Nộp 3 triệu “bao” đậu lý thuyết
Trong vai một người đang cần học bằng lái xe ô tô hạng C đến Văn phòng đào tạo lái xe, phóng viên Tiền Phong ghi nhận địa điểm này vẫn hoạt động “tích cực”, liên tục có điện thoại gọi đến hỏi về các thủ tục học bằng lái. Một nhân viên giới thiệu, chi phí học bằng C hết 10 triệu 9 trăm nghìn, và đóng thêm 1,6 triệu đồng gồm lệ phí thi tốt nghiệp, sát hạch quốc gia và cấp bằng. Nhân viên này khẳng định văn phòng thuộc Trường Đại học PCCC ngoài Hà Nội. Cũng tại thời điểm này có 2 cán bộ công an đến liên hệ làm việc với người quản lý văn phòng tuy nhiên nhân viên báo “đã đi Đắk Lắk rồi”. Cảm thấy bị phát hiện, 2 nữ nhân viên thu lại bộ hồ sơ và không cho chụp ảnh.
Đã có hàng trăm người dân tại Gia Lai nộp hồ sơ vào địa chỉ này. Một trong số đó là chị N.T.T. (SN 1987, TP Pleiku, Gia Lai) bức xúc cho biết: Chị nộp 4 triệu đồng để học bằng lái xe B2 tại văn phòng này. Bây giờmuốn rút lại hồ sơ vì không thể ra Hà Nội thi. “Lúc nộp hồ sơ họ không nói rõ là phải ra Hà Nội học, tôi vướng con nhỏ làm sao ra đó thi được. Bây giờ tôi đến rút lại hồ sơ nhưng họ không cho”- Chị T. nói.
Chị T. cho hay, từ khi nộp hồ sơ vào tháng 11/2018, nhân viên văn phòng nói trước tết sẽ thi để có bằng, tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ được học 1 buổi lý thuyết. Các nhân viên nói muốn đậu lý thuyết 100% thì đóng thêm 3 triệu đồng. Lúc mới nộp hồ sơ nhân viên cũng đảm bảo 100% là đậu. “Tôi muốn học bằng lái xe một cách kỹ càng để đi ra đường an toàn, không thể qua loa. Đằng này họ lại bao đậu” – Chị T. bộc bạch.
Phiếu thu tiền của Văn phòng đào tạo lái xe có địa chỉ tại thành phố Pleiku, Gia Lai
Giấy ghi “Chương trình học lái xe ô tô hạng B2” của chị T. được áp dụng cho khoá khai giảng từ tháng 11-12/2018, ghi “Trung tâm đào tạo & Sát hạch lái xe Đại học PCCC – Bộ Công An”. Bên dưới ghi website “http://truongdaylaixeuytin.vn”. Chương trình học 3 tháng 15 ngày (không tính các ngày lễ, tết); Điểm tập lái thực hành thì học viên tự trao đổi với giáo viên; Lịch học thực hành do học viên tự chọn linh hoạt kể cả thứ 7, chủ nhật; Số giờ học thực hành là 10 buổi, 2 học viên/xe; Lịch học lý thuyết thì 2 buổi vào chủ nhật hàng tuần; Học phí 9 triệu 8 trăm nghìn đồng.
Mới đây, Trường đại học PCCC Trung tâm dạy nghề, đào tạo và sát hạch lái xe ra văn bản số 361/TT3 chỉ rõ “Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm chưa đăng ký bất kỳ trang website nào trên hệ thống thông tin truyền thông trong cả nước; không có trang website là http://truongdaylaixeuytin.vn”.
Đào tạo “chui”
Theo quyết định số 188/QĐ-TT3 của Trường Đại học PCCC Trung tâm dạy nghề, đào tạo và sát hạch lái xe về việc mở văn phòng giao dịch tiếp nhận hồ sơ lái xe giao cho ông Nguyễn Xuân Thanh (SN 1987, Hà Tĩnh) là nhân viên văn phòng tại Trung tâm dạy nghề đào tạo và sát hạch lái (Trường Đại học PCCC – Bộ Công an) được mở Văn phòng giao dịch tiếp nhận hồ sơ lái xe tại số 13 Lý Thái Tổ, TP Pleiku ngày 1/9/2018. Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai, văn phòng này chỉ được tiếp nhận hồ sơ lái xe, không được thực hiện bất kỳ việc đào tạo nào.
Trong khi đó, theo phản ánh của anh Lê Sanh Thoàn (SN 1997, TP Pleiku, Gia Lai), anh đã nộp 4 triệu đồng để học bằng lái B2. Hiện giờ mới chỉ học 1 buổi lý thuyết ngay tại cơ sở nêu trên. Chỉ có đi thi tại Hà Nội, còn học thì tất cả đều quanh Gia Lai. Anh Thoàn rất lo vì đã hơn 2 tháng không thấy liên lạc đi học trở lại.
Tương tự, anh Lê Đình Chiến (SN 1993, Ia Grai, Gia Lai) cũng đang cảm thấy hoang mang khi đã nộp tiền học bằng B2 nhưng đã hơn 2 tháng không thấy văn phòng trên hồi âm. Anh Chiến đã liên hệ hỏi nhưng nhân viên nói các câu như “sẽ báo lại công ty”; “ngày mai sẽ gọi lại”. Sau đó cũng không thấy hồi âm. Anh Chiến nói đã học được 1 buổi lý thuyết ngay tại lầu 2 của văn phòng trên. Tuy nhiên, anh Chiến đánh giá buổi học này như “Cho có. Thà tự đọc sách ở nhà tốt hơn”.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, một cán bộ phụ trách chuyên môn cho biết: Từ khi văn phòng trên thành lập, Sở thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong đào tạo lái xe, không liên kết tuyển sinh, đào tạo trái quy định.
Đồng thời, qua xác minh thực tế thì thấy Văn phòng này có treo biển quảng cáo tuyển sinh lái xe, Sở đã chủ động thông tin trực tiếp với Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch để kiểm tra việc treo bảng hiệu quảng cáo như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không ?. Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã mời đại diện Văn phòng này lên làm việc, lập biên bản và yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc treo bảng hiệu, bảng quảng cáo.
Trong thời gian đến, Sở sẽ ban hành văn bản đề nghị các UBND cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo nhân dân trên địa bàn khi có nhu cầu học lái xe thì cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn các cơ sở đào tạo lái xe chất lượng, uy tín và được cấp Giấy phép đào tạo lái xe theo quy định, tránh việc mất tiền oan hoặc không bảo đảm về chất lượng đào tạo như một số trường hợp đã xảy ra mà báo chí đã nêu trong thời gian vừa qua.