồi chuông cứu khổ vang khi sớm
Tiếng khánh an dân vẳng lúc thanh
Cọp dữ thường chầu làm vắng vẻ
Một nơi thắng cảnh chốn Nam thành
(Tạp chí Tri Tân số 36
ra ngày 25-2- 1942.
Tác giả Vân Thạch)
Chao ôi! Thì ra thế! Đây có lẽ một phần duyên do và cả cú hích để hình thành nên câu cửa miệng ám ảnh “ Vắng như chùa Bà Đanh” chăng?
Vài hình ảnh chùa Bà Đanh. |
Chiêm quan chùa Bà Đanh về giờ ngó thêm bản sao tờ Tri Tân tự dưng một cảm giác lẩn thẩn choán chiếm. Ấy là thầm mong cho du khách hậu thế, những thiện nam tín nữ mỗi lần quan chiêm không riêng chi chùa Bà Đanh mà những danh lam cổ tự cùng chốn linh thiêng khác nên lặp lại cảm giác sởn da gà! Để có cơ mà lắng lại, để cảm thêm hồn thiêng sông núi và công lao tạo tác gây dựng của tiền nhân nước Việt mà các cụ gói gọn trong bốn chữ “Cảm cổ phỏng kim” vậy! Và nữa, cũng gây dựng thêm cái ý thức cẩn trọng từ nhời ăn tiếng nói đến động thái giữ gìn đồ vật nơi thờ tự.
Và nữa, bâng khuâng thêm cảm giác “ bao giờ cho đến ngày xưa”! Bởi mới có chút thời gian thoảng vài ba chớp mắt Tạo hóa, môi sinh cùng hệ sinh thái nước Việt hẵng còn sinh sắc phong phú mà vô khối những “ ông Ba mươi” còn hồn nhiên xuất hiện như cái thời Tạp chí Tri tân phản ánh!