Hoàng Đình Tài: Đi tới bồ tát nghệ sỹ

TP - Hoàng Đình Tài chẳng gây ấn tượng ở vẻ ngoài, ông lẫn vào bao vị về hưu lâu năm khác. Có ai ngờ ông lại là một kẻ cực đoan có số má trong làng hội họa, một tay “mê sơn mài như mê gái”, có thể thao thao bất tuyệt về sơn mài đến mức những kẻ vẽ chất liệu khác chỉ muốn “binh” ông cho hả giận. 

Trong đám thi nhân, văn nhân tôi được hân hạnh biết, có nhà thơ Trần Anh Thái nói to khó ai bì. Chẳng cần thấy mặt, thấy dáng mới nhận ra anh, chỉ cần nghe giọng sang sảng, nằng nặc quê, biết ngay nhà thơ “Đổ bóng xuống mặt trời”. Nhưng riêng về khoản nói nhiều, nói say mê như đang lên lớp giảng bài lĩnh lương, cả hội họa lẫn văn chuơng, chưa ai địch nổi Hoàng Đình Tài.

Hoàng Đình Tài: Đi tới bồ tát nghệ sỹ ảnh 1 Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Ông ích kỉ ở chỗ, chẳng cần biết người nghe tiếp nhận được gì từ “bài giảng” không, cứ tuôn ào ào như thác lũ. Phỏng vấn Hoàng Đình Tài quá tiết kiệm calo nhưng đau… lỗ nhĩ. 

Đã nói như súng liên thanh thỉnh thoảng ông lại phá lên cười thả phanh vô tổ chức. Sáng tạo nghệ thuật cứ theo quan điểm của ông sẽ là những phút giây được thần thánh để mắt tới nhưng nói liên hồi, không lặp lại như Hoàng Đình Tài chắc cũng cần phải có vị thần nào đó giúp sức. Hoàng Đình Tài tài thật, trước hết ở khâu nói. 

Ông còn lôi kéo: “Có thời gian qua nhà tôi, tôi nói nhiều điều hay phết đấy. Thí dụ, cô tìm ở đâu trên cõi Việt Nam này cái khái niệm: “Bồ tát nghệ thuật” nào.

Chỉ có tôi mới cung cấp được cho cô”. Cái kiểu nói năng hợm hĩnh ấy, nếu được thoát ra từ miệng một kẻ tầm thường sẽ thật đáng ghét nhưng khi người phát ngôn là Hoàng Đình Tài hào sảng, điên cuồng và thành công với hội họa thì người nghe dễ dàng châm chước và kích thích ông cứ tiếp tục phát huy. 

Hoàng Đình Tài, sinh năm 1947, tại Hưng Yên, vùng đất đã sinh ra những nhân tài cho nghệ thuật: Danh họa Tô Ngọc Vân, nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan. Nhưng ông lớn lên và hoạt động nghệ thuật nhiều năm ở Hải Phòng, từng là lính cao xạ tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng. Nhiều người biết đến Hoàng Đình Tài ở mảng vẽ ký họa. 

Ngày trước, ký họa của ông từng đăng nhiều trên báo Văn nghệ, Quân đội nhân dân… dưới bút danh Nguyễn Tài Vị. Ở mảng ký họa ông khai thác sâu đề tài chiến tranh, một hiện thực được trải nghiệm của họa sỹ.

Cũng nhờ ký họa, tài năng của ông được phát hiện bởi một trong những tên tuổi của hội họa Việt Nam: Họa sỹ Nguyễn Tiến Chung. Cố danh họa từng đưa ra nhận xét chính xác giúp Hoàng Đình Tài đủ tự tin theo đuổi hội họa: “Ngay đến cậu cũng không nhận ra giá trị của cậu đâu. Tranh của cậu có hình, có bố cục hẳn hoi, rất được”. 

Ngươì ta thường ví cái tôi của nghệ sỹ đích thực ngất ngưởng như Hy Mã Lạp Sơn trong thơ Xuân Diệu. Nhưng nghệ sỹ đích thực cũng còn phải là người vô cùng cầu thị, biết nâng niu, trân trọng tài năng của đồng nghiệp. 

Khi trở thành sinh viên của Đại học Mỹ Thuật, Hoàng Đình Tài may mắn được gần gũi nhiều tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam, những lứa sinh viên đầu tiên của Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng…

Chính quan niệm nghệ thuật nghiêm túc, thiêng liêng từ những danh hoạ hàng đầu Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến con người nghệ sỹ của Hoàng Đình Tài. Ông tôn thờ nghệ thuật tới mức coi như một tôn giáo. Đừng dại hỏi Hoàng Đình Tài tranh bán giá bao nhiêu, dạo này bán được nhiều tranh không, sắp sắm ô tô sang để “loè” thiên hạ chưa… thì ông sẽ bực tức mà rằng: “Đừng hỏi những câu coi thường tôi như vậy. Nếu như tôi vẽ chỉ để kiếm tiền thì xin thưa tôi bỏ nghề ngay.

Làm nhiều nghề khác trong xã hội Việt Nam hiện nay kiếm nhiều tiền hơn. Ngốc nghếch gì mà đi vẽ để kiếm tiền?”. Nhưng người hàng xóm của Hoàng Đình Tài, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, đã mách: “Hoàng Đình Tài sống nhờ tranh”. Nghe nói ông đã xây được ngôi nhà hai tầng từ những năm Hà Nội nhìn tứ bề tuyền nhà cấp bốn, bằng cách bán hai bức tranh. Ông còn nuôi con du học 7 năm ở trời tây, cũng bằng tiền bán tranh. 

Tuy vậy, Hoàng Đình Tài vẫn một mực: “Tôi không bao giờ vẽ tranh chợ, tôi vẽ theo tình cảm của mình”. Được làm điều mình muốn mà vẫn được sống thong dong, không chịu phận “áo cơm ghì sát đất”, xem ra gã cực đoan của làng hoạ lại gặp may lần nữa.

Thích cha đẻ “siêu nhân”

Bước vào nhà của Hoàng Đình Tài thấy sách nhiều ngang tranh. Hóa ra ngoài hội họa ông còn mê đọc sách mà không đọc văn chuơng giải trí loàng xoàng, Hoàng Đình Tài thích nghiên cứu triết học. Ông đặc biệt thích nhà triết học Đức Friedrich Nietzsche (1844-1900), cha đẻ thuyết “siêu nhân”. Cứ giảng giải một lúc ông lại viện câu nói của Nietzsche: “Nietzsche bảo, nghệ thuật là sự giải thoát thênh thang khỏi khổ đau.

Cứ tưởng ăn nhiều mà sướng hả? Chỉ có nghệ thuật là Đạo”. Rồi ông lại say sưa quên trời đất: “Chúng tôi sinh ra không phải lấy đồng tiền làm mục đích. Đồng tiền không cứu vớt nổi những con người như chúng tôi. Đồng tiền chỉ là phương tiện có ích để chúng tôi tìm đến một sự giải thoát cao siêu hơn, đó là giải thoát tinh thần. 

Giải thoát tinh thần chính là Đạo. Trong các nghệ sỹ có loại gọi là Bồ tát nghệ sỹ, dùng phương tiện nghệ thuật để giúp mọi người và bản thân mình giải thoát”. 

Nghe đến đây, tôi bật ra câu hỏi: “Ông đã thành bồ tát nghệ sỹ chưa?”. Hoàng Đình Tài nổi nóng: “Đó là bản chất của nghệ thuật, sao cô lại cứ vu cho tôi. Con đường đích thực của nghệ thuật là phải thế, cô hiểu chưa?” rồi thấy như mình đã quá lời, ông phá lên cười ha hả, lại tiếp tục “bài giảng” về nghệ thuật. 

Phải nói bài giảng của Hoàng Đình Tài không xa lạ với phần đa những người chịu khó đọc một chút. Nhưng đọc để ngấm, để say đắm và “tuân chỉ” kiến thức thu được như Hoàng Đình Tài lại… khó tìm. 

Tiếp xúc với nhiều văn nghệ sỹ lâu nay, hiếm thấy ai nói về sự linh thiêng trong nghệ thuật, sự hiến thân cho nghệ thuật một cách quyết liệt như Hoàng Đình Tài. Ngồi nghe Hoàng Đình Tài có cảm giác như nghe một gã si tình nói về người mình yêu, bao giờ cũng tôn thờ. 

Lại may cho Hoàng Đình Tài không bị yêu đơn phương. Hội họa đã mỉm cười với ông, riêng sơn mài lại càng rực rỡ. Nhiêù tác phẩm sơn mài của Hoàng Đình Tài đã ghi dấu ấn trong lòng người yêu cái đẹp: Nhảy múa, Tình yêu, nhạc Rock… 

Ông đoan quyết tác phẩm sơn mài của mình “xịn trăm phần trăm”, không phải sơn mài “nhái”. Ông lí giải vì sao sơn mài “nhái” vẫn rộng đất sống hơn sơn mài “xịn”: “Chẳng qua do “thượng đế” vẫn không hiểu biết đến nơi đến chốn về sơn mài, cũng như không hiểu giá trị của sơn mài. Vẽ sơn mài nhái thì nhanh, giá rẻ hơn, nó lời cho việc buôn bán. Sơn mài thật cầu kỳ, nhanh nhất cũng một tháng, có khi kéo dài sáu tháng, một năm là thường”. 

Tuy nhiên ông vẫn chung thủy với sơn mài truyền thống: “Tôi thấy sơn mài theo kiểu ta hay hơn sơn Nhật, không phải vì chuyện đắt hay rẻ, nhanh hay chậm”. Hỏi vì sao ông chọn sơn mài là đường đi trong sự nghiệp của mình, ông lại trả lời “thần bí”: “Đó là định mệnh”. 

Hiện tại Hoàng Đình Tài vẫn chăm chỉ sáng tác theo hướng tìm tòi: “Ở lứa tuổi tôi những người còn sáng tác theo hướng tìm tòi rất ít”. Ông khoe tác phẩm “Nắng Braxin” lấy cảm hứng từ trái bóng tròn: “Đây là tìm tòi mới nhất của tôi sắp tham gia triển lãm khu vực”.

Con tằm không nhả tơ là con tằm… chết

Coi nghệ thuật giống như tôn giáo nhưng quá trình sáng tác của Hoàng Đình Tài diễn ra bình thường: “Tôi sáng tác chả có gì cao siêu.

Thường tôi không nghĩ đến ai cả. Chẳng băn khoăn người ta có duyệt cho mình không? Có ai mua bức tranh này không? Những băn khoăn đó chẳng để làm gì. Tôi cứ vẽ như con tằm nhả tơ, con tằm không nhả tơ là con tằm chết. Chấm hết”. Nghe họa sỹ sơn mài tuyên ngôn, bỗng thấy thân phận nghệ sỹ thật cực. Nhưng Hoàng Đình Tài nghĩ khác, ông tôn vinh quyền năng sáng tác: “Có người muốn khổ cũng có được đâu. 

Vì bàn tay thượng đế chưa đặt lên vai. Trong hơn trăm họa sỹ đào tạo ở trường Đông Dương chỉ có mươi, mười lăm người trở thành tài thôi”. Và ông tái khẳng định quan điểm của mình: “Tôi cho rằng nghệ thuật là tôn giáo. Nghệ thuật không phải chỉ để kiếm sống hay háo danh. Tôn giáo đó ngấm vào máu. Tranh của tôi không chiều lòng ai”. 

Nhắc đến họa sỹ trẻ hôm nay, Hoàng Đình Tài buồn bã: “Họ ý thức sớm vấn đề tiền bạc, danh vọng”. Ông than: Thời bây giờ chẳng tìm đâu ra những “tượng đài” như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… 

Hoàng Đình Tài: Đi tới bồ tát nghệ sỹ ảnh 2 Hoàng Đình Tài

“Sơn mài có âm dương lúc đắp vào mài ra, có ngũ hành với vóc gỗ bó đất phù sa, kim loại, đá son, nhựa cây làm màu vẽ, nước chảy khi mài, lửa cháy lúc hong khô. Sáng tạo của nghệ sỹ là hoà trộn tim óc và bàn tay tài khéo vào cõi nhân sinh vật chất”. 

Hoàng Đình Tài

Ông từng có vinh dự được làm việc cùng với danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Hai nguời cùng thuê chung người mẫu, bao giờ Nguyễn Tư Nghiêm cũng dành phần trả tiền. Có lần họ cùng ăn cơm rang với lạc muối. Nguyễn Tư Nghiêm đã phân tích cho Hoàng Đình Tài những chất dinh dưỡng trong món ăn đạm bạc này giàu có chẳng kém một bữa tiệc linh đình. Hoàng Đình Tài cho rằng: Hội hoạ nước nhà đang tiến… xuống. 

Có thể nhận định của Hoàng Đình Tài là đúng. Nhưng nếu còn những nghệ sỹ cảm thấy vinh quang khi chọn con đường gồ ghề, khắc khổ để dấn thân trong nghệ thuật, giống như khi ăn cơm muối vừng lại thấy đề huề như bữa tiệc sang thì hội họa Việt phần lao đao cũng sẽ chỉ là cơn gió, đến rồi đi. 

Hoàng Đình Tài: Đi tới bồ tát nghệ sỹ ảnh 3 Hoàng Đình Tài và tác phẩm

Với tác giả “Tiểu đội xe không kính”

Hoàng Đình Tài có mối quan hệ thân thiết với Phạm Tiến Duật từ thời ông còn khoác áo lính trong chiến tranh. Phạm Tiến Duật lúc sống từng nói, Hoàng Đình Tài là nhà thơ trong hội họa.

Chưa bao giờ bom đạn cản được niềm đam mê của Hoàng Đình Tài, ông vẽ mọi lúc, mọi nơi. Nếu trong nửa tháng trời ở Lào Phạm Tiến Duật đã sinh nở “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Tiểu đội xe không kính” thì Hoàng Đình Tài trong khoảng thời gian này đã sáng tác hàng trăm kí họa tại chỗ.

Phạm Tiến Duật không biết có dành riêng cho Hoàng Đình Tài bài thơ nào hay không nhưng Hoàng Đình Tài có “Trên đỉnh núi tale” ký họa giây phút thi hứng dạt dào của Phạm Tiến Duật. Hơn 30 năm sau họa sỹ đã tặng lại thi sĩ bức ký họa độc đáo này. 

MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).